Dũng sĩ diệt lửa - người có quả tim thép

17:20 23/07/2021

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đặc biệt với lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Bác ân cần gửi lời chúc Tết: “Bác chúc các chú thất nghiệp”. Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, lời chúc vui của Bác vừa là lời động viên vừa là mục tiêu nhiệm vụ mà Người tin tưởng giao phó cho lực lượng Công an nhân dân, làm thế nào không để xảy ra cháy nổ, để công an không phải chữa cháy, để tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân được an toàn…
Công an quận Hải An diễn tập PCCC

Đã 60 năm kể từ ngày Bác dạy, tôi vinh dự được chiến đấu, bảo đảm an toàn trong lực lượng “đặc biệt”, thấu hiểu và tự hào khi được gần gũi, tiếp xúc với nhiều “quả tim thép”, kiên cường, không quản hi sinh, nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ", để lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm phục sâu sắc, những con người luôn thầm lặng đi cứu cái còn trong cái mất.

Trời vào hè, những đợt nắng đầu tiên đã làm cho con người trở nên rệu rã. Lính cứu hỏa chúng tôi lại bước vào những ngày tập luyện khắc nghiệt. Tập luyện thể lực là việc làm quen thuộc hàng ngày đối với những người lính chiến. Việc thức dậy từ 5 giờ sáng đã trở thành thói quen, một nếp sống sinh hoạt hàng ngày trong môi trường quân ngũ.

Việc huấn luyện thường xuyên là yêu cầu bắt buộc đối với những người lính PCCC. Trong buổi huấn luyện, mỗi cán bộ chiến sĩ phải cõng trên vai bình dưỡng khí 12kg, chạy đội hình 100m, leo thang, vượt rào để tiếp cận ngọn lửa.

Do vậy, việc thở thôi thì mỗi người cũng phải học thật kỹ và bài bản. Với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, lính cứu hỏa Công an quận Hải An luôn quyết tâm “ra trận là thắng”. Hành trang khi chiến đấu chỉ là chiếc mũ bảo hộ, bình dưỡng khí nhưng chiến công của những người lính ngày một dày lên, được tô thắm bởi những thành tích trong những trận chiến không mệt mỏi với giặc lửa.

Có khi đi chữa cháy, khoác trên mình bộ quần áo amyang với chất liệu chống cháy vừa nặng, vừa dày nhưng việc triển khai phương án chữa cháy từ tiếp cận mục tiêu đến xác định nguồn cung cấp nước... phải hết sức khẩn trương.

Mọi thao tác phải đảm bảo tuyệt đối chính xác trong khoảng thời gian ngắn nhất, đòi hỏi người chiến sĩ PCCC phải có thể lực thật tốt và kỹ năng điều hòa nhịp thở, phát huy tối đa dưỡng khí cung cấp trong quá trình chiến đấu với giặc lửa.

Công an quận Hải An diễn tập PCCC

Việc luyện tập nhuần nhuyễn các phương án giúp người lính chữa cháy được "trang bị" đầy đủ hơn kiến thức, kỹ năng, thể lực để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có hỏa hoạn xảy ra. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cái tâm của những người mang trong mình lời dạy của Bác. Khi đối diện với giặc lửa không phải họ sợ nguy hiểm mà là họ sợ không đến kịp, sợ không cứu được tính mạng, tài sản của nhân dân.

Xuất thân từ những công dân trẻ, tuổi đời vừa mười tám, đôi mươi khi tham gia nghĩa vụ quân sự, đồng chí Phạm Thế Anh đã có nguyện vọng trở thành người lính với lý tưởng vì Nhân dân chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Xuất thân từ gia đình thuần nông, từ bé anh đã có biệt tài bơi giỏi, thích khám phá, leo trèo, ước mơ được trở thành chiến sĩ công an.

Gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã xin đi làm 2 năm để phụ giúp bố mẹ. Nhưng để thỏa niềm mơ ước, anh viết đơn lên đường nhập ngũ xin được thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân tại Công an thành phố Hải Phòng và được chấp nhận.

Năm 2012, anh bước chân vào cánh cổng trường mang tên Công an nhân dân với bao hoài bão. Anh kể đã từng ước sau này sẽ trở thành một Cảnh sát hình sự, được bắt cướp, được khám phá những vụ án khốc liệt và chưa bao giờ anh biết đến có nghề Cảnh sát cứu hỏa.

Vừa “nhập môn”, anh đã phải trải qua kỳ huấn luyện gian khổ kéo dài 3 tháng, liên tục tập luyện với cường độ cao để thích ứng với công việc chuyên môn sau này. Có những ngày nắng rực lửa, anh em vẫn phải ra sân tập thể lực, lúc trời rét phải xuống hồ tập bơi.        

Ngày ấy, anh được bố trí thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH số 01, sau nhiều tháng huấn luyện đã biết nghề đã chọn mình.

3 năm liền thử thách với bao sự nỗ lực cố gắng, chưa một vụ cháy, vụ cứu nạn cứu hộ nào không có sự góp mặt của anh. Được chỉ huy và lãnh đạo ghi nhận, năm 2015, anh chính thức khoác trên mình sắc phục Công an nhân dân, niềm ao ước bao lâu nay trở thành hiện thực.

Anh kể: “Tôi còn nhớ như in vụ cháy tại số nhà 14 ngõ 136 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân, Hải Phòng. Theo nguồn tin ban đầu, có ít nhất 5 người trong một gia đình thiệt mạng. Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ cháy, trong nhà có 2 người già, 1 đôi vợ chồng và 2 cháu nhỏ.

Khi đến hiện trường, cửa bị khóa trái, bên trong không thể tiếp cận được. Khói và lửa bao trùm toàn bộ ngôi nhà, đồng chí chỉ huy đã chỉ đạo tập trung ưu tiên công tác tìm kiếm, cứu người bị nạn, triển khai phá cửa và sử dụng thiết bị chữa cháy công suất cao tiến vào trong chữa cháy kết hợp với cứu người.

Sau 15 phút đám cháy được khống chế. Biết có sự chẳng lành, tôi cùng anh em tìm mọi cách nhanh chóng tiếp cận vào sâu bên trong, lên các tầng trên nhưng do lượng khói khí độc bốc lên cao, khả năng sống sót của những người mắc kẹt rất mong manh.

Là người đầu tiên thấy xác của cả gia đình, hình ảnh đầu tiên ám ảnh tôi đến giờ phút này là cảnh 2 mẹ con ôm nhau chết cháy, mặt cháu bé úp vào ngực mẹ, cảnh tượng thương tâm và xót xa vô cùng. Cả 5 người trong gia đình đều thiệt mạng. Mỗi lần nhớ lại, tôi lại bị ám ảnh cảnh tượng đó”.

Đó không phải là cảm nhận riêng của đồng chí Thế Anh, mà đó là nỗi niềm chung của những người lính đi cứu cái còn trong cái mất. Sống với áp lực khi đối diện với “Mụ Hỏa”, đứng trước trận hỏa, một người bình thường có thể hoảng loạn, xót xa bao nhiêu thì lính chữa phải điềm tĩnh bấy nhiêu. Họ mang “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” xông vào biển lửa hiểm nguy mới mong có thể mang được những sinh mệnh mong manh trở về từ cánh cửa địa ngục.

Tôi còn nhớ như in, sáng mùa thu tháng 8 năm 2019, anh em chúng tôi vừa từ thao trường trở bề thì còi báo cháy hú lên. Vừa cởi bộ đồ nghề ra lại vơ vội chạy như bay xuống xe , nhận lệnh chữa cháy tại Nhà hàng Phúc Đình Quán, địa chỉ số 2 đường Trần Hoàn, phường Đằng Hải, quận Hải An.

Trên xe, đồng chí Đại úy Trịnh Hồng Tứ - Chỉ huy chữa cháy - phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, lên các phương án, phân chia đội hình sẵn sàng cho những gì sắp diễn ra. Tới nơi, lửa đã bao trùm toàn bộ quán, khói khí độc dày đặc có nguy cơ cháy lan cao, trong quán có nhiều nhân viên đang mắc kẹt chưa thoát được ra ngoài.

Ngay lập tức, các đội hình lăng phun được triển khai, các thiết bị và phương tiện chữa cháy nhanh chóng được triển khai, tiếp cận phía trong của quán. Khó khăn ở đây là do kết cấu nhà rất kín, trần nhà làm bằng thạch cao khó thoát khói, tường nhà đã xuất hiện nhiều vết rạn to, số lượng bình dưỡng khí tại thời điểm đó không cung cấp đủ cho lực lượng cứu nạn.

Khó khăn đang đợi phía trước, nhưng anh em ai cũng quyết tâm, không sờn lòng bảo nhau phải bằng mọi giá không để thiệt hại về người. Với những kỹ năng được tập luyện thuần thục, bài bản, với nhiệt huyết và sức trẻ, cộng thêm "lửa nghề" có sẵn trong mỗi người lính, sau 2 giờ đồng hồ, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, không để cháy lan ra khu vực xung quanh, không có thiệt hại về người.

Trở về sau thành công, là lúc anh em cùng chia đôi cái bánh mỳ vì đã trễ giờ cơm đơn vị. Vị nhạt thếch nhưng nụ cười vẫn thắm trên môi. Là người luôn đồng hành, cùng “vào sinh ra tử cùng đồng đội”, Thượng tá Bùi Trung Hiếu – “Người anh cả” trong các trận chiến tâm sự: “Đối với lính cứu hỏa, bất kể ngày hay đêm, dù nắng hay trong mưa bão, cứ có cháy xảy ra là chúng tôi lên đường. Mỗi sáng tỉnh giấc mới biết đêm trước là một đêm bình an. Nghề chúng tôi chỉ mong cả đời thất nghiệp, nhưng dù có thể nào đi chăng nữa, đã xác định theo nghề, chỉ mong giúp đời cứu người, dù gian nan đến mấy chúng tôi cũng sẵn sàng”.

Trở thành lính cứa hỏa thực thụ không phải là điều ai cũng làm được, nhất là lính cứu hỏa trực chiến đóng quân trên địa bàn quận Hải An, nơi có hàng nghìn công ty, doanh nghiệp trọng yếu, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có cháy, nổ. Với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, lãnh đạo Công an quận Hải An đã chỉ đạo quyết tâm đúng người, đúng việc, rèn luyện đội ngũ lính cứu hỏa trở thành những con người có quả tim thép với cái đầu lạnh, quyết chiến thắng trong mọi trận chiến đấu với giặc lửa.

Đối với tôi, được khoác trên mình màu áo lính cứu hỏa, đến với nghề bằng cơ duyên, được rèn luyện và trải qua khói lửa nguy nan, cùng đồng đội gắn bó từng ngày với bao kỷ niệm vui buồn, càng làm lâu, tôi cành thấu hiểu và trân trọng nghề hơn, trân trọng những con người có quả tim thép nhưng luôn cháy hết mình vì sự nghiệp.

Họ là cả tình yêu, niềm tự hào và vinh dự. Chắc hẳn, mùa hè sẽ chẳng còn oi bức vì đâu đó có những cơn mưa rào của những người đồng đội. Mong các đồng chí sẽ luôn chiến thắng và bình an trở an trong mọi trận chiến với giặc lửa.

Hải Yến

(Công an quận Hải An)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông