17:36 23/10/2023 Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 28-9-2023, thành phố đã giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 10.819 tỷ đồng, bằng 50,25% kế hoạch thành phố giao (hơn 21.527,8 tỷ đồng), bằng 80,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (13.403,3 tỷ đồng). Như vậy, Hải Phòng đã xuất sắc vượt lên, nằm trong các địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, đứng thứ 6, sau Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là kết quả vượt trội, thể hiện năng lực, trình độ quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công của Hải Phòng.Và vấn đề của Hải Phòng bây giờ là tiếp tục tăng thu ngân sách để giải ngân.
Tăng tốc giải ngân tại các dự án
Điều đáng phấn khởi là hầu hết các dự án lớn, trọng điểm của thành phố đều có tiến độ giải ngân khá cao. Theo BQL dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng, 2 dự án lớn, trọng điểm, được mệnh danh là công trình thế kỷ của Hải Phòng là Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn đang có tốc độ xây dựng rất nhanh. Đến nay, thành phố đã giao vốn cho dự án Trung tâm Chính trị- Hành chính 1.132 tỷ đồng, (đạt 45,05% tổng mức đầu tư) và đã giải ngân 902,610 tỷ đồng, đạt 79,74 %. Dự án Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn được giao vốn 1.041,527 tỷ đồng, (đạt 44,57% tổng mức đầu tư) và đã giải ngân 654,176 tỷ đồng đạt 62,81%.
Đây là mình chứng rõ ràng, thuyết phục nhất cho thấy cả 2 dự án lớn, trọng điểm của thành phố có tiến độ vượt thời gian. Tính chung, BQL dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng đã giải ngân được 2.746,1/3.952,579 tỷ đồng, đạt 69,48% kế hoạch vốn, một tỷ lệ khá đáng kể.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, các dự án do Ban thực hiện đều cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân. Trong đó, tại dự án cầu Lại Xuân, lũy kế giao vốn tới nay là 408,5 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 350 tỷ đồng, cơ bản bám sát kế hoạch vốn. Việc giải ngân vốn cho dự án cầu Rừng cũng đạt tỷ lệ khá cao. Đến nay, Ban giải ngân được 1.779,6/3.104,9 tỷ đồng, đạt 57,23% kế hoạch vốn được giao.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp cho biết, đến nay, Ban đã giải ngân được 1.030,1/1.699,5 tỷ đồng, đạt 60,62%. Một số dự án như tuyến đê biển nam Đình Vũ; Trường Cao đằng công nghiệp Hải Phòng; lắp đặt lan can hồ điều hòa… đều đạt tiến độ giải ngân đã định.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong số 24 chủ đầu tư được UBND thành phố giao kế hoạch vốn năm 2023, có 23 chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân. Đáng chú ý, có 8 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân trên 75% như Công an thành phố (727/727 triệu đồng, đạt 100%), Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hải Phòng (1,582/1,637 tỷ đồng, đạt 96,65%), Kiến Thụy (442,4/486 tỷ đồng, đạt 91,02%), Cát Hải (251,063/275,883 tỷ đồng, đạt 91%), Vĩnh Bảo (81,676/92,471 tỷ đồng, đạt 88,33%), Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng (109,951/132,67 tỷ đồng, đạt 82,88%), An Lão (3,88/4,755 tỷ đồng, đạt 81,6%), Trường Đại học Hải Phòng (41,496/51,921 tỷ đồng, đạt 79,92%). Ngoài ra, có 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 60% đến 75% gồm: BQL dự án phát triển đô thị và ĐTXD công trình dân dụng; BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; huyện Thủy Nguyên (646,698/991,287 tỷ đồng, đạt 65,24%), BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp. Ngoài ra có 11 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân dưới 60%.
Về vốn đầu tư công phân cấp cho quận, huyệ, đã giải ngân 1.306,6 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch thành phố giao. Trong đó, giải ngân cao có Tiên Lãng, Ngô Quyền, Dương Kinh, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ, An Lão…
Nếu so với cùng kỳ năm 2022, vốn đầu tư công của thành phố mới giải ngân được 7.197, tỷ đồng, bằng 56,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 51,48% kế hoạch thành phố giao thì năm 2023 có tốc độ nhanh hơn hẳn và chất lượng giải ngân cũng tốt hơn, tập trung vào các công trình trọng điểm của thành phố. Đây là hiệu quả của các giải pháp quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm của thành phố, bằng cách giao kế hoạch, phân bổ nguồn vốn sớm; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, BQL các dự án trong giải ngân; tích cực GPMB; nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư của các BQL dự án; tích cực thúc đẩy các nhà thầu thi công…
Tăng thu để giải ngân cho các dự án
Tuy nhiên, bức tranh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cũng còn nhiều mảng xám. Trong đó, đối với nguồn vốn đầu tư công phân cấp cho các địa phương, có 8/15 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới bình quân chung của toàn phố
thành phố. Cụ thể: Lê Chân 40,99%, Vĩnh Bảo 40,94%, Hồng Bàng 40,82%, An Dương 39,21%, Thủy Nguyên 38,48%, Hải An 35,11%, Kiến An 28,24%, Cát Hải 18,66%.
Đáng chú ý, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng rất chậm. Đến nay, mới giải ngân được hơn 1.080 tỷ đồng/3.085 tỷ đồng, đạt 35%. Trong đó, chỉ có Thủy Nguyên giải ngân đạt 48,4%; An Lão đạt 39%, còn lại đều đạt thấp như An Dương (91,3/265,9 tỷ đồng, đạt 34,35%), Kiến Thụy (141,2/424,7tỷ đồng, đạt 33,26%), Tiên Lãng (109,7/437 tỷ đồng, đạt 25,12%), Vĩnh Bảo (182,5/743,8 tỷ đồng, đạt 24,54%)…
Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch Chính phủ giao đạt khá cao nhưng so với kế hoạch của HĐND thành phố giao thì mới đạt hơn 50%.
Ngoài ra, do khó khăn và tiến độ thu tiền sử dụng đất chưa đạt kế hoạch mong muốn nên một số dự án được bố trí giải ngân bằng nguồn vốn này đang bị đình trệ lại. Một số chủ đầu tư đang mong ngóng sớm có nguồn thu từ đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Về vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các BQL dự án, các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các hồ sơ, thủ tục cần thiết, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để trong 3 tháng cuối năm, khi có nguồn thu từ đất là tăng tốc giải ngân ngay. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Kho bạc Nhà nước linh hoạt các nguồn vốn, có thể cho vay ứng trước để giải ngân cho các dự án, khi thu được tiền sử dụng đất sẽ hoàn trả lại.
Như vậy, tuy đạt được một số kết quả nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là giải ngân theo kế hoạch của thành phố và nguồn thu để giải ngân các dự án được bố trí bằng nguồn thu tiền sử dụng đất. Vì thế, thành phố đang tích cực chỉ đạo quyết liệt thu tiền đất từ các dự án lớn của thành phố đã được tính toán xong. Đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy mạnh đấu giá đất thu tiền sử dụng đất vào ngân sách trong những tháng cuối năm.
Được biết thành phố đang chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch trọng điểm, đặc biệt là các dự án đầu tư về cảng biển, cảng hàng không, khu, cụm công nghiệp, các dự án du lịch tại Đồ Sơn, Cát Bà, các khu đô thị, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án lớn, trọng điểm như đường Vành đai 2; cầu Nguyễn Trãi; tuyến đường từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến Quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo… Đây tiếp tục là những tín hiệu mới để giúp Hải Phòng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão