Du lịch tâm linh đầu năm tại huyện Tiên Lãng: Tín hiệu vui từ những con số

09:28 17/02/2019

Ông Phạm Văn Hải - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Lãng cho biết, theo thống kê trong dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019, đã có hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương tại các điểm văn hóa, di tích trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nhiều đoàn khách đến từ các tỉnh thành cũng tìm về du xuân. Đây là tín hiệu vui đối với huyện Tiên Lãng trong phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh.

Người người nô nức trẩy hội

Đã thành thông lệ, cứ vào độ tháng Giêng âm lịch hàng năm, đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về đền Gắm tại thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) là nét đẹp văn hóa truyền thống được nhiều gia đình, du khách duy trì. Có mặt tại đền Gắm trong ngày 1 Tết âm lịch, ghi nhận của PV, lượng khách tới tham quan, dâng hương rất đông.

Theo ông Đinh Dương Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng, năm nay thời tiết thuận lợi khiến lượng khách tới thăm quan đền Gắm khá đông. Trung bình mỗi ngày có từ 3.000- 4.000 lượt khách tới tham quan, tăng gần 20% so với năm Mậu Tuất 2018.

Để bảo đảm trật tự, Ban quản lý di tích chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ du khách tới tham quan như bố trí điểm trông, đỗ xe rộng rãi, thuận tiện, thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan luôn sạch, đẹp, trang nghiêm.

Với sự đón tiếp chu đáo, đầu tư tôn tạo khu di tích khang trang cùng với sự linh thiêng của ngôi đền, địa chỉ này ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài thành phố biết đến.

Chùa Thắng Phúc là một điểm du lịch quen thuộc du khách tới tham quan tại huyện Tiên Lãng

Chị Hoàng Thị Thủy, phường Quán Trữ, quận Kiến An, phấn khởi cho biết: Tôi thường được nghe báo đài giới thiệu về ngôi đền này nên tranh thủ ngày tết cùng cả nhà tới tham quan, dâng hương tại Đền Gắm (Tiên Lãng).

Ngoài việc du xuân đầu năm, đây là dịp để các thành viên trong gia đình hiểu biết thêm về những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống quý báu của quê hương, dân tộc mà các bậc tiền nhân đã tạo dựng.

Ngoài đền Gắm, các đền còn lại nằm trong “Ngũ linh từ” (5 ngôi đền thiêng huyện Tiên Lãng), các di tích: Đền Bì, đền Canh Sơn (xã Đoàn Lập), đền Để Xuyên (Đại Thắng), đền Hà Đới (xã Tiên Thanh) vào dịp đầu xuân cũng có rất nhiều du khách tới tham quan.

Theo ông Vũ Văn Uy, Chủ tịch UBND xã Đoàn Lập, địa phương vinh dự được sở hữu 2 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng là Đền Bì, Đền Canh Sơn thuộc “Ngũ linh từ” của huyện Tiên Lãng.

Năm 2018, cùng với tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới để về đích trong năm, xã quan tâm kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư, tôn tạo 2 di tích ngày càng khang trang bề thế, tạo sự đi lại thuận tiện cho du khách về với địa phương trong dịp đầu xuân và các lễ hội. Theo Ban quản lý di tích, mỗi dịp đầu xuân, địa phương đón hàng vạn lượt tới tham quan, dâng hương.  

Cùng với các điểm di tích trên đình Đông (Kiến Thiết), Khu lưu niệm Bác Tôn (Tiên Cường), chùa Thắng Phúc (Tiên Thắng)… du khách cũng nô nức tới tham quan, dâng hương.

Định hướng phát triển du lịch tâm linh đúng đắn  

Hiện toàn huyện Tiên Lãng có 49 di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia.  Khác biệt với các địa phương khác, tại huyện Tiên Lãng có “Ngũ linh từ” với lễ hội cầu đảo nổi tiếng trong vùng.

 Đây là những ngôi đền linh thiêng của huyện Tiên Lãng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời gắn liền với nhiều truyền thuyết. Tháng 8-2018, huyện Tiên Lãng đã tổ chức lễ hội “Rước ngũ linh từ” thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Lãng Phạm Văn Hải, hiện địa phương còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc như quần thể “ngũ linh từ” với lễ hội “cầu Đảo”, đền thờ Bác Tôn và nhiều điểm di tích văn hóa lịch sử cổ kính khác. Đây là tiềm năng để hình thành các tour du lịch tâm linh của địa phương.

Cùng với lợi thế sẵn có, công việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa được huyện quan tâm. Theo thống kê, trong giai đoạn năm 2003 đến 2017 các tổ chức, cá nhân đã đóng góp trên 160 tỷ đồng để trùng tư các di tích lịch sử. 

Lễ hội "Rước ngũ linh từ" thu hút hàng vạn du khách khắp nơi về tham dự

Trong đó phải kể đến các di tích như: Đền Để Xuyên (3 tỷ đồng) xã Đại Thắng, Đình An Tử (5 tỷ đồng) xã Khởi Nghĩa, Khu lưu niệm bác Tôn (30 tỷ đồng) xã Tự Cường, đình Đông (15 tỷ đồng) xã Kiến Thiết, đền Bì (15 tỷ đồng) xã Đoàn Lập, đình Mỹ Lộc (5 tỷ đồng) xã Tiên Thắng…

Chú trọng trong công tác quảng bá và bảo tồn, hệ thống giao thông được thành phố đầu tư nâng cấp, mở rộng như đường huyện lộ 25, nâng cấp đường cầu Đăng, cầu Hàn, các tuyến đường dẫn vào các khu di tích đã giúp du khách các tỉnh, thành khác đến tham quan thuận lợi hơn.

Điều này được minh chứng từ con số thống kê của cơ quan chức năng, nếu như 9 tháng năm 2018, toàn huyện Tiên Lãng đón tiếp 35.000 lượt khách tới tham quan, dâng hương tại các điểm di tích thì trong ngày nghĩ lễ Tết đầu năm 2019 huyện Tiên Lãng đã đón hơn 30.000 lượt khách.

Du lịch tâm linh đang được xem là thế mạnh của huyện Tiên Lãng, hàng năm lượng du khách tìm đến các điểm di tích để tham quan năm sau tăng hơn năm trước.

Với những con số ấn tượng trên cùng với sự quảng bá, đầu tư bài bản của chính quyền huyện Tiên Lãng, tin rằng kết thúc năm 2019 con số du khách đến với huyện Tiên Lãng thông qua các điểm du lịch tâm linh không chỉ dừng lại con số hơn 80.000 lượt khách tới tham quan như năm 2018 vừa qua.

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông