Đồng chí Đỗ Mười – “Người Anh lớn của chúng tôi…”

11:30 07/10/2018

Sáng ngày 6-10, tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), hòa vào dòng người vào viếng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cụ Hoàng Xuân Lâm, 93 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng và Thiếu tướng Lê Văn Thụ, nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng xúc động nói: “Chúng tôi đi từ Hải Phòng lúc 4h sáng lên đây để kịp vào viếng bác Đỗ Mười. Với chúng tôi, đồng chí Đỗ Mười không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba mà còn là một người Anh lớn…”

 

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (1917 - 2018)

Năm nay tuổi đã ngoài cửu thập nhưng trong ký ức của cụ Hoàng Xuân Lâm nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng, hình ảnh về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn hiện lên với những chi tiết đầy sống động. Cụ Lâm tâm sự: “Trong cuộc đời hoạt động của mình, giữ nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau, tôi có may mắn được gặp gỡ, làm việc với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn… Trong đó, đồng chí Đỗ Mười luôn để lại trong chúng tôi hình ảnh một nhà lãnh đạo vừa có tầm nhìn bao quát với những quyết sách đúng đắn, mang tầm lịch sử, vừa luôn quan tâm, sâu sát, lắng nghe cấp dưới để có những chỉ đạo sát hợp với thực tế, từ đó giúp cho chúng ta đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác ở những thời kỳ, giai đoạn cam go của cách mạng.”.

Trong ký ức của mình, cụ Hoàng Xuân Lâm không bao giờ quên lần gặp gỡ đầu tiên với đồng chí Đỗ Mười. Đó là vào đầu năm 1954, khi ta tổng tiến công quân Pháp trên mọi mặt trận, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Cụ Lâm khi đó là Phó tiểu đoàn trưởng kiêm Phó chính trị viên Tiểu đoàn bộ đội chủ lực 6130 (sau đổi tên là Tiểu đoàn 204) cùng với đồng chí Lê Chương, Tiểu đoàn trưởng kiêm chính trị viên từ Hải Phòng vượt sông sang chiến khu Phù Dực, Quỳnh Côi (Thái Bình) báo cáo, xin ý kiến Bí thư khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến khu Tả Ngạn - Đỗ Mười, trình bày phương án đánh bốt Vọng Hải (Kiến Thụy) để tiêu hao sinh lực địch.

Cụ Hoàng Xuân Lâm nhớ lại: “Sau khi nghe tôi trình bày cách đánh “vi thành công viện”,  nghĩa là vừa diệt bốt địch, vừa ngăn quân tiếp viện từ cầu Rào kéo xuống, từ Kiến An kéo sang, đồng chí Đỗ Mười trầm ngâm một lúc rồi hỏi: “Đánh xong, các anh rút bằng cách nào?”.

Tôi nói phương án rút quân thì đồng chí Đỗ Mười lắc đầu: “Không được, mình quân ít, địch đông, không thể mạo hiểm, nếu các cậu cố đánh, có ngày “mất chỗ đội nón!”. Nghe lời anh, chúng tôi chuyển sang phương án khác, từ đó giành thắng lợi liên tiếp và tránh được thương vong bộ đội, bảo toàn được lực lượng. 

Thiếu tướng Lê Văn Thụ, nguyên Giám đốc CATP báo cáo với Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân 1 chuyến đồng chí về thăm, làm việc với CATP Hải Phòng

Sau thắng lợi của ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Hải Phòng trở thành điểm tập kết 300 ngày trước khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, cụ Hoàng Xuân Lâm được trung ương điều động từ quân đội sang lực lượng Công an, cho đi tập huấn công tác tiếp quản Hải Phòng tại Hải Dương.

Cụ Lâm hồi tưởng: “Gần đến ngày tiếp quản, tôi lên Hà Nội gặp đồng chí Đỗ Mười, được anh Mười giao nhiệm vụ chỉ huy các cánh quân từ Kiến An kéo sang nội thành Hải Phòng tiếp quản. Tôi nêu khó khăn, đề nghị được cấp xe ô tô. Thế là anh Mười ký giấy cấp ngay cho đoàn bộ đội tiếp quản 1 xe Zeep chỉ huy và trưng dụng thêm vài xe khách chở bộ đội.

Mừng quá, anh em chúng tôi định ra về thì bỗng cậu lái xe nhớ ra, bảo tôi: Cấp xe mà không cấp xăng thì chúng ta đi làm sao được?”. Tôi ngẩn người ra, quay lại chỗ đồng chí Đỗ Mười thì đêm đã khuya, nghĩ anh Mười đi ngủ nhưng khi vừa trông thấy chúng tôi, nghe chúng tôi trình bày, anh Mười ký cấp tại chỗ 200 lít xăng cho đoàn cán bộ tiếp quản”.

Đến ngày 13-5-1955, đồng chí Đỗ Mười với tư cách là Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban quân chính Hải Phòng cùng chúng tôi dẫn đầu các cánh quân kéo về tiếp quản thành phố. Cũng trong ngày hôm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với toàn thế giới: miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng! 

 Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Cảng Hải Phòng, năm 1991

Cụ Hoàng Xuân Lâm kể thêm: "Sau này, tôi được trên điều về công tác tại Bộ Công an, có lần vào Bệnh viện Việt – Xô thăm người ốm, gặp đồng chí Đỗ Mười đang ngồi nghỉ ở ghế đá ở khuôn viên bệnh viện. Nhìn thấy tôi, anh nhận ra ngay và vẫy tôi lại, hỏi thăm tình hình công tác, sức khỏe, gia đình… rất gần gũi, ấm áp, không có khoảng cách giữa một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước với một cán bộ cấp dưới…”

 Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng, ngày 25-3-1991

Với Thiếu tướng Lê Văn Thụ nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng, ấn tượng đầu tiên về đồng chí Đỗ Mười là sự… bất ngờ. Ông Thụ kể: “Năm 1986, trước khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Đỗ Mười là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được Trung ương phân công về Hải Phòng chỉ đạo Đại hội Đảng bộ thành phố. Lần ấy, đồng chí Đỗ Mười đích thân cho gọi tôi khi ấy đang là Phó trưởng Đoàn chuyên gia Việt Nam giúp đất nước Campuchia, về Hải Phòng giao cho giữ chức Phó giám đốc, rồi Giám đốc CATP Hải Phòng".

Cũng kể từ đấy, ông Thụ được phong hàm Thiếu tướng, là vị tướng Công an đầu tiên giữ chức vụ giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thiếu tướng Lê Văn Thụ kể: Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, tình hình ANTT thành phố khá phức tạp, nổi lên nhiều băng ổ nhóm tội phạm manh động, rồi nạn trộm cắp, buôn lậu diễn ra tràn lan ở Cảng, gây bất bình, hoang mang trong quần chúng nhân dân. Đồng chí Đỗ Mười với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Tổng Bí thư đã 3 lần về thăm, giành những tình cảm chân tình với CBCS Công an Hải Phòng và có những chỉ đạo quan trọng, mang tính định hướng cho công tác giữ gìn trật tự trị an thành phố.

Từ chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười, CATP Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác công an như: Thành lập Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm H88 (đơn vị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND chỉ 2 năm sau khi thành lập); đấu tranh thành công nhiều vụ án an ninh như vụ bắt tên Everest (quốc tịch Mỹ) mang vũ khí, tài liệu chống đối xâm nhập vào Hải Phòng nhằm gây rối từ bên trong; đặc biệt là triệt phá những băng nhóm tội phạm khét tiếng như: Cu Nên, Lâm Già, Dung Hà, Quang Tơn; phá vụ án ở ngõ 46 Công Đoàn (Thượng Lý, Hồng Bàng)…

Lực lượng CATP cũng đã giảm thiểu tình trạng trộm cắp, mất ANTT tại các khu vực Nhà máy Xi măng, Cảng Hải Phòng… bảo vệ an toàn tài sản XHCN, từng bước đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Có mặt trong dòng người vào viếng tang cố Tổng Bí thư Đỗ Mười sáng 6-10, cụ Hoàng Xuân Lâm và Thiếu tướng Lê Văn Thụ không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, vị lãnh đạo cấp cao đã có những cống hiến to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của dân tộc; người Đảng viên Cộng sản kiên trung, suốt đời hy sinh vì nước, vì dân. Đó còn là người Anh lớn rất đỗi gần gũi, chân tình, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ CBCS Công an Hải Phòng học tập, noi theo…

 THẾ KHOA

(Ghi theo lời kể của các đồng chí Hoàng Xuân Lâm, Lê Văn Thụ, nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông