21:56 01/09/2021 Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm chính là xử lý rác thải y tế. Bởi nếu không có những quy định chặt chẽ, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý nghiêm ngặt thì đây chính là nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng.
Bảo đảm phân loại an toàn
Nhận thức rõ chất thải y tế có thể tác động xấu tới con người và tất cả các khía cạnh của môi trường, nhất là đất, nước, không khí, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã chú trọng công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải y tế nói chung, rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 nói riêng. Đơn cử như Bệnh viện Việt Tiệp, lượng rác thải y tế phát sinh hàng trăm kg rác thải mỗi ngày. Tất cả rác thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19 được cho vào thùng rác chứa chuyên dụng, đã được đặt ở đúng nơi quy định, dán kín miệng tránh rơi vãi, đồng thời xịt khử khuẩn trong quá trình di chuyển theo đường riêng, khung giờ cố định. Sau đó, rác được đưa về nơi thu, lưu giữ đến 7 – 9 giờ sáng hàng ngày. Xe thu gom sau khi nhận rác sẽ phải chạy qua khu vực khử trùng trước khi rời bệnh viện để tránh lây lan virus, đảm bảo xử lý triệt để trước khi mang ra ngoài khu cách ly.
Theo ông Lê Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện đã ban hành các quy trình về quản lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, vệ sinh bề mặt, khử khuẩn phương tiện vận chuyển theo Quyết định 5188 của Bộ Y tế ngày 14-12-2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám chữa bệnh. Quy trình quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của sở Y tế về xử lý vỏ lọ vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời, Bệnh viện cũng tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh công nghiệp về phân loại thu gom, vận chuyển , xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Hiện, bệnh viện đã trang bị 200 thùng 200 lít, 30 thùng 240 lít, thùng vận chuyển có nắp, có bánh xe để thu gom chất thải, bệnh viện cũng trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên vệ sinh, người thu gom chất thải…
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly, cơ sở y tế có đến 80 - 90% có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, do đó sẽ được đem đi đốt hoàn toàn. Rác thải sinh hoạt tại các khu vực này cũng được phun khử khuẩn Cloramin B rồi mới xử lý, không thể trộn chung với rác sinh hoạt thông thường. Để xử lý rác thải tại các khu cách ly, cơ sở y tế hiệu quả và an toàn, công ty đã nhờ các đơn vị phân loại riêng rác thải y tế nguy hại và các loại rác thải thông thường. Rồi từng loại được chở đi bằng xe chuyên dụng riêng.
Lò đốt rác thải nguy hại có 2 buồng, 1 buồng sơ cấp để nạp rác, khi rác đi vào buồng sẽ tự cháy với nhiệt độ từ 700 - 1.100 oC sau đó qua buồng thứ cấp có nhiệt độ từ 1.050 - 1.100 oC.Như vậy, sẽ không còn vi khuẩn nào tồn tại sau khi rác được xử lý triệt để. Toàn bộ lượng khói phát sinh trong quá trình đốt sẽ được lọc toàn bộ, thải ra môi trường là khí trắng.
Tuân thủ quy trình thu gom, xử lý chất thải
Trong thời gian từ 7-2-2020 đến 8-8-2021 Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 đã tiếp nhận cách ly tập trung là 6.130 người, lượng chất thải rắn có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh được bàn giao xử lý là 83.421 kg, nước thải bệnh viện được thu gom xử lý qua hệ thống xử lý nước thải. Bệnh viện tiến hành tiêm chủng phòng ngừa Covid-19, số vỏ lọ vắc xin được quản lý và banfgiao tiêu hủy là 715 lọ.
Là bệnh viện tuyến đầu của thành phố, Bệnh viện Kiến An đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác xử lý chất thải y tế, luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tuyệt đối không để dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan, đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện và bệnh nhân.
Tất cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, vệ sinh môi trường đều được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, dán biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện và được xử lý tiêu hủy tập trung như những chất thải lây nhiễm cao khác, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Theo giám đốc Sở Y tế Trần Anh Cường cho biết, Hiện nay, trên địa bàn thành phố có các cơ sở y tế công lập gồm 07 bệnh viện trực thuộc các Bộ , ngành đóng trên địa bàn thành phố; 9 bệnh viện tuyến thành phố; 5 bệnh viện đa khoa quận, huyện; 15 Trung tâm y tế và 15 rung tâm y tế quận, huyện; 218 Trạm y tế. Ngoài ra còn có 1.259 các cơ sở y tế ngoài công lập. Toàn bộ các đơn vị phát sinh chất thải rắn y tế đều được thực hiện thu gom, vận chuyển theo quy định của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế, cụ thể các cơ sở y tế đều trang bị đầy đủ túi, thùng thu gom có mã màu theo quy định về thùng vận chuyển.
Hiện nay, chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở Y tế thực hiện việc xử lý theo 02 mô hình đó là mô hình xử lý tại đơn vị, hiện có 2 đơn vị thực hiện tự xử lý tại đơn vị gồm Trung tâm Quân dân y Bạch Long Vĩ; Trung tâm Y tế Cát Hải xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng lò đốt 2 buồng của Nhật Bản, công suất 20kg/giờ. Mô hình thứ 02 là mô hình xử lý chất thải nguy hại tập trung, các đơn vị thực hiện ký hợp đồng vận chuyển, thu gom, xử lý với các đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải rắn y tế. Trên địa banfthanhf phố hiện có 07 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp hành nghề xử lý chất thải y tế nguy hại và chất thải nguy hại. Tính riêng năm 2020 khối lượng phát sinh chất thải y tế lây nhiễm, là 345,444 tấn/năm đều được thu gom, xử lý, trong đó chất thải y tế nguy hại có khối lượng phát sinh là 8,943 tấn/năm cũng đều được thu gom, xử lý an toàn.
Việc quản lý, xử lý chất thải y tế do dịch bệnh Covid-19 đang tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mà Bộ Y tế đề ra. Theo đó, tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân đều được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm đều được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý.
Thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, Phòng Cảnh sát môi trường- Công an thành phố đã phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn thành phố đảm bảo các hoạt động về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh theo đúng hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường trong các haotj động quản lý, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải nói chung và chất thải y tế nói riêng trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Vũ Duyên
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão