Dự án sản xuất băng dính Đức 55 triệu USD tại Khu CN DEEP C: Tín hiệu phục hồi trong thu hút đầu tư nước ngoài

16:32 09/06/2020

Mới đây, tesa-thương hiệu hàng đầu về sản xuất băng dính công nghiệp-đã công bố về khoản đầu tư 55 triệu Euro tương đương với 60,3 triệu USD vào nhà máy băng dính tại Khu Công nghiệp DEEP C-Hải Phòng. Như vậy, Việt Nam, trở thành địa điểm sản xuất thứ 15 của tesa trên thế giới bên cạnh các nhà máy lớn khác ở Đức, Ý, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây được xem là một bước đi vững chắc và quyết định đúng đắn của Tập đoàn nhằm khai thác tiềm năng của thị trường băng dính châu Á đang phát triển rất năng động, cũng như củng cố vị thế vốn đã vững chắc của tesa tại khu vực này.

Hiện diện thương hiệu toàn cầu

tesa là một trong những thương hiệu có tầm ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực sản xuất băng dính công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại Đức. 

Theo thống kê, tesa SE cung cấp hơn 7.000 sản phẩm cho khách hàng công nghiệp và thương mại, cũng như cho người dùng cuối. Khoảng 3/4 doanh thu của tesa-trong năm 2019 là 1.378,7 triệu Euro-đến từ các ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, như ô tô và điện tử; in ấn và xây dựng, cung ứng cũng như bảo vệ thương hiệu và sản phẩm hiệu quả. Là một đối tác của ngành công nghiệp dược phẩm, tesa còn phát triển và sản xuất các miếng dán giảm đau. Gần 1/4 doanh số của tập đoàn được tạo ra nhờ các sản phẩm cho người tiêu dùng và thợ chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có 300 ứng dụng giúp làm việc tại nhà và văn phòng dễ dàng hơn.

Nhà máy của tesa dự kiến được xây dựng trên khu đất rộng 70.000 m2 tại Khu công nghiệp DEEP C, thành phố cảng Hải Phòng, thuộc miền Bắc Việt Nam. tesa sẽ tiến hành sản xuất vào năm 2023 với khoảng 140 nhân viên trong giai đoạn đầu tiên. 

Theo ông Stefan Schmidt-Trưởng phòng cung ứng của tesa, phụ trách mảng mua hàng, logistics và sản xuất trên phạm vi toàn cầu lý giải: “Nhà máy Tesa đang vận hành tại Tô Châu, Trung Quốc sẽ chạm mức công suất tối đa vào năm 2025 ngay cả khi đã mở rộng. Nhà máy mới tại Việt Nam cho phép nâng cao công suất cần thiết của cả hệ thống và đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng của chúng tôi ở khu vực lớn nhất cũng như phát triển nhanh nhất này”.

Trả lời cho câu hỏi: Vì sao chọn Việt Nam, ông Stefan cho biết thêm: "Thời hạn đưa sản phẩm ra thị trường đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi. Tiếp cận thị trường, giao hàng nhanh chóng, linh hoạt và sự phát triển nguyên liệu thô tại địa phương là những yếu tố quan trọng trong cạnh tranh quốc tế. Việt Nam mang đến cho tesa những cơ hội tốt nhất để rút ngắn con đường đến với khách hàng và các nhà cung cấp tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Thêm vào đó, số lượng khách hàng quan trọng của tesa trong ngành ô tô và điện tử đang chuyển tới Việt Nam ngày càng nhiều.

Tại Việt Nam, tesa cũng hướng tới đầu tư bền vững: 65% sản phẩm sẽ được sản xuất bằng chất kết dính gốc nước, không dung môi. Công ty hướng tới đạt chứng chỉ quốc tế theo "Tiêu chuẩn vàng LEED" cho quy hoạch nhà máy, bên cạnh đó là sử dụng năng lượng mặt trời và xử lý nước mưa.

tesa quyết định lựa chọn DEEP C để hợp tác một phần nhờ vào sự giao nhau trong định hướng và tầm nhìn bền vững. tesa hướng tới sản xuất bền vững trong khi DEEP C đặt mục tiêu hiện thực hóa mô hình khu công nghiệp sinh thái đầu tiên ở Việt Nam thông qua việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà máy, xây dựng đường làm từ rác thải nhựa, sản xuất năng lượng xanh…

Tín hiệu phục hồi thu hút đầu tư nước ngoài

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương vào năm 2020 bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Trong quý đầu tiên của năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng 3,82% và lĩnh vực sản xuất vẫn giữ vai trò động lực thúc đẩy nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng 7,12%.

Việt Nam cũng được biết đến là một quốc gia đông dân thứ 15 thế giới với hơn 96 triệu người ở độ tuổi trung bình 31,7, là một đất nước có dân số trẻ và phù hợp với hình thức sản xuất số lượng lớn. Đáng chú ý, mỗi năm Việt Nam đào tạo một số lượng đáng kể sinh viên tốt nghiệp từ các chuyên ngành kỹ thuật, sản xuất và xây dựng để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế.

Theo ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh & Marketing tại Khu công nghiệp DEEP C thì:  “Vị trí luôn là một trong những điểm khác biệt của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, thành phố cảng Hải Phòng đã lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc trong những năm gần đây”.

Khu công nghiệp DEEP C là nhà phát triển và vận hành khu công nghiệp và hạ tầng cảng đến từ Bỉ tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh - khu vực phát triển năng động nhất ở miền Bắc Việt Nam. Hiện DEEP C là một trong những khu công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam với năm khu công nghiệp với diện tích 3.400 ha tại trung tâm phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất của miền Bắc Việt Nam. DEEP C cung cấp một danh mục lớn các sản phẩm và dịch vụ, bao gồm đất công nghiệp và nhà xưởng, nhà kho cho thuê, phát triển và vận hành cảng, cung cấp và phân phối tiện ích, sản xuất năng lượng tái tạo… Mục tiêu của DEEP C là trở thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam nhờ công nghệ kỹ thuật số và tư duy đổi mới, nơi khách hàng được cung cấp tất cả các công cụ cần thiết để thành công.

Việc tesa quyết định mở rộng mạng lưới toàn cầu tại Việt Nam chứng tỏ sự tin tưởng của họ vào tiềm năng phát triển, đồng thời gửi một tín hiệu tích cực rằng thu hút FDI đang tiến vào con đường phục hồi. Với những thành công bước đầu trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV 2 và mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Hans Kerstens-Giám đốc bán hàng cấp cao tại Khu công nghiệp DEEP C cho biết: “Chúng tôi tin rằng tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới sẽ sáng hơn nhiều so với trước đây vì đại dịch COVID-19 đã củng cố thêm lo ngại về tình trạng tập trung toàn bộ sản xuất vào một nước”.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích