10:11 11/10/2018 Dẫu tình hình thế giới tiếp tục nhiều bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thị trường, nhất là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế khác, song nhìn lại 9 tháng qua, kinh tế thương mại và dịch vụ của thành phố vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả tích cực.
Doanh thu thương mại góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kỷ lục của kinh tế thành phố 9 tháng qua
Có thể nói, tình hình năm 2018 không mấy thuận lợi cho hoạt động thương mại, bao gồm cả kinh tế đối ngoại và nội địa. Bởi lẽ trên thực tế, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự phục hồi của các nền kinh tế ngoài Việt Nam khá chậm và không đồng đều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững.
Thực trạng chung là tổng cầu xã hội tiếp tục giảm, hàng tồn kho cao làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Trong khi đó, diễn biến hết sức phức tạp kể từ khi Mỹ phát động tranh chấp thương mại với EU và Trung Quốc, cũng làm phát sinh không ít hệ lụy đáng lo ngại. Giữa bối cảnh đó, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, đạt được kết quả vượt bậc, trong đó ngành thương mại đóng góp một phần quan trọng.
Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng trên địa bàn thành phố đạt 87.292,19 tỷ đồng, tăng 15,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 2.435,92 tỷ đồng, tăng 13,42%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 80.582,96 tỷ đồng, tăng 15,22%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.273,30 tỷ đồng, tăng 11,96%.
Đánh giá cho thấy, ngoài trừ một số mặt hàng nông sản như rau xanh, thịt lợn, thủy sản... có một vài thời điểm biến động, còn lại hầu hết các nhóm hàng khác đều ổn định nguồn cung và tăng sức mua. Một số ngành hàng có doanh thu tăng khá cao là nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, tăng 16,01%; hàng may mặc tăng 19,78%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,73%; xăng dầu tăng 17,45%...
Những con số trên đang phản ánh kết quả những bước đi linh hoạt, trong việc tái cấu trúc của ngành thương mại thành phố. Đặc biệt, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục khẳng định vị thế trong việc chiếm lĩnh và kiểm soát thị trường nội địa. Nhất là trong thời gian gần đây, nhiều mô hình trung tâm thương mại hiện đại được xây dựng, đã đưa vào khai thác hiệu quả.
Nhưng điều quan trọng nhất, việc thu hút mọi nguồn lực đầu tư đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của yếu tố tư nhân trong phát triển kinh tế. Từ đó góp phần hiệu quả vào việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của chính sách kinh tế, chứng tỏ hướng đi đúng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của thành phố.
Điều đó cũng thấy rõ từ kết quả của các hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu dùng. Đóng góp lớn nhất cho ngành dịch vụ tiêu dùng vẫn là hoạt động ăn uống, với doanh thu 9 tháng đạt 12.138 tỷ đồng, tăng 23,08%, do nhu cầu về lễ tết, hội họp, cưới hỏi, liên hoan tăng cao.
Bên cạnh đó, một chi tiết đáng chú là doanh thu dịch vụ lữ hành có chỉ số tăng khá cao với 152,45 tỷ đồng tăng 23,33% cùng với doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.199 tỷ đồng, tăng 20,61%, đã thể hiện sự khởi sắc của ngành du lịch thành phố, góp phần đáng kể làm tăng tỷ trọng của hoạt động du lịch nói chung trên địa bàn vào phát triển kinh tế.
Đánh giá tại hội nghị thường kỳ của UBND TP vừa qua cho thấy, trong 9 tháng qua lượng khách du lịch đến Hải Phòng đạt trên 5,95 triệu lượt, tăng 19,15%, đặc biệt du khách đến đảo Cát Bà tăng đột biến. Đây là những nỗ lực to lớn và thiết thực, từ các sự kiện xúc tiến của thành phố, song song với hoạt động cải thiện môi trường du lịch cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan.
Các loại hình dịch vụ có nhiều cải thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư mạnh mẽ như các dự án đầu tư, xây dựng khách sạn cao cấp và khu vui chơi giải trí. Sự bứt phá mạnh mẽ trong kinh doanh du lịch tác động làm doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác trong 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.
Về hoạt động xuất khẩu, cũng so với cùng kỳ năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong 9 tháng đạt khoảng 6.038,4 triệu USD, tăng 25,82% so, bằng 78,5% kế hoạch cả năm. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 4.406,3 triệu USD, tăng 26,9%.
Nhiều sản phẩm đạt mức tăng rất cao kể cả về sản lượng lẫn doanh thu, đáng kể là: sản phẩm Plastic đạt 330,1 triệu USD, tăng 26,32%; may mặc đạt 380,8 triệu USD, tăng 42,5%; giày dép đạt 1.278,7 triệu USD, tăng 20,3%; hàng điện tử đạt 320,9 triệu USD, tăng 42,28%...
Có ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ chính là kết quả sự dịch chuyển của bản đồ thương mại thế giới thời gian qua, như đã nói chính là tranh chấp giữa các nền kinh tế lớn. Cho thấy, dù gặp phải khó khăn, thách thức, nhưng nếu chúng ta nắm bắt đúng thời cơ, thì “thế cờ” sẽ phát huy tác dụng.
Các chỉ tiêu về hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã phản ánh khá rõ sự khởi sắc của ngành thương mại thành phố trong 9 tháng. Có thể nói, kết quả này đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng của thành phố, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GRDP của thành phố với mức kỷ lục 16,2%, tăng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Những bước đi nghiêm túc, thận trọng nhưng quyết đoán trên lộ trình thực hiện Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố đã từng bước hiện thực hóa. Đây là dấu ấn vô cùng ý nghĩa, thể hiện quyết tâm của thành phố trong năm thứ 3 liên tiếp thực hiện chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.
(còn nữa)
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão