Dịch vụ logistics, mũi nhọn gắn liền kinh tế biển Hải Phòng (Kỳ 3): Tiếp tục hoàn thiện để bứt phá

09:45 27/06/2020

Như đã đánh giá, dịch vụ vận tải đang đóng góp rất lớn cho ngành kinh tế Hải Phòng, tuy nhiên điều hết sức quan trọng là phân ngành này sẽ khó phát triển nếu không có được cơ chế hoạt động thích hợp. Điều kiện tiên quyết là chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ kết nối, vấn đề này gần đây đặc biệt được quan tâm, và ngày càng được cụ thể hóa trong thực tiễn.

 Đường trục giao thông đô thị Đông – Tây vừa được đưa vào khai thác trong dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/2020)

Mới đây, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: chính sách về thu hút vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics; phát triển cơ cấu hạ tầng kết nối với các Trung tâm logistics, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chính sách phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, quỹ đất phát triển logistics. Đây là điểm nhấn quan trọng, tạo cơ sở khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của phân ngành vận tải Hải Phòng.

Trước đó, trong giai đoạn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, Hải Phòng đã được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, tiêu biểu là đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tổ hợp cầu đường Tân Vũ và cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung mọi nguồn lực, mở nhiều tuyến đường mới như Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp, nâng cấp quốc lộ 10, đường bao ven biển… đồng thời cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến khác.

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Trung ương, thành phố cũng đã triển khai nhiều cơ chế chính sách, nhằm thu hút những nguồn lực khác, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Ngoài hệ thống cầu đường như đã đề cập ở kỳ trước, thành phố thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị, với vốn ngân sách 360 tỷ đồng và 358 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA.

Được biết, thành phố cũng đang phối hợp với các cơ quan Trung ương, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công cầu Tân Vũ 2, đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng một loạt những công trình giao thông, tạo ra mạng lưới dịch vụ logistics hoàn thiện.

Liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, theo đề án quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thành phố sẽ xây dựng 38 bến hành khách, 4 cảng khách, 62 cảng thủy nội địa với công suất xếp dỡ 29,2 triệu tấn/năm. Riêng về bến hàng hóa thủy nội địa quy hoạch thành 7 cụm trên các tuyến sông lớn, cùng hàng trăm bến hàng hóa nhỏ.

Vấn đề đặt ra là phải cân nhắc, tính toán quy hoạch phù hợp hiện trạng cũng như năng lực kết nối với các địa phương khác. Đơn cử đối với container và hàng siêu trường, siêu trọng, vẫn tải đường sông sẽ tiết kiệm chí phí cũng như giải quyết được nhiều hệ lụy về giao thông, nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu như ở các bến đến của địa phương khác không có cảng và thiết bị xếp dỡ chuyên dụng.

Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải xứng đáng là biểu tượng của dịch vụ logistics Hải Phòng

Nhưng điểm nhấn quan trọng bậc nhất có lẽ chính là việc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng, đã tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh mẽ mảng dịch vụ này. Theo đó Đình Vũ đã hình thành khu bến tổng hợp, tiếp nhận tàu vận tải biển cỡ lớn chuyên chở container, hàng lỏng và hàng chuyên dụng khác.

Từ hướng phát triển này, năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng biển Hải Phòng đã có sự gia tăng cao trong những năm tới, kỳ vọng lớn là hướng phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, nơi được xác định là trung tâm hệ thống cảng biển Hải Phòng trong tương lai. Đây là cảng tổng hợp hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 10 vạn tấn giảm tải, tàu container đến 8.000 TEU giảm tải, tàu du lịch đến 6.000 khách và kết hợp vai trò trung chuyển quốc tế, năng lực thông qua khoảng 115 đến 125 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quá trình mở rộng đầu tư hệ thống cảng biển nêu trên cũng như việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng hình thời gian qua đã tạo điều kiện đặc biệt cho việc triển khai chuỗi dịch vụ logistics của Hải Phòng, đưa Hải Phòng thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là lời giải cho bài toán phức hợp, có chức năng kết nối hoàn hảo hơn dịch vụ vận tải với các loại dịch vụ khác như: kho bãi, lắp ráp sản phẩm, hỗ trợ tài chính, thủ tục chính sách… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với mục tiêu nhanh nhất và chi phí thấp nhất.

Không dừng ở đó, việc thể chế hóa chính sách trong quy hoạch logistics của Hải Phòng, sẽ mở đường để các nhóm dịch vụ phân ngành trong chuỗi cung ứng, có điều kiện tiếp cận, kết nối với các chuỗi cung ứng khác ngoài Việt Nam.

Bước sang năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngập trong vòng xoáy suy thoái, Hải Phòng vẫn tự tin với lộ trình tăng trưởng tiếp diễn. Điều hết sức ấn tượng là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng vừa qua, thành phố đã đồng loạt khởi công, động thổ, khánh thành 16 công trình trọng điểm.

Trong đó có nhiều công trình hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, bám sát tinh thần định hướng của Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Giờ đây có thể khẳng định, Hải Phòng đang sở hữu một hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đưa phân ngành vận tải thực sự trở thành cốt lõi của phát triển kinh tế tổng thể, trong đó có dịch vụ logistics. Nghĩa là “sân chơi lớn” đang thuộc về Hải Phòng, vấn đề là cần chủ động chớp thời cơ, không để tương lai “lỡ hẹn”.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông