16:40 05/12/2014
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa Quốc tế Hải Phòng cho biết: BV vừa gắp bỏ thành công mảnh xương dài 2,3cm tồn tại 2 năm trong đường thở của bệnh nhân Nguyễn Thị Luyện, 68 tuổi, ở An Thạch, Kiến Thiết, Tiên Lãng, HP. 2 năm trước, trong một lần húp canh, bà Luyện bị sặc, ho nhiều, khó thở, sau đó hết các biểu hiện nên bà chỉ nghĩ là sặc nước canh. Tuy nhiên, sau đó lại xuất hiện tức ngực, ho, khạc đờm mủ tái đi, tái lại nhiều lần, bà Luyện đã điều trị ở nhiều bệnh viện với chẩn đoán nhiễm trùng đường hô hấp. Đến thời gian trước ngày vào viện 1 tuần, bà Luyện lại ho, khạc đờm mủ, khó thở nên được gia đình đưa đến khám tại BV đa khoa Quốc tế Hải Phòng chụp X quang phổi, thấy hình ảnh viêm phổi phải; chụp cắt lớp vi tính ngực, thấy hình ảnh dị vật có tỷ trọng can-xi nằm trong phế quản gốc phải, viêm phổi thùy giữa và dưới bên phải. Bệnh nhân đã được tiến hành nội soi phế quản lần 1. Hình ảnh nội soi cho thấy phế quản gốc phải tắc hoàn toàn do dị vật, bề mặt dị vật phủ giả mạc trắng, phía sát trên dị vật xuất hiện tổ chức viêm xung huyết phủ gần kín, nhiều mủ ở dưới trào lên. Sau khi điều trị kháng sinh, corticoid 1 tuần, bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản lần 2. Trong lần này, phần tổ chức phủ phía trên dị vật đã bớt viêm, bớt phù nề và dị vật bám vào thành phế quản. Điều đáng mừng, dị vật đã di động khá dễ dàng. Kíp thực hiện tiến hành gây tê tại chỗ, bơm adrenalin 0,01% vào vùng niêm mạc xung quanh dị vật, bơm rửa phế quản. Sau đó luồn rọ xuống bên dưới dị vật, đẩy rọ ra ngoài, kẹp chặt dị vật, rồi rút đồng thời cả rọ và ống nội soi phế quản ra ngoài. Kết quả đã gắp được mảnh xương kích thước 2,3 x 1,5cm; khá nhiều góc cạnh.
Bác sỹ Hồi cho biết: Dị vật đường thở là tình trạng xuất hiện vật lạ từ bên ngoài xâm nhập vào đường thở của các bệnh nhân. Dị vật thường xâm nhập trong tình huống người bệnh cười, nói to khi ăn, hoặc hít mạnh trong các động tác hút hơi (hút đường ống dẫn xăng, dầu; húp canh, súp ...). Ngay khi hít phải dị vật, người bệnh thường có biểu hiện ho sặc sụa, khó thở, thở rít (hội chứng xâm nhập); tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh không nhận biết dị vật xâm nhập (rối loạn ý thức), hoặc có biểu hiện của hội chứng xâm nhập, nhưng sau đó hết ho, hết khó thở nên bỏ qua và tưởng rằng dị vật đã được ho bật ra ngoài. Người bệnh sau đó xuất hiện các biểu hiện nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Đây là trường hợp bệnh nhân có dị vật xương trong lòng phế quản có kích thước khá lớn. Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp được triệt để và ngăn ngừa các đợt nhiễm trùng tái phát, cũng như ngăn không xuất hiện áp xe phổi. Có thể khẳng định đây là ca lâm sàng hiếm gặp, nhờ làm nhanh, chính xác nên BV Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã gắp bỏ thành công dị vật. Thạch Thảo |
09:46 21/11/2024