F0 ra viện sớm và điều trị tại nhà: Biện pháp phù hợp với thực tế

    15:32 16/07/2021

    F0 ra vien som va dieu tri tai nha: Bien phap phu hop voi thuc te hinh anh 1Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 được cải tạo từ một chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

    Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn giảm thời gian cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng, cho phép một số trường hợp F0 được cách ly điều trị tại nhà.

    Đây là giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay nhằm giảm tải cho các bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

    Các chuyên gia đánh giá việc này phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, không chỉ giảm áp lực tại các bệnh viện mà còn tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, giúp mau hồi phục sức khỏe.

    Phù hợp với tình hình

    Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, người mắc COVID-19 đang cách ly tại bệnh viện phải hội đủ 4 điều kiện để được chuyển về cách ly tại nhà gồm: không có triệu chứng lâm sàng; kết quả xét nghiệm RT-PCR của mẫu bệnh phẩm lấy ngày thứ 10 (tính từ ngày vào viện) và mẫu bệnh phẩm được lấy trước đó ít nhất 24 giờ âm tính hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT > 30); có thời gian cách ly đủ 10 ngày tại bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện điều trị COVID-19 (tính cả thời gian cách ly tạm tại các khu cách ly tập trung F0 của quận, huyện); cam kết đủ điều kiện được cách ly điều trị tại nhà.

    Bên cạnh đó, người mắc COVID-19 tại cộng đồng hội đủ 3 điều kiện: không có triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 24 giờ (tính từ ngày vào viện) có tải lượng virus thấp (giá trị CT > 30), cam kết đủ điều kiện được cách ly điều trị tại nhà thì được cách ly tại nhà.

    Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 24 bệnh viện điều trị COVID-19 (đang hoạt động 19 bệnh viện, đang thiết lập 5 bệnh viện) với tổng quy mô là 44.890 giường. Các bệnh viện đang có dấu hiệu quá tải khi số ca mắc mỗi ngày tăng lên hơn 2.000 trường hợp. Các chuyên gia tính toán với số ca mắc tăng vọt như hiện nay, mỗi ngày thành phố phải thành lập thêm một bệnh viện dã chiến với công suất gần 3.000 giường bệnh mới đáp ứng được nhu cầu.

    Từ thực tế đó, Phó Giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất không nên đưa tất cả các F0 vào bệnh viện dã chiến bởi sẽ nhanh chóng quá tải và thực sự đã quá tải. Cơ sở vật chất, hậu cần, tổ chức, con người ở các bệnh viện này đều khó khăn. Trong khi đó, rất nhiều người nhiễm không có triệu chứng, nhiều người có đủ ý thức phòng bệnh, năng lực hành vi, trách nhiệm và đủ điều kiện về nhà cửa, kinh tế để tự theo dõi ở nhà.

    Theo bác sỹ Khôi, mục tiêu của giai đoạn này là tập trung phát hiện người bệnh nặng để giảm thiểu tử vong. Khi giảm bớt quá tải ở các bệnh viện dã chiến, ngành y tế và xã hội sẽ tập trung tốt hơn vào mục tiêu thực tế và quan trọng này. Cùng với đó, cần khẩn trương tiêm vaccine cho đối tượng nguy cơ (người già, người có bệnh nền, người nghèo, người vô gia cư...) để giảm thương vong.

    Cùng chung quan điểm, bác sỹ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần tính toán để tách F0, giảm gánh nặng cho khối điều trị, bởi khối này cần dồn sức cứu sống bệnh nặng. Do đó, việc để F0 không triệu chứng tại nhà trong bối cảnh hiện nay là phù hợp với tình hình.

    Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá hiện nay số ca mắc COVID-19 trên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang tăng rất nhanh. Thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 70-80% bệnh nhân không có triệu chứng. Theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, có thể giảm thời gian điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế. Dựa trên thực tế đó, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 5599, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà sau một thời gian điều trị tại cơ sở y tế.

    Cụ thể, khi các F0 không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở y tế 10 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà. Một số F0 khác có tải lượng virus thấp cũng có thể đưa về cách ly tại nhà vì nguy cơ lây nhiễm cho người khác của các trường hợp này là rất thấp.

    Giám sát chặt chẽ

    Qua đánh giá thực tế điều trị và số liệu thống kê, các chuyên gia phân tích, F0 không có triệu chứng không cần theo dõi sức khỏe chặt như bệnh nhân có triệu chứng hay triệu chứng nặng. Những trường hợp này chỉ cần lấy mẫu xét nghiệm đều đặn vào các ngày theo quy định. Điều quan trọng là cần theo dõi một số ít người cơ nguy cơ chuyển nặng.

    Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Minh Khôi cho rằng những người không triệu chứng có thể ở lại địa phương, giám sát chặt về tuân thủ giãn cách, theo dõi SpO2 (bão hòa ôxy máu qua da). Thiết bị đo SpO2 rẻ và dễ dùng, chỉ cần đẩy nhanh nhập khẩu và phân chia cho khu phố, huấn luyện cho lực lượng ở tổ dân phố, cảnh sát khu vực cách ghi nhận. Việc phân bổ nhân viên y tế để giám sát F0 tại nhà cần hợp lý tùy theo mật độ, số lượng, độ phức tạp địa hình; cung cấp các thông tin đồ họa (infographics) về theo dõi và đánh giá. Chỉ can thiệp khi diễn tiến theo xu hướng xấu, tập trung chú ý sát những người có nguy cơ bệnh nặng.

    “Hãy tin tưởng người dân. Chúng ta cần chuyển từ tập trung sang cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội, tối đa việc sử dụng tương tác từ xa. Giám sát chặt và kiên quyết đưa đi điều trị tập trung những trường hợp không tuân thủ và sẵn sàng cho nhóm diễn tiến xấu. Giờ là lúc cần tập trung nhân lực y tế có trình độ cao cho đỉnh tháp điều trị COVID-19 cũng như cho điều trị các bệnh khác," bác sỹ Lê Minh Khôi nhấn mạnh.

    Còn bác sỹ Trương Hữu Khanh lưu ý, F0 cách ly tại nhà phải thường xuyên làm vệ sinh bề mặt nơi ngồi làm việc, phòng ốc phải thông thoáng. Đặc biệt, nhà vệ sinh phải thật sạch vì nơi này là ổ tác nhân gây bệnh khác. Người được cách ly tại nhà phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, tuyệt đối không được ra khỏi nhà khi chưa có sự cho phép của người quản lý.

    Nhằm đảm bảo an toàn khi thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, lúc này vai trò của hệ thống y tế cơ sở rất quan trọng. Cơ quan y tế địa phương theo dõi sức khỏe hàng ngày, bổ sung một số loại thuốc cho các F0 tại nhà như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao sức đề kháng.

    Khi có bất kỳ sự biến chuyển bất thường nào về sức khỏe, F0 sẽ được đưa trở lại bệnh viện, tiếp tục theo dõi, điều trị. Nguyên tắc đảm bảo an toàn là yêu cầu tối quan trọng đối với việc cách ly F0 tại nhà sau thời gian điều trị tại cơ sở y tế. Các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh, khử khuẩn phải được tuân thủ đầy đủ, nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe hằng ngày, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

    “Chúng tôi hy vọng, việc đưa các F0 không triệu chứng cách ly tại nhà sau một thời gian điều trị sẽ góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời khi người bệnh được gần gũi với gia đình sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn, từ đó có thể mau khỏi bệnh và khỏe mạnh hoàn toàn," Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận.

    F0 ra vien som va dieu tri tai nha: Bien phap phu hop voi thuc te hinh anh 2Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: TTXVN phát)

    Hiện thành phố cũng đã và đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ vào theo dõi, giám sát cách ly tại nhà.

    Ông Trần Phúc Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA Solutions cho biết là một trong ba giải pháp trước đó được Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố ứng dụng trong quản lý, giám sát cách ly F1 tại nhà, ứng dụng Stayhome dùng cho theo dõi F1, F2 tại nhà và đang thí điểm tại quận 12, Tân Bình, Gò Vấp. Tuy nhiên, với trường hợp theo dõi F0 tại nhà cần thêm vấn đề theo dõi tình trạng sức khỏe của người cách ly, điều trị. Hiện TMA đã phát triển và tích hợp thiết bị đeo thông minh vào ứng dụng Stayhome để đáp ứng yêu cầu cao hơn này (theo dõi cách ly điều trị F0).

    “Thiết bị đeo thông minh có thể kiểm tra tự động được các chỉ số sức khỏe khác như huyết áp, nhịp tim, nồng độ ôxy trong máu, lượng calo tiêu thụ… Nhân viên y tế phụ trách theo dõi qua hệ thống sẽ được cảnh báo ngay khi người bệnh có chỉ số bất thường về sức khỏe. Do vậy, khi số lượng F0 được cách ly điều trị tại nhà tăng, việc theo dõi tình trạng sức khỏe của F0 cũng thuận lợi, dễ dàng hơn," ông Trần Phúc Hồng chia sẻ.

    Tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố ngày 15/7, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhìn nhận công tác cách ly điều trị đã vượt sự chuẩn bị trước đó nhưng thành phố và các quận, huyện đã khắc phục khó khăn để cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Thời gian tới, thành phố tập trung nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế về phân loại F0, F1…; phối hợp với các hộ gia đình để triển khai nhanh cách ly tại nhà trong điều kiện đảm bảo đầy đủ tiêu chí an toàn - xem đây là giải pháp quan trọng nhất trong tình hình hiện nay.

    Việc thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0 không triệu chứng tại nhà được xem là giải pháp nhằm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19 và thuận lợi hơn cho người bệnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực của ngành y tế bằng những hướng dẫn cụ thể, kế hoạch sẽ sớm được triển khai trên cơ sở đảm bảo an toàn, đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay./.

    Theo Tiến Lực-Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông