10:02 18/09/2017 Huyện Tiên Lãng với đặc thù 4 mặt được bao bọc bởi những con sông, tại những tuyến sông này hình thành các điểm di tích lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Đây là tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch tâm linh gắn với các dòng sông cần được huyện Tiên Lãng chú trọng đầu tư.
Tuyến du lịch ven sông tâm linh
Mới đây, trong buổi nói chuyện với các cơ quan báo chí về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần Đình Vịnh tự hào cho biết: Nếu có chính sách hoạch định cũng như tầm nhìn lâu dài và sự đầu tư bài bản, huyện Tiên Lãng sẽ là điểm thu hút khách du lịch với tour độc đáo không kém những địa phương khác trên cả nước.
Đền Gắm nhìn từ trên cao
Cái mà người đứng đầu huyện Tiên Lãng đang nói đến được hiểu là việc phát triển du lịch tâm linh tại huyện Tiên Lãng nhiều năm nay không được khai phá. Cũng lạ, không ở đâu đặc biệt như ở nơi đây.
Nhắc đến Tiên Lãng là người ta nghĩ ngay đến các sản vật nổi tiếng như: thuốc lào tiến vua, thịt chó, rượu nếp cái hoa vàng, gạo nếp cái hoa vàng, nấm, rươi….
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những di sản văn hóa đặc sắc như quần thể “ngũ linh từ” với lễ hội “cầu Đảo”, đền thờ Bác Tôn và nhiều điểm di tích văn hóa lịch sử cổ kính khác.
Nhưng cái đặc biệt nhất, các điểm di tích trên được kết nối với nhau thông qua những tuyến sông. Đây là tiềm năng để hình thành các tour du lịch tâm linh ven sông độc đáo của Hải Phòng.
Sông Văn Úc với tổng chiều dài 57 km là một nhánh của hạ lưu trong hệ thống sông Thái Bình, bắt nguồn từ tỉnh Hải Dương rồi đổ ra biển Đông tại cửa Văn Úc. Huyện Tiên Lãng nằm cuối hạ lưu sông trải dài từ xã Đại Thắng tới xã Vinh Quang.
Sông Văn Úc ngoài vẻ đẹp thơ mộng còn có tiềm năng lớn phát triển du lịch
Tại tuyến sông này nằm ở địa phận 2 xã Toàn Thắng và Tiên Thắng chỉ cách nhau hơn 1 km đường đê và đường thủy là quần thể di tích chùa Thắng Phúc - đền Gắm (nằm trong ngũ linh từ).
Đây được xem là điểm khởi đầu cho tour du lịch ven sông của huyện Tiên Lãng. Theo chính quyền, hàng năm 2 điểm di tích này đón tiếp hàng vạn lượt khách tới thăm quan, dâng hương.
Ông Đinh Dương Ngọc - Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đền Gắm được trùng tu, cải tạo khang trang hơn.
Cùng với đó, hệ thống đường giao thông kết nối với đền được mở rộng, công tác quảng bá giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần đưa đền Gắm là điểm du lịch tâm linh mỗi khi du khách tìm về Tiên Lãng.
Cũng tại tuyến sông này, du khách sẽ ngược dòng lên thượng nguồn ngắm cảnh hùng vĩ của dòng sông với màu xanh bạt ngàn của cây trái ven sông để đến xã Đại Thắng đắm mình trong hương nồng của sản vật nơi đây với rượu nếp cái hoa vàng và mùi thơm mát dịu của cánh đồng nếp cái hoa vàng nơi đây.
Du khách dừng chân tại bến Mía (xã Đại Thắng) đi bộ 1 km đến vãn cảnh đền Để Xuyên (đền cả nằm trong Ngũ linh từ). Ngược dòng quay lại, du khách rẽ sang sông Mới địa phận thuộc 2 xã Tự Cường, Tiên Cường để đến điểm di tích Khu tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, thuộc thôn Đại Độ, xã Tiên Cường.
Khu tưởng niệm mặt hướng ra sông Thái Bình, quanh năm nghe tiếng sóng sẽ thấy lòng mình thanh thản. Đây là ngôi đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng duy nhất tại Hải Phòng và duy nhất ở miền Bắc nước ta.
Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng hướng ra sông Thái Bình
Tiếp đến, từ Khu di tích đền Bác Tôn, xuôi theo sông Thái Bình du khách đến địa phận xã Kiến Thiết, địa phương nổi tiếng với sản vật thuốc lào tiến vua.
Tại đây, có di tích nổi tiếng là đình Đông nơi thờ tiến sĩ thượng thư Nhữ Văn Lan (ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) người “khai quang bảng nhãn” đầu tiên cho truyền thống hiếu học của đất Tiên Lãng xưa.
Từ đây, du khách có thể đến xã Đoàn Lập, địa phương có 2 ngôi đền nằm trong “Ngũ linh từ”. Nằm tọa lạc cạnh đầm Bì rộng mênh mông là đền Canh Sơn và đền Bì.
Ngoài di chuyển bằng đường bộ, du khách có thể đi lại bằng thuyền trên quãng đầm này. Khu đầm này xa xưa dùng để bơi thuyền “cầu đảo” mỗi khi hạn hán trong vùng.
Quảng bá và đầu tư
Du lịch tâm linh đang được xem là thế mạnh của huyện Tiên Lãng, hàng năm lượng du khách tìm đến các điểm di tích để tham quan năm sau tăng hơn năm trước.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Lãng Phạm Văn Hải cho rằng: 9 tháng đầu năm, huyện Tiên Lãng tiếp đón trên 50.000 lượt du khách tới tham quan, phần lớn du khách tới các điểm di tích văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Tiên Lãng.
Số lượng du khách trên sẽ nhiều hơn nếu có có sự quảng bá và đầu tư bài bản khi tới thăm các điểm di tích trên địa bàn huyện.
Chùa Thắng Phúc được xây dựng bề thế, khang trang
Theo đánh giá, Tiên Lãng là địa phương làm rất tốt công tác “xã hội hóa” trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Tính đến nay, các tổ chức, cá nhân đóng góp hàng trăm tỷ đồng tôn tạo, phục dựng các di tích trên địa bàn huyện, qua đó thu hút đông đảo du khách tới tham quan, dâng hương.
Một tin vui với những người dân xã Đoàn Lập, trước việc đền Bì xuống cấp trầm trọng một Tập đoàn lớn về đầu tư bất động sản đã ủng hộ số tiền hơn chục tỷ cùng với ngân sách thành phố để phục dựng và mở rộng ngôi đền tại đầm Bì khang trang hơn.
Đền Long Bì sẽ được trùng tu, mở rộng
Để hiện thực hóa tuyến du lịch độc đáo trên, cũng như phát triển toru du lịch tâm linh trên địa bàn, huyện Tiên Lãng cần chú trọng trong công tác quảng bá và đầu tư phát triển các điểm di tích lịch sử hiện có với việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân vào đầu tư, góp phần chỉnh trang điểm di tích.
Đặc biệt, là những điểm di tích nằm trên khu vực các tuyến sông. Trước mắt, cần tập trung trùng tu và tu bổ các điểm di tích đang bị xuống cấp. Tổ chức tuyên truyền tới người dân tại các địa phương tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các di tích trên các tuyến sông.
TRUNG KIÊN