00:22 10/07/2015
Bác sĩ Lưu Quốc Khải - người mổ chính cho bệnh nhân chia sẻ, cả ê-kíp dù ngạc nhiên nhưng vẫn tiếp tục giành giật sự sống cho sản phụ, nhiều người bị máu bắn vào người và mắt. Hơn một giờ giành giật sự sống cho bệnh nhân nhiễm HIV Là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật đưa người phụ nữ nhiễm HIV ngừng tim từ cõi chết trở về, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay khi tiến hành cấp cứu, bản thân anh và ê-kíp không hề biết về tình trạng nhiễm HIV của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi biết bệnh nhân "có H", các y bác sĩ vẫn nỗ lực hết mình để thực hiện ca mổ. Vị trưởng khoa chia sẻ, nếu được lựa chọn, chắc anh vẫn hành động như vậy.
Bác sĩ Khải nhớ lại, ca cấp cứu này không thuộc ca trực của mình. 9h58 phút ngày 4/7, khi nghe tin từ đồng nghiệp, anh vội vàng đến viện để tiếp nhận bệnh nhân đặc biệt. Khi nhập viện, người phụ nữ này đã ngừng tim, nếu chỉ chậm 1-2 phút sẽ không qua khỏi. Nhận thấy tình hình nguy kịch, các bác sĩ đã tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu. Đang tiến hành cấp cứu, khi nhận kết quả xét nghiệm máu và biết được bệnh nhân nhiễm HIV, sau một phút "sững lại vì ngạc nhiên", các y bác sĩ nhanh chóng trở lại công việc, tiếp tục giành giật sự sống cho người phụ nữ này. “Tình trạng của bệnh nhân lúc này như ‘ngàn cân treo sợi tóc’, nếu không tức tốc, cô ấy sẽ chết ngay lập tức. Khoảnh khắc này không cho phép chúng tôi chuẩn bị kỹ càng về các dụng cụ bảo hộ. Trong ê kíp mổ, nhiều người bị dịch tiết và máu của bệnh nhân bắn vào người, mắt, cả bàn tay nhuốm đầy máu”, bác sĩ Khải cho hay. Hơn 11h, ca mổ kết thúc thành công, 18 y bác sĩ đều "thở phào nhẹ nhõm" vì đã cứu sống được bệnh nhân. Chia sẻ về khoảnh khắc hay tin bệnh nhân nhiễm HIV, bác sĩ Khải tâm sự: "Tôi và những đồng nghiệp khác không tránh khỏi sự lo sợ. Nhưng vì tính mạng người bệnh, chúng tôi tuyệt đối không có bất kỳ sự do dự nào". Là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân song bác sĩ Khải cho rằng bản thân ít nguy cơ lây nhiễm mà nên dành sự quan tâm cho những người làm bên bộ phận sơ cứu, hồi sức. Đặc biệt, ông rất lo lắng cho những người trực tiếp sơ cứu bệnh nhân trên xe khách. Họ cũng có khả năng lây nhiễm và có thể chưa được uống thuốc kháng, xét nghiệm máu. Điều may mắn, chỉ 3 tiếng sau khi kết thúc ca mổ, đội ngũ 18 y bác sĩ đều đã được uống thuốc điều trị dự phòng kháng virus HIV (ARV). Bác sĩ Khải chia sẻ: “Chúng tôi cũng như những người bình thường, ai cũng sợ, có những người gọi điện cho tôi tâm sự về những lo lắng nhưng tôi cũng chỉ biết động viên họ vượt qua. Hiện tại chúng tôi đều đi làm và khỏe mạnh bình thường, tất nhiên, trong sinh hoạt, cũng cần phải có những lưu ý nhất định trong thời gian chờ đợi kết quả xem mình có bị nhiễm HIV hay không”. Nhận định về khả năng lây nhiễm, bác sĩ Khải cho rằng khó có nguy cơ, song việc điều trị dự phòng là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, thuốc ARV có gây tác dụng phụ khiến cơ thể mệt mỏi, điều này sẽ gây vất vả cho các y bác sĩ, đặc biệt có 3 phụ nữ đang mang thai trong ê kíp. Hai lần nghi nhiễm HIV từ bệnh nhân Ít ai biết rằng, đây không phải lần đầu tiên vị bác sĩ này phải điều trị phơi nhiễm HIV. Trước đó, bác sĩ Khải cũng từng phải uống ARV sau khi cứu sống một sản phụ nhiễm HIV từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Anh tâm sự: “Đó là những điều rất bình thường, chúng tôi đã chọn nghề này, con đường này nên không được phép thờ ơ trước tính mạng của bệnh nhân, chỉ một chút ích kỷ thôi cũng có thể dồn họ vào con đường chết”. Khi cứu sống người phụ nữ này, bác sĩ Khải được người nhà bệnh nhân rất cảm kích nhưng anh vẫn luôn khiêm tốn và coi đó là công việc của bản thân mình. Anh tin rằng người bác sĩ nào khi gặp hoàn cảnh tương tự cũng đều hết lòng cứu sống bệnh nhân. Đặc biệt đây còn là trường hợp rất đáng thương. Hiện tại, bác sĩ Khải cùng 17 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang uống thuốc phơi nhiễm hàng ngày. Sau 3 và 6 tháng, họ sẽ có kết quả chính thức về tình trạng lây nhiễm của mình. Theo Zing |
22:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão