16:59 12/04/2014
Chiều 7-4, tại Cung văn hóa thiếu nhi Hải Phòng, thầy và trò Trường phổ thông nhiều cấp Hai Bà Trưng cùng nhóm tình nguyện “Trái tim kết nối” và đông đảo khán giả hâm mộ đã tổ chức lễ khai giảng lớp dạy đàn Violin cho ông Đỗ Bá Lý. Có thể coi đó là một cái kết đẹp và ý nghĩa đối với người nghệ sỹ già ấy trên bước đường mưu sinh nhọc nhằn, gian khó… Người nghệ sỹ già với sóng gió cuộc đời Hình ảnh ông Đỗ Bá Lý kéo đàn violin trên đường phố đã trở nên khá quen thuộc với người dân Hải Phòng từ nhiều tháng nay. Và những ai dừng lại trong dòng người xe đông đúc để lắng nghe ông chơi đàn, chắc hẳn cũng đều đoán biết đằng sau giai điệu réo rắt kia là một số phận, với nhiều ẩn ức chưa bao giờ được tỏ tường… Chúng tôi theo chân ông về căn nhà trọ của vợ chồng ông ở phía sau giảng đường Trường đại học dân lập Hải Phòng để nghe ông kể chuyện cuộc đời, một câu chuyện mà theo ông là “dài lê thê, kể không bao giờ hết được”. Ông tên là Đỗ Bá Lý, sinh năm 1935, xuân Giáp Ngọ này đã bước sang tuổi 80. Ông Lý là người Hải Phòng gốc, nhà các cụ thân sinh trước ở ngõ Lý Tiêm, nổi tiếng đất Cảng. Ông kể: Hồi bé, gia cảnh nhà ông cũng vào diện khá giả, các cụ thân sinh lại có đam mê nghệ thuật. Đó là lý do ông đã được làm quen với các nhạc cụ Tây phương rất sớm, từ lúc chỉ mới hơn 10 tuổi đầu. Thời thanh niên hào hoa phong nhã với vẻ ngoài điển trai, cộng với gia thế vững vàng, ông kéo đàn rong chơi khắp mọi nơi, được nhiều mĩ nữ yêu quý, chiều chuộng. Ông lấy vợ khá sớm, rồi sinh liền tù tì 3 đứa con.
Nhưng trời chẳng chiều lòng người, bà vợ đầu của ông đã sớm qua đời vì bệnh tim, bỏ lại cho ông 3 đứa con thơ dại. Khi ấy, ông đang làm nhạc công cho Đoàn ca múa kịch Hải Dương, vì con cái nheo nhóc quá nên phải bỏ về để chăm con ở Hải Phòng. Nhiều năm sau, duyên phận giúp ông gá nghĩa với bà Lâm Thị Hải, sinh năm 1948, nguyên là công nhân Xí nghiệp mì sợi cũ. Bà Hải cũng từng có một đời chồng, cũng một nách 3 đứa con riêng. Ông Lý bươn chải làm rất nhiều nghề: khuân vác, thợ phụ sửa xe máy, ô tô, làm thợ khai mỏ Apatit Lao Cai… cùng người vợ kế dốc hết sức lực nuôi dạy “con anh con tôi” cho tròn trách nhiệm làm cha mẹ. Thế rồi tai họa liên tiếp tai họa, những đứa con của ông bà, đứa thì chết sớm vì bệnh tật, đứa còn sống thì hoàn cảnh cũng quá nghèo, đã phiêu bạt đi nhiều nơi, giờ thấy cảnh bố mẹ như vậy cũng chỉ biết lấy nước mắt làm đầu, không giúp được gì đáng kể… Nhắc đến bà Hải, ông Lý không khỏi tự hào: “Bà ấy ngày trước đẹp lắm, lại đảm đang nữa. Tôi mải chơi, chả có nghề ngỗng gì ra hồn, rồi đau yếu, bệnh tật liên miên, một tay bà ấy cáng đáng hết”. Ông nhớ cái đận năm 2001, ông bị đau dạ dày nặng, phải chuyển lên bệnh viện trên Hà Nội để mổ, nhưng khi phẫu thuật, các bác sỹ lại phát hiện trong dạ dày của ông có khối u, động dao kéo vào rất nguy hiểm, thế là đành khâu lại và… để đấy. Tuy thoát được lưỡi hái tử thần, nhưng sức khỏe của ông ngày một suy kiệt. Hết bao cấp, bà Hải không còn làm ở xí nghiệp nữa mà “về một cục”, ở nhà chạy chợ, buôn rau bỏ mối cho các hàng ăn. C ó lúc bí bách quá, bà phải đi nhặt ống bơ ve chai bán lấy tiền nuôi chồng và các con. Căn nhà cũ ở ngõ Lý Tiêm cuối cùng đã theo bệnh tật cùng những gian khó của cuộc sống của ông bà về tay chủ khác. Ông bà phải thuê nhà sống nhiều nơi, lắm khi không có tiền trả, chủ nhà đuổi thì lại ôm quần áo, khăn gói quả mướp đi tìm chỗ khác thuê rẻ hơn, khuất nẻo hơn. “Gian nhà trọ này ông thuê 700 nghìn/tháng, cũng là chủ nhà thương, lấy rẻ cháu ạ” - ông bảo với tôi như vậy. Cộng đồng sẻ chia, giúp cảnh già cô quạnh Những tưởng cuộc sống bần hàn cứ thế trôi đi nhưng tai họa vẫn chưa chịu buông tha hai vợ chồng già. Cách đây hơn 8 tháng, trong một lần đi chợ lúc sáng sớm, bà Hải không may bị xe máy tông phải, gẫy chân. Kẻ gây tai nạn đã táng tận lương tâm bỏ mặc bà lão nằm đau đớn quằn quại giữa đường mà chạy trốn. Chỉ đến khi chị em buôn bán cùng chợ phát hiện ra, đưa bà đi cấp cứu, rồi đưa lên Hà Nội mổ đóng đinh vết gãy. Nhưng kể từ đó, bà không đi lại được nữa, việc di chuyển phải nhờ vào đôi nạng gỗ. Tiền thuốc men chạy chữa lên tới cả chục triệu đồng trong khi nhà không còn đồng nào, bí quá, ông Lý kiếm 1 chiếc sáo trúc mang ra chợ thổi, mong bà con giúp tiền chữa bệnh cho vợ. “Lúc đầu, tôi ngượng lắm, nhưng cùng quẫn quá rồi, cũng chả còn cách nào” - ông bảo thế. Thổi sáo xin tiền được một thời gian thì ông dành dụm một ít, mua cây violin cũ mang ra ngồi kéo ở vỉa hè.
Chẳng thể nào ngờ được, chút tài lẻ thời trai trẻ giờ lại là phương cách kiếm cơm nuôi vợ bệnh, điều duy nhất mà ông có thể làm lúc này. Có điều lạ là, ông ra ngồi kéo đàn là quên hết mọi sự trên đời, chỉ tập trung vào những giai điệu của bản nhạc, ai đi qua đứng lại nghe cho tiền thì bỏ vào hộp đàn hoặc nhét vào túi áo khoác cho ông. Ông Lý tâm sự: “Tôi chơi được nhiều nhạc cụ, nhất là thời kỳ còn làm ở Đoàn ca múa kịch Hải Dương, nào là sáo trúc, guitar, violin… rồi thì nhạc Chèo, nhạc Cải lương, cái gì cũng chơi được hết”. Tuy nhiên, khi kéo violin thì ông chỉ hay chơi các bản nhạc dân gian: Trống cơm, Trèo lên trái núi thiên thai, Người ơi người ở đừng về… và các bản nhạc cách mạng của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận. “Nhạc Tây” thì tôi thích nhất Moza - ông bảo vậy. Bây giờ, cái chân của bà vợ vẫn còn đau nhức, chưa rút đinh, chưa đi lại bình thường được. Và thế là hàng ngày, người nghệ sỹ già, người chồng nhất mực thương vợ ấy vẫn ra ngồi vỉa hè, khi thì ở ngã tư Nguyễn Đức Cảnh - Trần Nguyên Hãn, lúc ở hồ Tam Bạc, lúc lại ra phố cà phê Phan Bội Châu để kéo đàn, tạo nên những thanh âm đẹp đẽ, riêng có của phố biển. Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ vừa rồi, nhóm tình nguyện Niềm tin Hải Phòng sau khi phát hiện và biết hoàn cảnh của ông, đã chia sẻ thông tin này đến hàng nghìn facebooker. Nhiều người dân, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đã đồng cảm, giúp đỡ ông rất nhiều vượt qua khó khăn. Sau khi được giúp mở lớp dạy đàn, người nghệ sỹ già ấy đã có một nơi chốn riêng để truyền dạy, chia sẻ kiến thức và cảm xúc âm nhạc đến lớp trẻ, những người yêu âm nhạc và trân trọng tình cảm gắn bó của đôi vợ chồng già ấy… Và nếu bạn có điều kiện chia sẻ với đôi vợ chồng già ấy, xin hãy đến với ông bà tại địa chỉ: - Ông Đỗ Bá Lý (vợ là Lâm Thị Hải): Số nhà 68, ngõ 92, đường Đại học Dân lập, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. - Lớp dạy đàn Đỗ Bá Lý, Cung văn hóa thiếu nhi, số 55 Lạch Tray, Hải Phòng. - ĐT: 0166.6389879. |