08:56 12/08/2019 Theo thông tin của Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương), giá lợn hơi hôm cuối tuần (9-8) tăng mạnh ở cả hai miền Bắc - Nam, nhiều tỉnh miền Nam đã trở lại trên 30.000 đ/kg. Các công ty chăn nuôi lớn của hai miền cũng đồng thời điều chỉnh giá lợn tăng 1.000 đ/kg...
Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi tại Tuyên Quang, Hải Dương tăng từ 2.000 – 3.000 đ/kg lên 43.000 đ/kg; Thái Bình tăng 3.000 đồng lên 45.000 đồng. Tại Yên Bái, Lào Cai giá tăng thêm 2.000 đồng lên lần lượt 41.000 đồng và 42.000 đ/kg. Tại Phú Thọ vẫn dao động trong khoảng 41.000 - 42.000 đ/kg; các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang, Nam Định, Điện Biên đạt mức 42.000 - 43.000 đồng, công ty chăn nuôi lợn lớn miền Bắc cũng tăng giá lợn hơi thêm 1.000 đ/kg.
Giá lợn hơi trong nước đang có chiều hướng tăng
Tại miền Trung, Tây Nguyên lặng sóng. So với hai miền Nam Bắc, giá lợn hơi khu vực này không có nhiều biến động, vẫn trong khoảng 30.000 - 41.000 đ/kg. Trong đó các tỉnh Bắc Trung Bộ báo giá ở mức 32.000 - 41.000 đ/kg, phổ biến 32.000 - 34.000 đồng; tại các tỉnh Nam Trung Bộ 30.000 - 40.000 đ/kg và cũng phổ biến ở mức 32.000 - 35.000 đồng.
Điều đáng lưu ý là tại miền Nam, giá lợn hơi tăng vọt tới 5.000 đ/kg. Vĩnh Long là địa phương ghi nhận mức tăng 5.000 đ/kg, đạt 33.000 đ/kg; Trà Vĩnh, Tiền Giang cũng trở lại mức 34.000 đ/kg; các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ cũng đồng loạt thêm 3.000 đ/kg lên 32.000 đ/kg; Kiên Giang tăng 2.000 đồng lên 32.000 đồng. An Giang tăng 1.000 đồng lên 31.000 đ/kg. Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Cà Mau khoảng 32.000 - 34.000 đ/kg. Tại công ty chăn nuôi lợn lớn miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng 1.000 đ/kg.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ giá lợn hơi có chiều hướng tăng là do số lượng lợn trong các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị giảm sút do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, từ giữa tháng 8 trở đi nhu cầu thực phẩm tăng nên các cơ sở và thương lái đua nhau thu mua, đẩy giá lợn tăng. Dự báo bước vào đầu tháng 9 giá heo hơi sẽ tăng lên trên 45.000 đồng một kg và còn tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chăn nuôi lợn trong tháng Bảy tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và lây lan sang các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn. Tính đến ngày 22-7-2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến tháng Bảy, đàn lợn giảm 16%.
Tại Hải Phòng, tính đến 17h ngày 25-7-2019, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 18.899 hộ, thuộc 13 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Dương Kinh, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và Lê Chân. Số lợn tiêu hủy 178.824 con (31.300 con lợn nái, 432 con lợn đực giống, 94.312 con lợn thịt, 52.780 con lợn con); trọng lượng 9.540,98 tấn. Dịch cũng đã xâm nhập vào 12 trang trại chăn nuôi có quy mô hơn 300 con; 376 gia trại chăn nuôi có quy mô từ 50 - 300 con; 18.511 hộ chăn nuôi có quy mô dưới 50 con.
Ước tính đến trung tuần tháng 7 trên địa bàn thành phố đàn lợn hiện còn 112,17 nghìn con... Dự báo trong thời gian tới đàn lợn sẽ tiếp tục giảm do người chăn nuôi không thể tái đàn trong thời gian dịch bệnh còn tiếp diễn, bên cạnh đó một số hộ chăn nuôi quy mô lớn (trang trại) cũng tạm thời ngừng tái đàn hoặc giảm quy mô nuôi so với trước đây.
Điều đáng nói mặc dù ngành chăn nuôi lợn của nước ta tuy bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng nhìn chung tác hại của dịch không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bởi chăn nuôi lợn tuy bị ảnh hưởng nhưng chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn. Khi tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thay thế thịt lợn.
Để tránh tình trạng khan hàng, đẩy giá lên quá cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng tái đàn với các doanh nghiệp và với các hộ nuôi ở những vùng chưa bị dịch tả. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến gia cầm tăng nguồn hàng để thay thế nguồn thịt heo nếu thiếu hụt.
Do đó, nhìn tổng thế, chăn nuôi gia cầm hiện nay phát triển ổn định và có xu hướng tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Tổng đàn gia cầm ước tháng 7/2019 đạt 8.145,9 nghìn con, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà đạt 6.505,6 nghìn con, tăng 6,94%... Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trong năm nay…
Bùi Hạnh (tổng hợp)
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão