Giá xăng dầu tiếp tục gây áp lực lên thị trường hàng hóa

09:07 21/06/2022

Tính cả đợt điều chỉnh gần đây nhất được áp dụng từ chiều 13/6 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã có 15 kỳ điều chỉnh kể từ đầu năm 2022 đến nay. Trong đó, với 12 kỳ điều chỉnh tăng, xăng dầu trong nước đang có giá cao nhất trong mọi thời điểm, tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ lên thị trường hàng hóa.

Giá xăng đã tăng hơn 8.000 đồng/lít kể từ đầu năm 2022

Thống kê cho thấy, trong tổng số 15 kỳ điều chỉnh tính từ đầu năm, giá xăng dầu có 12 kỳ tăng, tổng cộng mức tăng với xăng RON 95, mặt hàng phổ biến liên quan trực tiếp đến phương tiện đi lại của người dân là 8.5055 đồng/lít, tương ứng mức tăng 26,2% trong vòng nửa năm, cao gấp hơn 4 lần mức bình quân lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.

Cho thấy nhóm xăng dầu đang có tỷ lệ lạm phát cao bậc nhất trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, một mặt hàng nhạy cảm khác được coi là “anh em ruột” với xăng dầu là gas cũng đã có 8 đợt điều chỉnh đáng kể, dù các đợt điều chỉnh đều có tăng giảm theo diễn biến giá thế giới, nhưng cũng so với đầu năm thì giá gas hiện đang cao hơn khoảng gần 100 nghìn đồng/bình 12kg.

 Khỏi phải nói đến tác động của nhóm hàng nhiên liệu này đối với xã hội, trong đó xăng là sự vận hành của phương tiện an sinh như xe máy, bơm nước, động cơ tay… rồi vận tải hạng nhẹ, hàng không, hóa nhựa…

Dầu là nguồn cung cho vận tải ô tô, tàu thủy hạng nặng, vận hành máy nổ, lò nung luyện kim, gas ngoài việc là “bếp” cho đại đa số người dân, còn cung ứng cho các lò đốt, hàn cắt trong công nghiệp…

Nên dù giá nhiên liệu tăng đến mấy cũng phải dùng, vì khó tìm được các phương tiện khác thay thế tiện ích hơn. Hai sản phẩm cùng gốc dầu, cùng được gọi là nhiên liệu dù ở hai thể khí và lỏng khác nhau, nhưng sánh đôi xướng lên bài ca tăng giá.

Trong bối cảnh nền kinh tế chứ thực sự phục hồi, thu nhập của người dân vẫn giảm sút, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa, vốn dĩ đã vật vã vì đại dịch Covid-19. 

Theo giám đốc của một hãng taxi, doanh nghiệp này hiện có hơn 150 đầu xe, tiêu thụ bình quân 2.000 lít xăng mỗi ngày. Như vậy với việc giá xăng liên tục tăng trong 6 tháng qua, với tổng mức hơn 8.000 đồng/lít, doanh nghiệp sẽ phải chi phí phát sinh khoảng 16 triệu đồng/ngày so với thời điểm đầu năm 2022.

Nhưng giá cước không tăng được cũng vì sợ mất khách, áp lực đè nặng lên tài xế với tỷ lệ ăn chia cao mà lại phải gánh tiền xăng. Cước không tăng, lái xe mất thu nhập rủ nhau bỏ việc, doanh nghiệp thì thêm nỗi khổ biến động về nhân lực.

Hơn nữa, việc điều chỉnh giá cước hiện nay còn phụ thuộc vào các nhà quản lý, “để hoàn tất một quy trình thay giá mới có khi mất hàng tháng, nếu xăng dầu biến động liên tục thì doanh nghiệp vận tải không thể linh hoạt đuổi theo được.”, vị giám đốc hãng taxi này tâm sự.

Còn ông Bùi Đức C.- một tư nhân có xe vận tải nhẹ chạy xăng, chuyên chở hàng bỏ mối cho một đại lý bánh kẹo cũng phàn nàn: “Tôi thích tăng cước thì tăng vì xe tư mình tự chủ, nhưng khổ nỗi mối làm ăn lâu dài, khó cũng khó chung, nên thấy xăng tăng giá mà mình chưa đòi đòi thêm cước…”

Trong khi đó, vận tải khách đường dài, vận tải hàng hóa hạng nặng đường bộ và đường thủy chủ yếu dùng dầu diesel. Ông Lê P. –Giám đốc Cty P.C chuyên vận tải Container cho biết: “Cũng phải cân nhắc kỹ vì nó liên quan đến sự cạnh tranh dịch vụ, đến đời sống cán bộ nhân viên và lợi nhuận của doanh nghiệp...”.

Nhưng nếu không tăng, như tính toán của ông Lê P., hiện chi phí mỗi chuyến hàng từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội tiêu hao khoảng 75 lít dầu, như vậy mỗi chuyến hàng hiện đang đội thêm mấy trăm nghìn đồng.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã bắt đầu tăng giá trước áp lực của giá xăng dầu

Có thể nói, nhiên liệu đã nắm giữ “cổ phần” quá lớn trong các chi phí đầu vào của mọi ngành, dẫn đến hiệu ứng dây chuyền tới thị trường. Khảo sát những ngày gần đây cho thấy, phản ứng của hàng tiêu dùng trước việc giá xăng dầu đang rõ nét, nhưng quan trọng hơn là nó đang gây áp lực về tâm lý.

Bà Nguyễn Thị N. – một người dân ở phường Đằng Giang (Ngô Quyền) chia sẻ, thời tiết mùa hè nằng nóng, chi phí sinh hoạt các gia đình tăng rất cao do phải sử dụng các thiết bị điện làm mát, nhu cầu dùng nước cũng tăng.

Đối với người tiêu dùng, khi thu nhập không tăng, lại phải tăng chi phí cho xăng dầu, gas, điện, nước thì đương nhiên các chi phí sinh hoạt khác phải giảm, hiệu ứng này như “đổ thêm nước vào bếp” của các nhà sản xuất và phân phối.

Bởi nếu giá cước tăng thì chi phí hàng hóa sẽ tăng, nhưng tăng giá bán lẻ thời điểm này sẽ tạo hiệu ứng không tốt, nhất là thời gian đã bước sang nửa cuối năm. Thành thử cả người dân, doanh nghiệp đang chịu hậu quả toàn diện, giữa một bên là chi phí đầu vào tăng, một bên là nỗi niềm tiêu thụ sụt giảm.

Trên thực tế, trong thời gian qua, đã xuất hiện một số mặt hàng âm thầm tăng cao trong cả hệ thống các siêu thị và ngoài chợ truyền thống, nằm trong các nhóm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, quần áo, điện tử…

Thời gian từ năm đến lúc thị trường cuối năm khởi động theo truyền thống chỉ còn vài tháng, diễn biến của giá xăng dầu hiện tại rõ ràng đang tạo áp lực đáng lưu tâm. Chưa kể, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, quan hệ biên mậu Việt – Trung cũng chưa thực sự ổn định, cũng tiềm ản những chi phối khó lường vào thị trường trong nước.

Thiết nghĩ trước tình hình này, thành phố cần chủ động có những giải pháp bình ổn sớm, triển khai sớm hơn và quyết liệt hơn so với thông lệ, nhằm giữ vững thị trường và an sinh xã hội.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông