Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt vượt khó thời Covid

23:27 21/04/2020

COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tuy đến nay, Hải Phòng vẫn “sạch lưới” chưa có ca dương tính với virus SARS-CoV-2, song là một địa phương hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông như sân bay, cảng biển, đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, lại tiếp giáp các tỉnh, thành đã có dịch nên những thiệt hại của các doanh nghiệp cũng rất nặng nề.

 

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải gặp nhiều khó khăn trong dịch COVID-19

Theo thống kê của đại diện Văn phòng VCCI tại Hải Phòng thì qua những doanh nghiệp mà tổ chức này khảo sát, có tới 90% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu từ 10% trở lên, trong đó chủ yếu là ở mức từ 30%.

Nếu như trước đây dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc thì doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên liệu. Nay, ngay cả khi doanh nghiệp đã hoàn thành các đơn hàng thì lại không thể xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Tổ chức này cũng dự báo, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thì trong thời gian 3 tháng tới sẽ có khoảng 28% doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng phá sản, trong đó có nhiều doanh nghiệp sử dụng từ 500 lao động trở lên.

Còn theo ông Phạm Quang Vinh-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng thì hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn thành phố đã tê liệt từ nhiều tháng nay. Hàng nghìn tour du lịch bị huỷ bỏ, 100% các nhà hàng, khách sạn đóng cửa khiến 95% CBCNV, người lao động bị mất việc làm.

Ông Vinh cũng đau đáu: Doanh nghiệp quá khó khăn không thể đảm bảo thu nhập cho người lao động nên rất mong các ngành, địa phương hướng dẫn các chủ sử dụng lao động, người lao động thực hiện các thủ tục liên quan để được thụ hưởng những chính sách ưu đãi tín dụng hoặc trợ cấp của Chính phủ, thành phố, từ đó vượt qua giai đoạn bĩ cực này.

Còn bà Tạ Thu Thuỷ-Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội-Hải Phòng cho biết: Ngày 25-3, chấp hành chủ trương về giãn cách xã hội, tăng cường phòng chống dịch COVID-19, doanh nghiệp đóng cửa hai địa điểm tại Lạch Tray và Quán Trữ. Khó khăn chồng chất khó khăn, hiện, doanh thu của đơn vị đã giảm khoảng 100 tỷ đồng, song vẫn phải chi trả lãi suất vay ngân hàng thương mại tới 7%/năm?!

Đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm tiền sử dụng đất và giảm lãi suất vay ngân hàng, để công ty từng bước hồi phục sản xuất, có doanh thu và nộp ngân sách nhà nước. 

Các ngân hàng chia sẻ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp 

Trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Lê Văn Cường-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng cho biết: Theo thống kê ban đầu đã có hơn 1.600 khách hàng là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể là trên cả 3 lĩnh vực là cơ cấu lại các khoản nợ; xem xét miễn, giảm lãi suất và cân đối nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu vay mới, góp phần giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng cũng nhấn mạnh: Các Hiệp hội doanh nghiệp cần thông tin rộng rãi tới các hội viên về các chủ trương, chính sách tín dụng kể trên. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu mà chưa được các ngân hàng thương mại giải quyết thì kịp thời trao đổi thông tin về Ngân hàng nhà nước. 

Tiếp đến, đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MB Bank cũng đều khẳng định sẽ chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này thông qua các chính sách cơ cấu lại các khoản nợ và giảm lãi suất vay từ 0,5 đến 2,5%/năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng thẳng thắn cho rằng: Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, do vậy để đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, đúng đối tượng, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm chứng minh về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Như vậy có thể thấy, tác động của dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp cần được giải cứu trên hai lĩnh vực chủ yếu là thuế và lãi suất vay. Đối với chính sách thuế hay phí, lệ phí đang tiếp tục được cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành với mức hỗ trợ cao hơn, thì với chính sách tín dụng đã được triển khai, dường như còn không ít doanh nghiệp chưa tiếp cận.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp cần thông báo tới hội viên cập nhật công nghệ thông tin, theo dõi các chính sách, văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp mình, từ đó chủ động, linh hoạt phối hợp tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích