10:28 10/03/2019 Trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến thăm ngôi đình hàng trăm tuổi của phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh. Ngồi dưới mái đình mới được trùng tu, còn thơm mùi gỗ, người dân nơi đây rưng rưng xúc động kể về ngôi đình làng xưa với hình ảnh của những người anh hùng anh dũng ngã xuống để bảo vệ mảnh đất, quê hương…
Đình Phúc Lộc, xã Hưng Đạo xưa
Truyền tụng, đình làng Phúc Lộc xưa có nguồn gốc khởi dựng từ thời Hậu Lê, thế kỷ 17-18. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm 3 gian, 2 dĩ bái đường và 1 gian hậu cung.
Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn đánh giá qua những dấu tích còn lại như chân tảng đá kê cột, tảng kè hiên thì đình có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ 19.
Đình Phúc Lộc, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh sau nhiều năm trùng tu, nay là Di tích lịch sử cấp thành phố
Làng Phúc Lộc xưa thờ 5 vị thành hoàng làng ở đình và miếu. Tại đình hiện thờ 3 ngài thành hoàng làng là: Đông Hải Đại Vương tôn thần, Tích Lịch tôn thần, Linh ứng tôn thần.
Còn 2 vị Minh Nga công chúa tôn thần và Trần Huệ giám sát hiển linh tôn thần thờ ở miếu. Tại đình Phúc Lộc hiện còn lưu giữ dược 4 bản sắc phong từ đời vua Thành Thái cho đến đời vua Khải Định.
Chân tảng đá kê cột, những dấu tích của đình Phúc Lộc xưa
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy trước kia, nay là phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, do nầm gần trục đường 14 (đường Phạm Văn Đồng) và sông Lạch Tray.
Vì có vị trí địa lý quan trọng như vậy, năm 1947, thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc của Đảng và sự chỉ đạo của Huyện ủy Kiến Thụy về chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Uỷ ban kháng chiến xã Hưng Đạo đã quyết định tiêu thổ ngôi đình làng Phúc Lộc cũng như một số ngôi đình, miếu khác trên địa bàn xã. Toàn bộ số vật liệu được tận dụng vào việc làm hầm hào nuôi giấu cán bộ kháng chiến.
Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân làng Phúc Lộc luôn hăng hái đi đầu các phong trào ủng hộ kháng chiến như phong trào "Hũ gạo nuôi quân", "May áo chiến sĩ" và ủng hộ tiền, vàng bạc, đồng để đúc súng đạn và mua vũ khí.
Thực hiện Chi thị của Trung ương "Toàn dân kháng chiến", đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hưng Đạo họp bàn triển khai những nhiệm vụ cấp bách của địa phương.
Quân và dân Hưng Đạo chiến đấu kiên cường, nhiều người đã anh dũng hi sinh. Sự hy sinh, mất mát của nhân dân Hưng Đạo là vô cùng to lớn, nhiều xóm làng bị tàn phá nặng nề. Mặc dù vậy, nhân dân vẫn một lòng sắt son theo đảng, Bác Hồ, thực hiện khẩu hiệu “Một tấc không đi, một không li không dời", bám đất, bám làng kiên cường chiến dấu cho đến ngày toàn thắng.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hưng Đạo bước vào thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tích cực chi viện cho tiền tuyền lớn đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại làng Phúc Lộc, đã lập bia "Căm thù" ghi sâu tội ác của đế quốc Mỹ, là di tích Tội ác chiến tranh đã được thành phố xếp hạng năm 2002.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Hưng Đạo nói chung và Phúc Lộc nói riêng đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trong đó có 85 người là liệt sĩ chống Pháp, 157 người là liệt sĩ chống Mỹ, 67 người là thương binh, nhiều tập thể và hàng nghìn cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương và bằng khen các loại, 2 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, toàn xã Hưng Đạo trước kia được tặng thưởng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng, lực lượng vũ trang nhân dân".
Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và vĩ đại của dân tộc, đình Phúc Lộc, phường Hưng Đạo đã trở thành một chứng nhân lịch sử, là nơi ghi dấu, nhắc nhớ nhiều thế hệ con người quê hương về những năm tháng hào hùng, về sự hi sinh mất mát lớn lao của quân và dân cả nước.
Năm 1998, đình Phúc Lộc đã được nhân dân khởi dựng lại. Năm 2016, nhân dân địa phương cùng chung tay trùng tu ngôi đình khang trang như ngày hôm nay. Đặc biệt, năm 2014, đình Phúc Lộc được thành phố công nhận là Di tích lịch sử.
Xuân Hạ
14:29 23/11/2024