19:07 27/04/2020 Giá dầu ở thị trường châu Á đã giảm sâu trong ngày 27/4 do xuất hiện trở lại mối lo ngại về tình trạng dư thừa dự trữ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm sụt giảm nhu cầu ngay cả khi các nhà sản xuất bắt đầu cắt giảm sản lượng để thúc đẩy thị trường.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao dịch đầu phiên tại thị trường châu Á giảm 9,3% xuống còn 15,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng giảm 3,2% xuống 20,75 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đã lao dốc trong những tuần gần đây do các quốc gia trên toàn thế giới áp dụng biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Tuần trước, giá dầu WTI đã lần đầu tiên rớt xuống mức âm, mặc dù đã tăng trở lại ngay sau đó nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Một trong những lo ngại chủ chốt của các nhà giao dịch là vấn đề kho dự trữ dầu, đặc biệt là ở Mỹ, quốc gia đang chật vật đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo chuyên gia phân tích Kim Kwangrae tại công ty Samsung Futures, mối quan ngại này đang gây áp lực lên giá dầu.
Tình trạng các kho chứa đã đầy tràn đã "lấn át" thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà các nước sản xuất dầu mỏ đạt được trong tháng này. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước sản xuất dầu lớn khác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thêm 10 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5 tới để kích thích thị trường. Kuwait ngày 23/4 cho hay nước này đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung dầu ra thị trường quốc tế trước cả ngày 1/5, thời điểm thỏa thuận của OPEC+ bắt đầu có hiệu lực, trong khi Algeria cũng đang bắt đầu có động thái tương tự.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, với việc Italy và bang New York của Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại hoạt động kinh tế, cũng như tỷ lệ tử vong giảm ở những nước bị coi là tâm dịch, đã giúp ngăn chặn đà lao dốc mạnh của giá dầu./.
Theo TTXVN