Gặp những thầy thuốc nông thôn

21:23 23/02/2014

Trong cái giá lạnh còn sót lại của những ngày đầu xuân, chúng tôi đã gặp họ - những con người bình thường với một công việc mà theo họ cũng hết sức bình thường: là cán bộ Y tế đang công tác tại trạm xá thuộc các xã miền núi Minh Tân, Liên Khê, Lưu Kiếm của huyện Thủy Nguyên. Tuy nhiên, những gì họ đã và đang làm thật đáng quý với những người dân nghèo nơi đây… Từng thắp nến… đỡ đẻ

Trong cái giá lạnh còn sót lại của những ngày đầu xuân, chúng tôi đã gặp họ - những con người bình thường với một công việc mà theo họ cũng hết sức bình thường: là cán bộ Y tế đang công tác tại trạm xá thuộc các xã miền núi Minh Tân, Liên Khê, Lưu Kiếm của huyện Thủy Nguyên. Tuy nhiên, những gì họ đã và đang làm thật đáng quý với những người dân nghèo nơi đây…

Từng thắp nến… đỡ đẻ

1
Bác sĩ Khiển đang kiểm tra cho trẻ trước khi tiêm phòng

Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Tuyết - y sĩ của Trạm xá Minh Tân đúng vào ngày chiến dịch Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em của trạm. Nhìn chị khám thai cho từng sản phụ, cẩn thận hỏi thăm các bà mẹ cách chăm con rồi tư vấn cho họ mới thấy hết sự bận rộn của chị. Uống vội cốc nước, chị thân mật tiếp chuyện chúng tôi. Chị chia sẻ: “Tôi về trạm công tác từ năm 1988 sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Y Hải Phòng. Những năm đó trạm còn thiếu người, nhất là chuyên môn sản nên tôi quyết định học nâng cao tay nghề Sản khoa để về phục vụ bà con trong xã, tính đến nay đã gần 26 năm rồi”. Chị cho biết thêm hồi mới về, trạm còn nghèo, thiếu thốn đủ mọi thứ. Khu bệnh xá chỉ là mấy dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, xung quanh cây cối um tùm.

Những năm 90 ở nông thôn chưa có điện, chị phải đỡ đẻ trong điều kiện thắp nến hay thắp đèn dầu tù mù. Vậy mà có những đêm, chị và đồng nghiệp đỡ liên tiếp 2-3 ca. Vất vả nhất là những ca sinh khó, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Thời đó, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện lại không có, nếu muốn chuyển sản phụ lên tuyến trên phải khiêng võng hay đi xích lô. Và mỗi lần như thế, chị lại cùng bệnh nhân vượt hàng chục cây số. Nhớ lại những năm mới vào nghề, chị làm hầu như không lương vì  trạm y tế không thuộc biên chế của huyện. Mỗi vụ lúa, chị và các đồng nghiệp chỉ được xã trợ cấp cho 1 tạ thóc/người nhưng những khó khăn đó không làm chị và các đồng nghiệp nản lòng.

Cùng chung tâm sự về chuyện nghề, chị Nguyễn Thị Thảo - Y sĩ trạm Lưu Kiếm cho biết: Năm 1988, chị được phân công về công tác tại trạm. Lúc đó, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe còn kém, chị và đồng nghiệp đã không quản khó nhọc đến từng thôn, đội hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tuyên truyền KHHGD…, thậm chí phải đến từng nhà tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Tấm giấy khen làm tốt công tác tiêm chủng của Sở Y tế Hải Phòng năm 1996-1997 là phần thưởng xứng đáng cho lòng nhiệt tình của các chị.

Nhìn dãy nhà hai tầng khang trang với 13 phòng sạch sẽ, thoáng mát ở trạm Lưu Kiếm, chúng tôi khó hình dung được trước đây nó từng là dãy nhà 3 phòng nằm nép mình bên sườn đồi. Chị Thảo tâm sự: Năm 2010, nhờ chính sách nông thôn mới của nhà nước mà cơ sở vật chất của trạm được nâng lên. Dụng cụ y tế đã được thay mới và cấp thêm nhiều hơn, không còn cảnh các chị phải đi mài từng cái dao, cái kéo hay không có nồi luộc chuyên dụng phải luộc bằng bếp dầu… Tuy nhiên đó chỉ là những tiến bộ bước đầu. Hiện nay các anh chị vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách khác.

Nỗi gian nan trong nghề

Anh Phạm Văn Tuyên - Trạm trưởng xã Liên Khê cho biết: Cơ sở vật chất có sự thay đổi nhưng trang thiết bị khám chữa bệnh và thuốc men so với tiêu chuẩn của nhà nước đề ra vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Ở đây, chỉ điều trị được những bệnh đơn giản, còn những ca bệnh khó, đòi hỏi chuyên môn đều phải chuyển lên tuyến trên. Phải chăng tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay bắt nguồn từ sự thiếu thốn cả về vật chất - kĩ thuật và chuyên môn của tuyến cơ sở?

1
Một nữ y tá đang tiêm phòng cho trẻ trong ngày tiêm chủng mở rộng

Đến thăm mấy trạm thuộc diện miền núi, chúng tôi nhận thấy số lượng nhân viên ở các trạm này khá khiêm tốn. Dân số đông, trung bình khoảng 10 nghìn dân/xã nhưng số lượng cán bộ y tế tại đây lại chưa đến 10 người/trạm. Trong 3 trạm chúng tôi đến thăm, trạm Lưu Kiếm ít nhất với 5 nhân viên/11 nghìn dân. Hầu hết CBNV là nữ nhưng các chị luôn tâm huyết, hoàn thành tốt công việc của mình. Thực tế, mỗi trạm trung bình chỉ có 1 bác sĩ, còn lại hầu hết đều là y sĩ, y tá “nhiều kinh nghiệm, thiếu chuyên môn”. Anh Đỗ Đăng Khiển - Trạm trưởng xã Minh Tân cho biết: “Hồi mới về, cả trạm chỉ có 2 y sĩ đa khoa có chuyên môn.

Sau này, tôi đi học chuyên tu lên bác sĩ. Hiện nay, trạm chỉ có một bác sĩ nên không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh”. Số bác sĩ, y sĩ ở đây khá ít ỏi, trong khi dân số đông đã khiến cho trọng trách của các anh chị tăng lên gấp nhiều lần. Không kể công việc chuyên môn của mình, họ phải phụ trách thêm nhiều nhiệm vụ khác: vừa khám bệnh vừa điều trị, lại kiêm nhiệm cả công tác sản khoa, công tác phòng chống dịch bệnh, phụ trách các chương trình y tế quốc gia: lao, phong, HIV/AIDS… Công việc vất vả nhưng thu nhập của họ khá khiêm tốn. Ở trạm xá, một bác sĩ có kinh nghiệm 20 năm, tính cả lương chính và phụ cấp 35% ngành thì thu nhập cũng trung bình chỉ 5-6 triệu/tháng. Và đấy đã được coi là thu nhập cao nhất so với các đồng nghiệp khác.

Khó khăn là vậy nhưng khi được hỏi sao không bỏ nghề tìm việc khác thì mọi người đều cười nói: “Chúng tôi làm việc vì trách nhiệm, vì tâm huyết với nghề. Nghề đã chọn mình thì mình cũng theo nghề đến cùng. Hồi mới làm gian nan lắm, không có lương mà còn phải gánh vác nhiều việc một lúc nhưng tuổi trẻ chẳng ngại gì, cứ lao vào làm hết mình thôi. Khó khăn từng bước qua đi, giờ nghĩ lại mới thấy mình đã qua một chặng đường dài”.

Nghe các anh chị tâm sự chuyện trong nghề mới thấy hết được lòng yêu nghề của họ. Chị Tuyết đã từng “liều mình” đỡ thai đôi cho sản phụ nghèo trong điều kiện thiếu thốn, hay anh Tuyên cứu bệnh nhân may mắn thoát khỏi “bờ vực tử thần” khi gia đình đã chuẩn bị hậu sự. Đó không phải là chuyện gì “ghê gớm” lắm so với thành tích của các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên nhưng đối với các “thầy thuốc” nông thôn thì đó lại là một kì tích, một dấu ấn khó quên trong nghề của họ.

 Vượt qua mọi khó khăn, phần thưởng quý giá nhất đối với họ không phải là những tấm bằng khen, những danh hiệu mà đó chính là sự tin tưởng, quý mến của người dân dành cho mình. Bà con nơi đây không chỉ coi các anh chị là người thầy thuốc chăm lo sức khỏe cho mình mà còn coi họ như người ruột thịt thân thiết để “dốc bầu tâm sự”. Niềm tin yêu ấy chính là động lực khích lệ, động viên các anh chị quyết tâm “sống chết” với nghề. Hi vọng rằng giữa bộn bề cuộc sống xô bồ ngày hôm nay, với cái tâm cái đức của mình, những y, bác sỹ yêu nghề ấy luôn tỏa sáng y đức, xứng đáng là "lương y như từ mẫu" nơi thôn quê giàu tình nghĩa. 

 Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông