16:32 02/07/2018
Các thí sinh của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Sau kỳ thi THPT quốc gia, phía Bộ GD-ĐT thì khẳng định, cấu trúc và tỷ lệ của đề thi không thay đổi so với mọi năm. Đề thi tiếp tục được ra theo bốn cấp độ: dễ, trung bình, khó và rất khó, và vẫn sắp xếp các câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó. Tuy nhiên, phần nội dung kiến thức được mở rộng theo lộ trình, như năm nay là kiến thức lớp 11, 12; những năm tiếp theo mở rộng tới kiến thức cả ba năm học.
Về phía các thí sinh thì cho rằng, đề năm nay khó, nhất là đề Ngữ văn, Toán và bài Khoa học tự nhiên tổ hợp của ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đòi hỏi sự đối sánh kiến thức của các năm học và áp dụng thực tế nhiều hơn. Trong khi đó, cách học, cách luyện thi trong các nhà trường hiện nay của các em đa phần chưa bắt kịp sự thay đổi này, chưa kể nhiều thí sinh thừa nhận có đề thi không hiểu hoàn toàn. Câu hỏi đặt ra, lộ trình cải tiến đề thi đã phù hợp?
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận đề thi “khó” sẽ đưa việc đánh giá học sinh về thực chất, không còn hiện tượng “cơn mưa điểm 10”, giúp việc phân loại thí sinh tốt hơn. Các giảng viên đánh giá qua đề thi này sẽ giúp cho mục đích xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng… đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn liệu đề có quá khó, tạo nên nhiều lo lắng với mục đích xét tốt nghiệp THPT? Và như vậy, một kỳ thi với hai mục đích bắt đầu bộc lộ những nhược điểm? Hay, đề thi ngày càng khó liệu có dẫn đến tình trạng học sinh lại phải kéo nhau vào “lò” luyện thi như những năm trước đây?... Điều đáng nói, trong xu thế đổi mới toàn diện GD-ĐT thì đổi mới thi là cần thiết, tuy nhiên cũng cần song hành với đổi mới phương pháp giáo dục. Có vậy, lộ trình mới bền vững.
NHẬT LAM
21:17 22/11/2024