Giải bài toán bỏ ruộng hoang hóa tại huyện An Dương

15:54 23/07/2019

Để khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng hoang hóa, huyện An Dương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, nhiều diện tích ruộng hoang hóa đưa vào sản xuất, cho thu nhập cao.

669,5 ha ruộng hoang hóa – nguyên nhân vì đâu?

Theo Phòng NN&PT-NT huyện An Dương vừa phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp diện tích bỏ đất trống. Qua rà soát cho thấy, tổng diện tích bỏ đất trống không sản xuất trên địa bàn huyện là 669,5 ha.

Trong đó, các đơn vị có diện tích bỏ đất trống lớn gồm: Hồng Thái 146,5 ha, Đại Bản 48,96 ha, Đặng Cương 55,89 ha, An Hòa 51,5 ha, Đồng Thái 44,5 ha, An Hưng 57,1ha, Bắc Sơn 36 ha, Nam Sơn 33,51 ha, Tân Tiến 25 ha, Lê Thiện 62,5 ha…  

Tại cánh đồng thôn Thắng Lợi rộng hơn 23 ha, xã An Hưng, huyện An Dương những năm trước luôn tấp nập cảnh người dân canh tác trên thửa ruộng mình.

Tuy nhiên, do nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm khiến người dân không thể canh tác trên chính mảnh ruộng mình.

Nguồn nước dùng sản xuất bị ô nhiễm dẫn đến nhiều diện tích ruộng hoang hóa

Gia đình bà Nguyễn Thị Vỏ, có mấy sào ruộng không cấy lúa được phải chuyển sang trồng rau muống nhưng với nguồn nước ô nhiễm như hiện nay việc duy trì canh tác trên thửa ruộng rất khó khăn.

Cũng theo người dân tại đây, cánh đồng thôn Thắng Lợi vốn rộng 28,5ha nhưng bị bỏ hoang tới 23,2ha. Trước đây khi chưa có nhà máy, xí nghiệp, cả làng vẫn cấy hái tốt. 

Tương tự vậy, tại các cánh đồng thuộc xã Đại Bản, Lê Thiện… cũng cùng chung số phận khi hàng chục ha đất để hoang hóa do nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm từ các nhà máy, xí nghiệp gần đó thải ra ngoài.

Theo Cty Thủy Lợi An Hải (đơn vị quản lý các tuyến kênh trên địa bàn huyện An Dương), các kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ô nhiễm, việc xử lý  phải có sự phối hợp từ địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thùy - Chủ tịch UBND xã Đồng Thái, huyện An Dương nơi có 44, 5 ha ruộng bỏ hoang - lý giải thêm về tình trạng người dân bỏ ruộng:

Việc cấy lúa không cho hiệu quả kinh tế, theo tính toán hiện 1 tạ thóc có 850.000 đồng, trong khi đó người nông dân đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp lương trung bình từ  7 đến 8 triệu, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. 

Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo phục vụ sản xuất, do sâu bệnh, chuột phá hoại, nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹt trong các khu dân cư không thuận tiện cho canh tác… Đó là những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với việc canh tác nông nghiệp.

Giải pháp khắc phục  

Để từng bước khắc phục tình trạng bỏ ruộng,  ông Bùi Xuân Khải- Trưởng phòng NNPT-NT huyện An Dương cho biết: Đơn vị phối hợp với UBND các xã tiến hành phân tích nguyên nhân, đề xuất phương  án khắc phục như khắc phục như:

Đối với 5,9 ha diện tích đất bỏ hoang do xen kẹt đường giao thông, khu công nghiệp, do ô nhiễm, địa phương đề xuất chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp khác.

Chuyển đổi 315 ha diện tích sâu trũng sang mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, riêng xã Đồng Thái diện tích đất sâu trũng đề xuất chuyển đổi sang trồng rau màu.

Còn lại 297,6 ha diện tích bỏ trống do các nguyên nhân khác như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo phục vụ sản xuất, do sâu bệnh, chuột phá hại,… các địa phương đề xuất thành phố và huyện tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Cùng với đó, huyện An Dương triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho kinh tế cao.

Kết quả bước đầu, trên địa bàn huyện đã triển khai 3 mô hình điểm phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng mẫu lớn gắn với việc chỉ đạo khắc phục bỏ ruộng.

Mô hình trồng đậu tương rau tại Tân Tiến cho kinh tế cao, góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ hoang ruộng

Cụ thể, mô hình sản xuất đậu tương rau, mô hình mạ khay cấy máy tại HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Tiến, mô hình sản xuất lan Hồ Điệp theo phương pháp nuôi cấy mô tại xã Hồng Thái, mô hình trồng chế biến bột sắn tại xã Lê Thiện.

Ngoài ra, tại xã Đồng Thái, người dân cũng chuyển đổi hơn 3h đất chiêm trũng sang trồng rau muống, hoa sen, xã Đặng Cương chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao.  

Về giải pháp lâu dài, thời gian tới, Phòng NNPT-NT huyện An Dương phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung công tác tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; triển khai các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

TRUNG KIÊN  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích