15:00 19/06/2020 Rót tiền vào đất nền ở những thời điểm thị trường bất động sản gặp khó, chẳng hạn sau đại dịch Covid-19, là kênh đầu tư tương đối an toàn khi đặt trong tương quan so sánh với các sản phẩm khác.
Mạch nước nhỏ khơi thị trường lớn
Thị trường bất động sản (BĐS) vừa trải qua giai đoạn sụt giảm và “hôn mê sâu” chưa từng thấy do tác động của đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy: Trong quý I, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chiếm tới 94,1%. Chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng giao dịch thành công chỉ bằng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Riêng các doanh nghiệp BĐS du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, nền kinh tế được phục hồi cũng là thời điểm hợp lý để các nhà đầu tư quay lại thị trường. Đầu tư vào đâu, chọn sản phẩm nào đang là bài toán khó đặt ra với các nhà đầu tư.
Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, những lúc thị trường BĐS đi xuống, luồng tiền không còn nhiều thì phải khơi thông. Khi thị trường “đóng băng”, không còn nguồn tiền lớn thì phải để cho nhà đầu tư khơi những dòng tiền nhỏ.
Thực vậy, nhìn lại bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS giai đoạn khủng hoảng 2011 – 2013, hình thức phân lô bán nền đã trở thành giải pháp tình thế cứu thị trường sắp “hóa đá”. Chỉ cần vài “mạch nước” nhỏ khơi thông dòng chảy cũng đã nhen lên sức sống cho thị trường hồi sinh. Theo TS Trần Kim Chung, dù nhiều doanh nghiệp lớn tê liệt nhưng nguồn tiền nhỏ vẫn nằm đâu đó trong dân, lúc đó cần huy động mọi nguồn lực chứ không thể trông chờ vào những nguồn tiền lớn. Đó là nguồn cơn để thị trường đất nền “lên ngôi” sau chính những giai đoạn khó khăn nhất của địa ốc.
“Cơn bão” Covid-19 đã và đang để lại nhiều hậu quả nặng nề cho thị trường BĐS. Hàng loạt sàn giao dịch, doanh nghiệp BĐS nhỏ phải đóng cửa, nhiều dự án đình trệ. Các phân khúc: chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, BĐS du lịch gặp khó khăn… nhưng nhu cầu về đất nền – nhu cầu thực của rất đông người dân thì vẫn còn nguyên. Vì thế, có thể nói phân khúc đất nền luôn có sức sống.
“Khả năng thanh khoản của loại hình này vẫn còn nguyên, mạch sống tự nhiên vẫn chảy”, TS Trần Kim Chung nhận định.
Tại thị trường Đà Nẵng, nơi có nguồn cung đất nền dồi dào, đặc biệt tại khu vực phía Nam thành phố, trong vòng nửa tháng trở lại đây đã chứng kiến sự chuyển động trở lại của phân khúc này. Giá đất nền sau khi chạm đáy trong đợt dịch đã nhích tăng trở lại, nhà đầu tư đang mải miết săn tìm các lô đất đẹp tại vị trí thuận lợi về giao thông và hoàn thiện hạ tầng, có tiềm năng sinh lời cao. Điều này cho thấy, sau dịch bệnh, đất nền Đà Nẵng đã rơi vào tầm ngắm của giới đầu tư, giúp thị trường khởi sắc.
Một lựa chọn đón đầu hai xu thế
Không chỉ là “kênh trú ẩn” an toàn trước những biến cố của dịch bệnh, tâm lý nhà đầu tư săn tìm đất nền tại Đà Nẵng còn được lý giải bởi sự nhanh nhạy đón đầu xu thế phát triển đô thị về phía Nam Đà Nẵng.
Thực tế trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì đất nền vẫn luôn là một trong những sản phẩm hot nhất tại thị trường Đà Nẵng nhờ lợi thế về quy hoạch và hạ tầng của thành phố này. Được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, thủ phủ kinh tế miền Trung nhiều năm qua đã không ngừng lột xác, trở thành tâm điểm đầu tư trong nhiều lĩnh vực như du lịch, bất động sản, công nghiệp… Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng khiến quỹ đất ngày một thu hẹp, đồng thời mất cân đối ngày càng lớn về mật độ dân cư giữa khu vực nội đô và ngoại thành.
Tính đến năm 2019, tổng dân số của Đà Nẵng là hơn 1,1 triệu người, tăng thêm hơn 250.000 người chỉ sau 10 năm (bằng khoảng 1/4 tổng dân số thành phố). Tuy nhiên, dân cư lại quá tập trung tại các quận nội thành có diện tích nhỏ khiến áp lực về giao thông, đô thị tại vùng lõi ngày một lớn.
Như một lẽ tất yếu, xu hướng tìm đến khu vực ngoại thành phía Tây Bắc và Đông Nam thành phố, nơi có quỹ đất dồi dào để đón đầu quy hoạch đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Đặc biệt, khu vực phía Nam thành phố như phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) có ưu thế vượt trội bởi sở hữu vị thế vừa gần biển lại tiếp giáp sông, rất thuận lợi để phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng, sinh thái, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Phước Lan đi qua khu vực này thực sự đã làm lan tỏa không gian đô thị Đà Nẵng về phía Nam. Theo đó, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Hòa Quý, Hòa Xuân đang được đánh thức, dần hình thành một vành đai xanh văn hóa du lịch, nghỉ dưỡng và trung tâm giáo dục - đào tạo. Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch nối thẳng khu vực này với trung tâm thành phố, kết nối Đà Nẵng với đô thị cổ Hội An, làm đổi thay cả một vùng nông thôn rộng lớn trước đây trở thành những khu đô thị mới sầm uất.
Hưởng lợi lớn nhờ hạ tầng, đất nền phân lô tại khu vực Nam Đà Nẵng như Hòa Xuân đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Đặc biệt khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt quan điểm phát triển thành phố theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.
Với định hướng này, chắc chắn những khu vực sở hữu nhiều lợi thế cả về quỹ đất, vị trí cũng như hạ tầng phía Nam Đà Nẵng sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư trong tương lai gần. Cùng với đó, xu hướng người dân đổ dồn về đây an cư, lập nghiệp và đầu tư, kinh doanh sẽ không còn xa.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão