Diễn đàn an ninh: Thả diều và nỗi lo mất an toàn lưới điện

09:44 21/06/2018

Những ngày hè oi ả, cứ gió lên là có rất nhiều con diều thoải mái sải cánh bay tại nhiều làng quê, khu vực ngoại thành, thậm chí cả nội đô chật hẹp. Những tưởng trong cuộc sống công nghiệp hối hả này, thả diều trở thành thú chơi giải trí tinh thần tao nhã, giúp con người xả stress hữu hiệu.

Thả diều tùy tiện tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn hành lưới điện (ảnh minh họa)

Với dịch vụ phong phú như ngày nay, người chơi khỏi cần mất công, tốn thời gian ngồi cắt dán, uốn nắn một con diều. Chỉ cần vài chục đến vài trăm ngàn đồng là có ngay những con diều xanh đỏ tím vàng với đủ hình dáng; kích thước to, nhỏ, vừa vừa, thậm chí cực đại với sải cánh rộng 5-7m phải chở bằng xe ô tô cũng có.

Để diều nhẹ, dễ bay, bắt mắt, vật liệu làm ra diều cũng được làm bằng nilon thay vì chất giấy truyền thống. Nhiều người chơi còn sáng tạo, cải tiến hình thức với việc gắn đèn led qua dây dẫn bằng kim loại nhấp nháy tạo nên hiệu ứng ánh sáng cực kỳ bắt mắt.

Thế nhưng, “rằng hay thì thật là hay”, khi đột nhiên xảy ra sự cố, diều vướng vào đường điện cao thế thì quả thật là một thảm họa. Diều bằng nilon bén lửa càng nhanh, nilon cháy két lại bám lên bề mặt dây điện cao thế, chuỗi sứ, cột điện gây phóng điện càng nguy hiểm.

Hậu quả khi diều chập cháy lưới điện không chỉ gây mất điện trên diện rộng mà còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế đối với các nhà máy đang trong quá trình vận hành sản xuất.

Tổn thất về chi phí, nhân lực được huy động để khắc phục sửa chữa khắc phục mà còn tiềm ẩn những nguy cơ thiệt hại về người chơi diều với những tai nạn thương tích có thể xảy ra khi vì mải mê chạy theo hướng gió để kéo căng dây diều mà vô thức băng qua phần đường đang có phương tiện giao thông di chuyển.

Hoặc dây diều bị trùng, rơi xuống vướng vào xe, người điều khiển phương tiện đang lưu thông. Nguy hiểm hơn còn có thể xảy ra những tai nạn làm người chơi diều bị bỏng, điện giật, thậm chí dẫn đến tử vong. Đồng thời còn gây bức xúc đối với người dân sinh sống tại khu vực xảy ra sự cố, mất điện đúng vào cao điểm nắng nóng, nhất là những gia đình có con nhỏ, người già, ốm đau… bởi thời gian khắc phục không chỉ trong đơn giản trong vài ba phút mà có khi kéo dài lên vài tiếng, thậm chí cả ngày.

Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17-10-2013; Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26-2- 2014 của Chính phủ có nội dung "nghiêm cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện, có khả năng gây sự cố lưới điện" và quy định chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Song điều bất cập là ngành điện lại không có thẩm quyền xử phạt.

Mặt khác, trên thực tế, các hành vi thả diều, vật bay gây ra sự cố lưới điện rất khó xử lý triệt để bởi trước khi rơi vào công trình điện, các con diều bị đứt dây có thể xa nơi thả diều hàng cây số. Vì vậy ngành điện và chính quyền cấp xã đều mặc dù lập được biên bản sự cố xảy ra, không tìm đâu ra chủ để xử phạt.

Trước tình trạng trên, để hạn chế tối đa sự cố, ngành điện đã có nhiều giải pháp như tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở ngành: Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Đồng thời ký hợp đồng với UBND các xã, vận động người dân không thả diều trong hành lang lưới điện. Thậm chí nhiều người thợ truyền tải điện còn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ “canh diều”. Nếu phát hiện người thả diều trong vùng có nguy cơ xảy ra sự cố điện, họ sẽ phải ra vận động người dân thu diều về, hoặc gọi UBND xã đến thuyết phục…

Nhà nước cũng đã có những chế tài quy định xử phạt các hành vi vi phạm. Các giải pháp bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cũng đang được ngành điện tích cực triển khai dưới nhiều hình thức. Thế nhưng với tình trạng còn thiếu sân chơi cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên như hiện nay thì tình trạng mỗi khi hè đến, nỗi lo canh cánh về mất an toàn hành lang lưới điện vẫn còn là vấn đề lớn.

Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện, để hạn chế phát sinh các vi phạm về hành lang an toàn lưới điện, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền để ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ đầu các hành vi vi phạm.

Có vậy, mới đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình điện cũng như tài sản và tính mạng của người dân.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông