10:13 13/10/2019 Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài luôn song hành với sự nghiệp đổi mới và là hiện thực sinh động của chủ trương mở cửa kinh tế. Khẳng định chân lý: một chính sách đúng đắn, hợp lý ở tầm vĩ mô, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, khiến cả đất nước chuyển động.
Thang0874- Công nhân Việt Nam làm việc tại KCN Nomura
Thành tựu đột phá
Điều đó thấy rõ trong hơn 30 năm kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài ra đời, cả nước đã có trên 26.500 dự án FDI được đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỉ USD, đóng góp gần 20% GDP, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp.
Đối với Hải Phòng, với vị thế là thành phố của ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Đặc biệt những năm trở lại đây, kể từ khi Hải Phòng triển khai đề án “Phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”, thành phố đã có những bước tiến đột phá trên lĩnh vực này.
Tính trong 15 năm (2003-2018) Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng đạt trên 9 tỷ USD, gấp hơn 2,7 lần so với kết quả thu hút đầu tư từ năm 1994 đến năm 2012.
Kết quả của thu hút vốn đầu tư FDI đã góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt thành phố, không những thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tạo công việc và thu nhập ổn định cho người lao động, tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn bảo đảm một nguồn lực quan trọng trong chiến lược lấy kinh tế củng cố quốc phòng an ninh và ngược lại.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 10-2019, trên địa bàn thành phố có 675 dự án FDI hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 17,524 tỷ USD. Trong đó nhiều nhà đầu tư đã rót vốn cực lớn, điển hình là các dự án mang thương hiệu LG (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 4,3 tỷ USD vào khu công nghiệp Tràng Duệ; dự án sản xuất lốp xe của tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) tại Đình Vũ với số vốn trên 1,22 tỷ USD; dự án may mặc của tập đoàn Regina Miracle (Hồng Kông) có vốn đầu tư 760 triệu USD...
Ngành giày dép đi tiên phong trong thu hút vốn FDI mang đậm dấu ấn của doanh nhân Hải Phòng
Vai trò của các doanh nhân
Tuy nhiên đến nay, gần như chưa có một đánh giá cụ thể hay một số liệu thống kê nào, mô tả chi tiết về diễn biến quá trình thu hút và đầu tư nguồn vốn FDI. Chẳng hạn đâu là dự án phát triển bởi kênh ngoại giao, đâu là dự án được hình thành từ kênh xúc tiến chính thống, đâu là dự án do các doanh nghiệp, doanh hân “dẫn dắt” về Việt Nam?
Những năm đầu đổi mới, cụ thể là giai đoạn từ 1987 đến năm 1992, đầu tư nước ngoài, nhất là những nước có nền tảng kinh tế tư bản chưa tạo ra làn sóng. Trong bối cảnh sự phân hóa chính trị đang diễn biến rất mạnh mẽ, nổi bật là sự kiện đổ vỡ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu.
Việt Nam là nước nội khối, đương nhiên việc rút ngắn khoảng cách và đi đến sự thấu hiểu với phần còn lại của thế giới đòi hỏi phải có thời gian. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, thu hút đầu tư bắt đầu từ giai đoạn này có vai trò cá nhân rất lớn của các doanh nhân và những người tham gia “vận động hành lang”.
Có thể thấy rõ ở Hải Phòng, các dự án FDI đáng kể đầu tiên như xi măng Chinfon, giày dép Kainan, Gian-V… khởi động từ năm 1992 lại đến từ Đài Loan, vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc không có quan hệ nhà nước với Việt Nam. Đơn cử như ngành giày dép, từ liên doanh giày Kainan, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục mô hình có vốn FDI như Đỉnh Vàng, Sao Vàng, Sao Sáng, Vĩnh Phát, Khải Thắng… xuất hiện.
Mà thời đó, rất nhiều người hiểu rằng, đây là kết quả vận động mang dấu ấn cá nhân của doanh nhân - anh hùng lao động Nguyễn Gia Thảo – nguyên Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty da giày Hải Phòng.
Không chỉ dừng ở ngành da giày, mà nhiều dự án đầu tư FDI ở Hải Phòng còn gắn liền với tên tuổi của những doanh nhân khác, lan sang lĩnh vực may mặc, cơ khí chế tạo, du lịch và cả thương mại. Thành tựu đó đã góp phần rất lớn, giải quyết vấn nạn thất nghiệp, tạo ra nền tảng kinh tế sơ khai từ nguồn tiền lương, cho đến các nghĩa vụ ngân sách đối với nhà nước.
Dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của tập đoàn LG tại khu công nghiệp Tràng Duệ
Cần một sự nhìn nhận xứng tầm
Theo tâm sự của một doanh nhân khá thành công trong mô hình thu hút đầu tư vốn FDI, thì ý tưởng có thể nhiều người nghĩ ra, nhưng việc bỏ tiền túi cho những chuyến khảo sát nước ngoài, cho những cuộc tiếp xúc, thiết lập các mối quan hệ, rồi thiết lập hạ tầng đối ứng để doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng… không phải doanh nhân nào cũng dám làm và làm thành công.
Tất nhiên khi thành công thì “tiền hô hậu ủng” nhiều người biết đến, nhưng nếu thất bại doanh nhân nhẹ thì ngậm ngùi cay đắng, nặng thì “tán gia bại sản”.
Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, không ít nhà đầu tư nước ngoài dù bỏ công nghiên cứu, nhưng cũng chưa hẳn đã hiểu hết được bối cảnh Việt Nam. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp quan hệ bắc cầu được coi là kênh hiệu quả, lúc đó vai trò của các doanh nhân đã thành công càng quan trọng.
Tuy nhiên có một thực trạng, cũng chính vì hoàn cảnh đó, một số doanh nhân sau khi thiết lập được kênh đầu tư, đã chủ trương trá hình nhằm “Việt hóa” nguồn vốn FDI để hưởng chính sách ưu đãi. Từ việc lập dự án, thành lập doanh nghiệp, xin thuê hoặc giao đất xây dựng nhà xưởng, rồi hợp thức hóa bằng các hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài.
Đây chính là những dự án FDI thực thụ, nhưng núp dưới bình phong, mà người ta hay gọi là “liên kết”. Nhìn về mặt quản lý, đây là một kiểu “lách luật” đem lại không ít bất cập, nhưng nhìn theo hướng tích cực, rõ ràng khó có thể thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài bỏ tiền đầu tư, nếu đối tác Việt không đem đến cho họ độ tin cậy, và hầu hết vai trò đó là mang dấu ấn cá nhân.
Giờ đây, những kết quả không thể phủ nhận của hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định vị thế của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Nhưng chắc chắn rằng, vai trò của những doanh nghiệp, doanh nhân ngoài nhà nước vẫn vô cùng quan trọng. Vì khuôn khổ của bài báo, người viết chưa thể phân tích sâu về vấn đề này, nên mới chỉ đề cập theo hướng gợi mở.
Thiết nghĩ, sau hơn 30 năm thu hút đầu tư vốn FDI, cần đề xuất một kênh đánh giá mới, phân loại cụ thể quá trình thu hút đầu tư, để từ đó ban hành những chính sách điều chỉnh phù hợp. Trong đó, có lẽ cũng cần nhìn nhận xứng đáng vai trò của những doanh nhân, để có thể vừa khuyến khích vừa “quản”, mà khỏi lo các chính sách bị “qua mặt”.
Lê Gia Bình
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão