11:56 07/01/2023 Sáng 6-1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6-1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn An Giang và Bình Dương. Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì phiên thảo luận.
Nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch là cơ sở để đầu tư phát triển trúng và đúng, các đại biểu bày tỏ băn khoăn với khối lượng nội dung cần xem xét, hoàn thiện là rất lớn, việc thông qua Quy hoạch ngay tại kỳ họp này là thách thức đối với các cơ quan. Thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng để thể chế hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng lần thứ 13 thông qua cũng như triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Các đại biểu đều thống nhất nhận định Quy hoạch tổng thể quốc gia là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở định hướng cho các quy hoạch cấp dưới. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề lớn, khó, phức tạp. Nội dung đa dạng tất cả các ngành nghề, địa phương. Do đây là lần đầu tiên thực hiện nên đi vào chi tiết các nội dung vẫn còn có những “chông chênh” khiến các đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Các đại biểu cũng chỉ rõ một số vấn đề cần được làm sâu sắc hơn như việc đánh giá thực trạng và đánh giá tác động, xác định nguồn lực thực hiện, các chỉ tiêu, mục tiêu cần bảo đảm định tính. Do đó, áp lực để có thể tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Quy hoạch để Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp bất thường lần này là rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ làm hai nội dung chính. Một là, định hướng mang tầm quy mô quốc gia theo giai đoạn phát triển nhất định. Hai là tổ chức lại không gian phát triển. Về thời điểm thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đặt vấn đề Quốc hội có thể ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc tổng hợp ý kiến, tiếp thu chỉnh lý các nội dung để hoàn thiện Quy hoạch.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) bày tỏ đồng tình với quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung tạo lập, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và hình thành các đầu tàu dẫn dắt đất nước. Quy hoạch để tạo không gian phát triển quốc gia thống nhất, đảm bảo liên kết nội vùng, liên kết vùng và khai thác lợi thế của từng vùng.
Đại biểu cũng cho rằng nên lựa chọn một số vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng các trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với thể chế, chính sách đặc thù và có tính vượt trội, tính đột phá. Đồng thời, quy hoạch cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế gắn với không gian phát triển mới, phát triển vùng động lực và tăng trưởng quốc gia.
Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cần có sự quan tâm đến hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, trong đó có hành lang kinh tế Hải Phòng, Quảng Ninh, thu hút hàng hóa qua cảng từ khu vực ASEAN, khai thác và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cảng biển; quan tâm đến hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cũng là trục quan trọng trong cực tăng trưởng phía Bắc.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định một số chỉ tiêu thể hiện mức độ phát triển của nước ta trong khu vực và trên thế giới như các chỉ số đổi mới sáng tạo, về năng lực cạnh tranh công nghiệp, hoàn thành xây dựng Chính phủ số thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN; phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên như là đất, nước, khoáng sản, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN….
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) tham gia 2 ý kiến. Về nhóm các giải pháp, nguồn lực thực hiện được nêu trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quan trọng của động lực phát triển. Do đó, dự thảo cần xem xét, bổ sung các giải pháp cụ thể tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, nhất là với chỉ tiêu lao động qua đào tạo để phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 35% đến 40%, góp phần tăng năng suất lao động./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão