09:31 09/03/2022 Tô Hiệu sinh năm 1912 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 14 tuổi, khi đang theo học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, đồng chí đã tham gia phong trào bãi khoá đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Vì hoạt động này, nên năm 1926 đồng chí bị buộc thôi học.
Đồng chí Tô Hiệu và “Cây đào Tô Hiệu” bất tử tại nhà tù Sơn La
Giai đoạn 1927 - 1929, Tô Hiệu học Cao đẳng tiểu học ở trường Trí Tri (Hà Nội), trong thời gian này, đồng chí tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng, được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội tổ chức.
Đầu năm 1930, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động. Ngày 25/8/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Ở trong tù, Tô Hiệu kiên cường tham gia đấu tranh trong, học tập lý luận cách mạng, nhanh chóng giác ngộ và có bản lĩnh vững vàng. Cuối năm 1932, Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1934, Tô Hiệu bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương, nhưng đồng chí không chịu khuất phục, vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng, vừa tìm mọi cách bắt liên lạc với Đảng. Năm 1936, Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ.
Từ cuối năm 1937 đến đầu năm 1938, Đồng chí đã tiến hành nhiều chuyến đi tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương chăm lo công tác xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 5/1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ đã được thành lập, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11/1937, Đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Tháng 2/1939, Đồng chí được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy khu B và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Trong thời gian là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu luôn chú trọng công tác tuyên truyền, đồng thời coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí, đồng chí sáng lập ra tờ Chiến đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, bản thân vừa là chủ bút, vừa tham gia viết bài.
Tượng đài đồng chí Tô Hiệu trong khuôn viên Trường Chính trị Tô Hiệu (Hải Phòng)
Đồng chí còn trực tiếp giác ngộ, đào tạo nhiều cán bộ cách mạng, sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đồng chí trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, củng cố và xây dựng tổ chức Đảng trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, học sinh ở vùng duyên hải nước ta.
Bên cạnh đó, đồng chí Tô Hiệu còn rất quan tâm đến công tác công vận, lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Do vậy, chỉ trong khoảng từ tháng 3/1939 đến tháng 8/1939, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã có tới 30 cuộc đấu tranh, bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm trước đó cộng lại.
Các cuộc đấu tranh do đồng chí Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo đều nổ ra một cách vang dội. Điển hình là biểu tình chống tăng thuế của công nhân Nhà máy tơ (5/1939) kéo dài suốt 1 tháng, buộc chính quyền thực dân, các chủ nhà máy phải nhượng bộ.
Ngày 1/12/1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở in ở xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng) kiểm tra việc in truyền đơn tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt. Mặc dù kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc, nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí.
Cuối tháng 12/1939, chúng đã xử Tô Hiệu mức án 5 năm tù và sau đó đày đi nhà tù Sơn La. Tháng 2/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm Tổ trưởng tổ đảng. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật được triệu tập, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Trong thời gian ở nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục, viết nhiều tài liệu quan trọng, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh…
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa học. Cụ thể là thành lập Ủy ban Nhà tù, tổ chức ra các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo…, để chăm lo đời sống cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng.
Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt. Sau này, nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đều trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ…
Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La. Trước khi đi xa, Đồng chí đã dặn lại các đồng chí của mình: “Ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”.
Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La trong thời gian, bị giam giữ ở đây đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu”. Hình tượng Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu đã trở thành hình tượng văn học, nghệ thuật quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và thế giới.
Với ba mươi hai năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945, để lại cho Đảng nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”. Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu, nhưng một điều hiếm có và rất đặc biệt là còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng tên gọi biểu tượng của đồng chí: “Tinh thần Tô Hiệu”. Đây là một nguồn động lực cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, góp phần đưa tới thành công của sự nghiệp cách mạng.
Kỷ niệm 110 năm sinh của đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.
Hoàng Minh
09:07 09/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão