08:14 11/07/2023 Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 đã thông qua 8 luật,3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đồng thời, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu rất quan trọng đối với 8 dự án luật khác.
Có thể nói, đây là kỳ họp “kỷ lục” về số lượng dự án luật, nghị quyết được thông qua hoặc cho ý kiến của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 15, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì người dân, doanh nghiệp của Quốc hội. Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất về thể chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước được Đảng ta đề ra là tâm thế hành động xuyên suốt của Quốc hội và càng được phát huy mạnh mẽ hơn trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến nay.
Dự kiến ban đầu số lượng các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 cũng không nhiều đến thế, nhưng vì yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, làm ngày làm đêm để bảo đảm đủ điều kiện bổ sung một số dự luật vào chương trình kỳ họp, đặc biệt là bảo đảm về mặt chất lượng.
Trong đó, đáng chú ý có một số luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được đưa vào chương trình, gồm 2 dự án luật đã được thông qua theo quy trình 1 kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; cho ý kiến lần đầu đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đây là sự đổi mới rất căn bản, toàn diện, là việc “chưa có tiền lệ” trong công tác lập pháp của Quốc hội.
Để làm được như vậy, theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, ngoài việc chỉ đạo và theo sát quá trình xây dựng các dự án luật, nghị quyết, trong thời gian giữa 2 đợt của kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục không kể ngày đêm để rà soát, hoàn thiện các dự luật trình Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp trong suốt 4 ngày liên tục để cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng như về kỹ thuật lập pháp, các điều khoản áp dụng pháp luật, chuyển tiếp… nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ đầu nhiệm kỳ đên nay, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.
Đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Đáng chú ý, trong công tác lập pháp, Quốc hội luôn chỉ đạo bảo đảm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Điều mà cử tri và nhân dân càng thêm tin tưởng, kỳ vọng là ngay tại kỳ họp thứ 5, để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…, báo cáo kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023); kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.
Trong đó, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…
Với cách làm và hiệu quả như vậy đã thể hiện đậm nét vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện đột phá chiến lược được Đảng ta đề ra về hoàn thiện thể chế, vốn được coi là đột phá “chiến lược của chiến lược”, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh “cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là thể chế, muốn có nguồn lực cũng phải từ thể chế”./.
Hồng Thanh
08:18 27/11/2024
08:17 27/11/2024