19:21 27/07/2021 Khoảng một tháng qua, thị trường thành phố chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của nhóm gia cầm, với mức tăng bình quân hơn 15% đối với các loại gà, ngan, vịt… Đặc biệt nhóm trứng gia cầm tăng gần hai lần, đang thể hiện sự bất thường, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường và tiềm ẩn nguy cơ đến từ dịch cúm gia cầm chủng mới.
Giá gia cầm đang tăng khá mạnh do nguồn tái tạo gặp khó?
Nhìn lại từ đầu năm, dù có những lúc biến động cục bộ nhưng cơ bản thị trường thành phố tương đối ổn định, tình hình cung ứng khá suôn sẻ. Thậm chí thời điểm sau tết Nguyên đán Tân sửu 2021, khi dịch bệnh hoành hành tại Hải Dương, đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản do lưu thông ách tắc.
Tính chung trong quý 1-2021, giá bán lẻ bình quân trên thị trường truyền thống của một số gia cầm và sản phẩm liên quan như sau: thịt gà ta (nuôi công nghiệp) 80.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp lông trắng 45.000 đồng/kg; thịt ngan 80.000 đồng/kg; thịt vịt 65.000 đồng/kg; trứng gà ta 2.000 đồng/quả; trứng gà công nghiệp 1.700 đồng/quả…
Giá thấp như vậy, nhưng thông tin trên các phương tiện đại chúng cho thấy, ở Hải Dương nhiều vùng nuôi trồng cũng không thể tiêu thụ được sản phẩm, nhất là các loại trứng vốn dĩ không thể để lâu trong môi trường bảo quản tự nhiên, khiến nhiều người dân tổn thất nặng.
Tuy nhiên, khoảng một tháng nay gió đã đổi chiều, giá gia cầm tăng khá mạnh. Cụ thể như thịt gà ta và thịt ngan hiện được bán 95.000 đồng/kg, tăng gần 19%; gà lông trắng 60.000 đồng/kg tăng hơn 30%; thịt vịt 80.000 đồng/kg tăng 23%... so với giá bình quân quý 1.
Riêng trứng các loại tăng theo ngày với mức giá rất cao chỉ trong vòng một tháng qua, đơn cử như trứng gà ta hiện được bán lẻ 3.800 đồng/quả, tăng 90%; trứng gà công nghiệp (trứng nâu) 3.400 đồng/quả, tăng 100%. Mặc dù so với trước đây, mức giá này chưa phải đỉnh của những sản phẩm trên, nhưng đang phản ánh tính chất bất thường của nguồn cung ở thời điểm này, mà nguyên nhân được cho là ở nguồn tái tạo.
Như trên đã đề cập, Hải Dương là một trong những nguồn cung ứng lớn nhất cho Hải Phòng các sản phẩm nông sản thiết yếu, trong đó các loại thịt gia súc, gia cầm chiếm tỷ lệ lớn. Trong đợt dịch Covid-19 đầu năm, do việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề, giá gia cầm lao dốc không tiêu thụ được, nhiều trại chăn nuôi phải đổ trứng gia cầm tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Nghị - một người Hải Phòng đang đầu tư chăn nuôi tại Hải Dương chia sẻ: “Tình trạng này đã khiến các chủ nuôi nản lòng không dám tái đầu tư, vì chưa biết khi nào hết dịch…”. Không chỉ nản lòng, mà do thiệt hại lớn nên có những hộ dù muốn tái tạo cũng không đủ nguồn lực.
Chưa hết, bước sang tháng 7, những thông tin không mấy tích cực liện quan đến dịch cúm gia cầm, nhất là việc phát hiện chủng dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8 tại một trang trại ở Quảng Ninh được xem như “nước đổ vào bếp” các nhà chăn nuôi gia cầm.
Mặc dù dịch cúm gia cầm chưa bùng phát tới mức báo động, do sự chủ động cảnh báo và vào cuộc của ngành NN&PTNT, nhưng đây cũng là nguyên nhân tác động không nhỏ, kết hợp đại dịch Covid-19, tạo ra áp lực lớn đối với việc tái tạo nguồn gia cầm nói riêng và nông sản khác nói chung.
Đánh giá về thị trường Hải Phòng, một tiểu thương cho biết, thực phẩm tươi sống Hải Phòng được hình thành từ rất nhiều nguồn, về lâu dài nguồn cung tại chỗ đạt khoảng 40% nhu cầu. Theo số liệu thống kê, tại thời điểm này tổng đàn lợn của thành phố có 124,32 nghìn con, tăng 3,22%; tổng đàn gia cầm khoảng 8.629,9 nghìn con, giảm 4,25%... so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 6.487,4 nghìn con, giảm 4,47%.
Trong những tháng đầu năm, Hải Phòng đã cơ bản chủ động được phần lớn thực phẩm để cung ứng cho thị trường, bên cạnh nguồn cung tại chỗ, thị trường Hải Phòng còn nhập một số lượng rất lớn thực phẩm hàng từ các địa phương khác trong nước và cả nước ngoài.
Thời gian qua, khi mà các loại gia cầm và sản phẩm liên quan tăng giá mạnh mẽ, thì tại thị trường thành phố các loại thực phẩm khác lại có mức gá khá dễ chịu, trong đó có thịt lợn. So với quý 1, giá thịt lợn đã giảm khoảng 10%, hiện được bán lẻ trên dưới 145.000 đồng/kg tại khu vực chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, nguồn thủy sản cũng dồi dào và giảm giá mạnh, mức giảm chung 15% vì đang đúng vụ khai thác và lượng tiêu thụ giảm (do hệ thống dịch vụ ăn uống cũng như hoạt động du lịch đang bị ngưng trệ do đại dịch).
Đó là tín hiệu vui của thị trường, nhưng diễn biến của giá gia cầm cũng đưa ra một sự cảnh báo đáng kể, nếu thị tường không có sự chuẩn bị tốt cho việc tái tạo nguồn cung, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động liên quan trở lại bình thường.
Tham khảo ý kiến một số chủ trang trại ở An Lão và Tiên Lãng, hầu hết người được hỏi đều cho rằng, năm nay giá nông sản nói chung không đáp ứng được yêu cầu đầu tư, lợi nhuận chăn nuôi đạt thấp do dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Từ nguyên nhân này, nếu thị trường biến động bất thường thì nguồn lực chăn nuôi sẽ bị động, bởi thời gian tái tạo các loại vật nuôi không thể trong một sớm một chiều.
Hơn nữa, mỗi dịp sau biến động thì nguồn giống cũng sẽ bấp bênh, vì bản thân giống cũng là một kênh đầu tư, nên nhu cầu tiêu thụ sẽ tác động ngược trở lại nguồn cung. Vấn đề đặt ra là, nếu để tự phát thì nguồn cung sẽ sẽ khó cân đối với nguồn cầu, tác động không nhỏ đến bình ổn thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp, lưu thông hàng hóa giữa Hải Phòng và các tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, nguồn cung thực phẩm trên thị trường thành phố vẫn ổn, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, mà rất cần những kịch bản thích ứng chủ động, tránh để xảy ra một đợt khủng hoảng như đối với nhóm hàng lợn thịt mấy năm qua.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão