Đường Hải Phòng ở Đà Nẵng và Hồng Kông

19:09 17/10/2015

 

Đường Hải Phòngg ở Đà Nẵng
Đường Hải Phòngg ở Đà Nẵng

Hải Phòng là thành phố Cảng lớn nhất của miền Bắc, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, đồng thời là thành phố thương cảng có tiếng trên thế giới. Tên Hải Phòng đã được đặt cho một số đường phố ở các đô thị lớn nước ta và trên thế giới.

Đường Hải Phòng ở TP Đà Nẵng

"Phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố miền Bắc với các địa phương miền Nam ra đời trong thời kỳ chiến tranh nhằm động viên dân, quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Từ phong trào này, năm 1960, hai thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng đã kết nghĩa tình thâm… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hải Phòng đã giúp đỡ, hỗ trợ cả sức người lẫn sức của cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng đã hai lần cử gần 700 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 399 Bạch Đằng 1 Thủy Nguyên (sau này là Tiểu đoàn Hải Đà) vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng chiến đấu.

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), thành phố Đà Nẵng đã quyết định đổi tên đường Nguyễn Hoàng (cũ) thành đường Hải Phòng cho đến nay. Trên đường này có nhiều công trình quan trọng của thành phố như: Ga Đà Nẵng, được xây dựng từ năm 1902, hiện ở sân ga còn lưu giữ, trưng bày chiếc đầu máy xe lửa cổ với tấm bảng giới thiệu về phong trào cách mạng tại đây; hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng…

Nhưng điều hấp dẫn du khách thập phương là các món ăn đặc sản địa phương nổi tiếng trên đường Hải Phòng, đặc biệt nhất là quán Mì Quảng 1A và quán bánh tráng cuốn thịt heo Trần, đây là các địa chỉ du khách không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng. Quán Mì Quảng 1A lúc nào cũng đông đúc, các thực khách tha hồ thưởng thức những bát mì hấp dẫn với đủ thứ tôm, thịt ba chỉ, rau, bánh đa, lạc… Nước dùng của món này rất sánh, được nấu từ xương lợn, thịt gà, tôm, cá lóc..., được trộn rất ít, chỉ đủ thấm và quyện vào từng sợi mì và làm mềm những món rau ăn kèm. Những nguyên liệu hòa quyện vào nhau làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.

Đường Hải Phòng còn có quán bánh tráng cuốn thịt heo nổi tiếng. Đây nguyên là một món ăn bình dân, được người Đà Nẵng chế biến nâng lên thành món ăn thịnh soạn, ngon nổi tiếng. Bánh tráng Đà Nẵng bán ở đây dẻo, thơm mùi gạo và mềm, dai, không bị gãy, vụn khi cuốn, được dọn chung với một xấp “mì lá” - một loại mì giống mì Quảng nhưng được cắt thành từng tấm dạng lá mỏng (có người gọi là bánh ướt). Chỉ cần đặt bánh tráng lên trên, kéo nhẹ, từng lớp bánh mỏng sẽ dính theo.

Thịt heo loại ngon, luộc vừa tới rồi ngâm một chút trong nồi nước dùng; rau xà lách, húng láng, húng lủi, húng bạc hà, tía tô, kinh giới, rau mùi, giá đỗ, dứa, dưa chuột, cà rốt, chuối xanh xắt miếng dài ăn cùng bánh tráng giòn giòn, ngậy ngậy. Nước chấm được chế biến từ mắm nêm, một đặc sản của Đà Nẵng, đây là thức chấm hợp nhất cho món bánh tráng cuốn thịt heo mà không thể thay thế bằng nước chấm khác được. Thưởng thức mì Quảng và bánh tráng xong, du khách có thể đi mua sắm ở Siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên đường Hải Phòng.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của thành phố Đà Nẵng, đường Hải Phòng trở thành con đường đẹp, sầm uất. Đường phố này chính là biểu tượng cho tình đoàn kết keo sơn giữa hai thành phố kết nghĩa. Tại TP Hải Phòng cũng có đường Đà Nẵng - một đường phố khá đông đúc và sầm uất.

Đường Hải Phòng ở trung tâm Hồng Kông

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có tra cứu, tham khảo các tài liệu như: Công báo Chính quyền Hồng Kông (The Hong Kong Government Gazette) ngày 19-3-1909 và các bài báo viết về Đường Hải Phòng ở Hồng Kông trên Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post), Du lịch CNN (CNN Travel), đã giới thiệu như sau:

"Đường Hải Phòng (tiếng Anh: Haiphong Road) là một con đường ở phía nam Công viên Cửu Long, Tiêm Sa Chủy, quận Du Tiêm Vượng, Hồng Kông".

"…Được xây dựng từ năm 1865, ban đầu mang tên Elgin nhưng đến năm 1909 đã đổi thành Hải Phòng, được đặt tên theo thành phố cảng ở Việt Nam để tránh nhầm lẫn với Đường Elgin trên đảo Hồng Kông. Trong lần đổi tên này, nhiều con đường được đặt tên theo các thành phố có buôn bán với Hồng Kông, trong đó có hai con đường khác được đặt tên theo các địa danh Việt Nam là Hà Nội và Sài Gòn. Đây là một trong những đường duy nhất ở Hồng Kông không được đặt tên theo các địa danh ở Trung Quốc hay Anh quốc".

Đường Hải Phòng ở Hồng Kông
Đường Hải Phòng ở Hồng Kông

Đường Hải Phòng là một trong hai con đường đi bộ chính ở khu Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), trên đường phố này có đền Fuk Tak, một đền thờ thổ địa được xây dựng hơn một trăm năm, được coi là trung tâm thờ cúng của người dân Hồng Kông, gần đó là Trung tâm Hồi giáo Cửu Long, Chợ tạm lâu năm nhất tại Hồng Kông (được xây dựng vào năm 1978 dành cho những người bán hàng rong ở đường Quảng Đông trong lúc chưa có một ngôi chợ cố định, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có chợ cố định cho nên Chợ tạm vẫn tồn tại). Khu vực này còn có sự hiện diện của nhiều người nhập cư từ tỉnh Sindh của thuộc địa Ấn Độ trước đây (ngày nay là Pakistan) nên ngôi chợ có bán thịt được chế biến theo phương pháp hợp cho người theo Hồi giáo.

Trang web chuyên về kinh nghiệm du lịch toidi.org giới thiệu về ẩm thực đường phố Hồng Kông cho chúng ta biết rằng ở đường Hải Phòng "thường bán những món ăn Quảng Đông và đặc sản biển. Do nằm gần công viên Kowloon nên đường Hải Phòng trở thành điểm hẹn ăn trưa lý tưởng cho các nhân viên văn phòng. Ngoài đậu phụ rán và cá viên chiên dường như là món rất được yêu thích thì các loại rau quả nướng, nước ép hoa quả cũng rất được yêu thích ở phố ẩm thực này".

Ở Hồng Kông người Việt rất đông, đã có nhiều cơ quan đại diện, thương mại, du lịch, thậm chí có nhiều quán phở Việt Nam được mở tại đặc khu hành chính này. Theo trang Wikipedia thì: "Sở dĩ đường Hải Phòng được đặt tên ở Hồng Kông vì từ xưa Hải Phòng là thành phố có buôn bán với Hồng Kông. Với việc một đường phố sầm uất ở ngay trung tâm Hồng Kông được đặt tên theo một thành phố Cảng của miền Bắc Việt Nam từ năm 1909, hai tiếng Hải Phòng đã trở thành quen thuộc với người dân Hồng Kông từ hơn 100 năm nay.

Thành phố Hải Phòng đang trong giai đoạn mở cửa, hội nhập, mong sao chúng ta sẽ tranh thủ yếu tố lợi thế này, sớm có những cơ sở kinh doanh mang dấu ấn Hải Phòng trên con đường Hải Phòng ở Hồng Kông hay mở đại lý du lịch để quảng bá, thu hút khách đến thăm quan thành phố chúng ta. Điều đó không quá xa vời.

Khi đi du lịch Đà Nẵng và Hồng Kông, nếu có điều kiện các bạn hãy ghé qua đường Hải Phòng để tham quan, mua sắm, ẩm thực và sẽ ngạc nhiên xen lẫn tự hào... khi thấy tên thành phố quê hương mình được gắn lên những đường phố sầm uất ở trong và ngoài nước.

Khánh Toàn


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích