Đột quỵ não cần được xử trí sớm và đúng cách

    09:20 15/07/2020

    Đột quỵ não hoặc cơn tai biến mạch máu não do mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong.

    Theo TS. BS Phùng Đức Lâm – Phó Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, nhồi máu não chiếm khoảng 80% trong tổng số đột quỵ não, tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư, di chứng tàn tật đứng hàng đầu.

    Những người thoát khỏi tử vong thường để lại di chứng nặng nề về thể xác và tâm thần như: mất khả năng lao động, phải có người chăm sóc thường xuyên… là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

    Người bệnh bị đột quỵ não thường có biểu hiện rõ trên gương mặt khi cười, nhe răng. Người bệnh có thể yếu hoặc liệt tay chân hoặc có vấn đề về ngôn ngữ như không thể hiểu, nói, hoặc lặp lại một số từ đơn giản… Bệnh này thường hay gặp ở những người cao tuổi song hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.

    Bác sĩ BV Hữu nghị Việt-Tiệp chăm sóc bệnh nhân bị đột quỹ não

    Các dấu hiệu báo động đột quỵ não như: Đột ngột tê dại, yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, thường ở một bên của cơ thể; nói hoặc lĩnh hội khó khăn; đột nhiên nhìn mờ, giảm, hoặc mất thị lực một hoặc cả hai mắt; chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác; đột nhiên đau đầu nặng nề không giải thích được nguyên nhân.

    Cũng theo TS. BS Phùng Đức Lâm, thì đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần: để người bệnh nằm nghiêng đầu sang phải, nếu người bệnh có nôn thì móc hết chất nôn để người bệnh dễ thở và gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp cấp cứu kịp thời. Sai lầm phổ biến của người nhà là cho người bệnh xoa dầu, chích máu ngón tay tại nhà mà không đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế.

    Với người bệnh đột quỵ, gia đình không nên tự ý cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc gì vì lúc này người bệnh thường có rối loạn nuốt, nếu gia đình tự cho uống một số loại thuốc sẽ làm cho người bệnh sặc nôn hoặc hít vào đường thở gây viêm phổi do hít hoặc làm bít tắc đường thở.

    Nhiều gia đình tự mua thuốc An Cung để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, thuốc An Cung không có trong khuyến cáo của Hội đột quỵ châu Âu và thế giới trong phòng và chữa bệnh đột quỵ. Một số ít người bệnh sau khi uống viên An Cung thấy khỏi do người bệnh tai biến mạch máu não thoáng qua, có triệu chứng xuất hiện giống như đột quỵ nhồi máu não, ở bệnh này không cần uống thuốc cũng tự hết vì cơ thể tự phản ứng làm tan cục huyết khối gây tắc mạch.

    Thể bệnh này cũng rất nguy hiểm bởi vì chúng ta tưởng khỏi bệnh không đi khám tầm soát các yếu tố nguy cơ và phòng chúng, có thể người bệnh sẽ đột quỵ nhồi máu não thật sự.

    Theo TS. BS Phùng Đức Lâm cho biết: Kỹ thuật điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật điều trị triệt để, dùng thuốc tiêm trực tiếp vào đường tĩnh mạch nhằm làm tan cục máu đông trong lòng mạch, được chỉ định trên người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não cấp trong vòng 4,5 giờ đầu.

    Đây là kỹ thuật an toàn, làm giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật đến 30%. Vì vậy gia đình người bệnh phải ghi nhớ chính xác thời điểm đầu tiên bị đột quỵ là rất quan trọng. Tuy nhiên chỉ có khoảng 5% người bệnh được chỉ định dùng thuốc này vì thời gian người bệnh phải đến sớm và một số chống chỉ định kèm theo. Phương pháp này đối với đột quỵ tắc mạch lớn khả năng tái thông động mạch chỉ đạt được 15-25%.

    Kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Bác sỹ đưa một kim nhỏ qua đường động mạch đùi, đưa các dụng cụ chuyên biệt qua đường động mạch đến nơi động mạch bị tắc lấy cục huyết khối ra khỏi lòng mạch kỹ thuật này được chỉ định trên người bệnh đột quỵ có tắc mạch lớn và đến trước 6 giờ tính từ lúc khởi phát.

    Kỹ thuật này làm thông mạch máu với tỷ lệ cao, biến chứng chảy máu nội sọ thấp, nhiều người bệnh sau can thiệp đã phục hồi hoàn toàn; các nghiên cứu cho thấy sau 3 tháng có khoảng 70% người bệnh có thể đi lại được.

    Theo số liệu của BV Hữu nghị Việt –Tiệp, thì mỗi năm BV có trên 1700 ca đột quỵ não. Để giành giật thời gian vàng cứu sống người bệnh cũng như giảm thiểu chi phí trong điều trị bệnh, lãnh đạo bệnh viện đã cử cán bộ sang Singapore học tập. Năm 2018 đến nay, BV đã áp dụng thường quy kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trên 300 người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não cấp.

    Đó là trường hợp của bệnh nhân, T.M.P. 23 tuổi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp bị bệnh giờ thứ 2 trong tình trạng thất ngôn, liệt 1/2 người đã được lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học sau 40 phút người bệnh nói tốt, liệt phục hồi hoàn toàn. Trong tháng 6/2020, bệnh nhân N.P.T. 55 tuổi, bị đột quỵ giờ thứ 2 do tắc động mạch thân nền với biểu hiện hôn mê sâu, liệt tứ chi, sau khi được can thiệp lấy huyết khối hiện nay người bệnh có thể nói tốt, liệt phục hồi hoàn toàn.

    Theo TS.Bs Phùng Đức Lâm chia sẻ, các trường hợp trên nếu người bệnh không được lấy huyết khối tỷ lệ tử vong là 75-80% nếu qua được cũng để lại di chứng liệt tứ chi hoặc phải sống đời thực vật, rất may mắn là người bệnh đã được đến bệnh viện kịp thời được áp dụng kỹ thuật mới người bệnh đã hồi phục nhanh chóng và không để lại di chứng.

    Bệnh đột quỵ não có thể điều trị dự phòng được khi người dân thay đổi lối sống tĩnh tại ít vận động bằng cách tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỷ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi (HDL-C), giảm cholesterol có hại (LDL- C), do đó làm giảm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não.

    Đồng thời, cần lưu tâm đến các vấn đề như: kiểm soát huyết áp; không hút thuốc; kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường; ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp; hạn chế uống rượu; tập luyện thường xuyên; giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn; không ăn quá mặn.

    Đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc có nhiều các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như đã nói ở trên phải được khám, theo dõi điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế và khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ não cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất tránh suy nghĩ nhầm lẫn cho là cảm mạo, làm kéo dài thời gian quý giá can thiệp điều trị, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân…

    Hồng Hải

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông