Facebooker đưa thông tin thất thiệt về dịch tả lợn Châu Phi bị xử lý

11:10 15/03/2019

Sau sự kiện chủ trang facebook "Đầm bầu thời trang Mami" đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội, nhiều thông tin thất thiệt tương tự trên mạng xã hội cũng đang được cơ quan chức năng tại các địa phương nhanh chóng vào cuộc, điển hình là một facebooker ở Hạ Long đã bị xử lý...

 Cơ quan chức năng làm việc với ông Đoàn Hùng Cường

Tối 10-3, trên tài khoản facebook Đoàn Cường (TP Hạ Long) đăng bài viết với nội dung: "Mọi người cảnh giác nhé… trưa hôm nay cô mình mua thịt lợn ở chợ Hà Lầm về nấu ăn, về nhà thái thịt ra thì nó như thế này đây… mọi người cảnh giác cao vì đã có dịch tả lợn về đến chợ Hà Lầm, Hạ Long rồi nhé”, đi kèm với hình ảnh được cho là miếng thịt lợn bệnh.

Sau khi đăng tải, bài viết này của trang facebook Đoàn Cường đã nhận được rất nhiều like cùng chia sẻ của cộng đồng mạng.

Ngay sau khi phát hiện việc đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã thông báo và yêu cầu chủ tài khoản facebook “Đoàn Cường” đến Sở Thông tin và Truyền thông làm việc để làm rõ nội dung vi phạm này.

Ngày 11-3, chủ trang facebook Đoàn Cường đã chủ động gỡ nội dung thông tin sai phạm nêu trên khỏi tài khoản của mình.

Chiều 12-3, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh mời ông Đoàn Hùng Cường (là chủ trang facebook cá nhân Đoàn Cường) ở tổ 2, khu 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến làm việc để làm rõ việc đưa thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở chợ Hà Lầm, Hạ Long.

Tại buổi làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm rõ hành vi vi phạm của ông Đoàn Hùng Cường trong việc đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook là vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Điều 8 Luật An ninh mạng.

Với hành vi vi phạm này, ông Đoàn Hùng Cường có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 20 triệu đồng vì đã đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi theo khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Cũng tại buổi làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông đã phân tích, nêu rõ tác hại và sự ảnh hưởng của việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng internet, gây hoang mang trong dư luận và có thể gây thiệt hại về kinh tế đối với ngành chăn nuôi và các hộ kinh doanh thịt lợn trên địa bàn tỉnh. Ông Đoàn Hùng Cường đã thừa nhận và nhận thức rõ về hành vi đưa thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi.

Ngay sau buổi làm việc, chủ tài khoản facebook Đoàn Cường đã thực hiện việc đính chính thông tin sai sự thật về vụ việc nói trên, đồng thời đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này về những thông tin liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi khiến người đọc hoang mang.

Chủ Facebook Đoàn Cường cũng đề nghị những ai đã chia sẻ thông tin trên thì thu hồi lại để tránh gây mất an ninh trật tự xã hội và không bị vi phạm quy định về việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội như mình.

Được biết, trong thời gian này, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những các tài khoản trên mạng xã hội thông tin đăng sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Cũng trong thời điểm này, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện những thông tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi. Như tại tỉnh Cà Mau, từ chiều chiều 12-3, nhiều tài khoản facebook đăng tải nội dung lấp lửng: “Tới Cà Mau rồi, thề không ăn thịt heo luôn”; “Thịt heo đã tới Cà Mau rùi!!! Hix”...

Cá biệt, có tài khoản còn đăng: “Trung Quốc với châu Phi heo chết hết rồi, phải đi nhập khẩu heo về để thịt, còn Việt Nam mình thì mua heo bệnh về bán cho dân ăn”.

Chỉ trong chưa đầy 2 giờ, có tài khoản đã có đến hơn 2.400 lượt chia sẻ với hàng trăm ngàn lượt like và comment. Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, hiện dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các tỉnh thành phía Bắc; các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là Cà Mau chưa xảy ra dịch bệnh này, các dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng chưa ghi nhận.

Những tin đồn bịa đặt, thất thiệt trên gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và gây thiệt hại đến ngành chăn nuôi của tỉnh này…

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích