Giám sát, hỗ trợ người bệnh là yếu tố quyết định Đề án cấp thuốc Methadone tại nhà

15:21 17/04/2021

Vừa qua, Hải Phòng là một trong ba tỉnh thành trong cả nước được lựa chọn để triển khai thí điểm Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà có nhiều lợi ích cho người bệnh. Xong cũng nhiều vấn đề đặt ra trong việc đánh giá tuân thủ của người bệnh trong sử dụng thuốc. Để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên An Ninh Hải Phòng có cuộc phỏng vấn với BS CKII Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Phóng viên(PV): Thưa ông, hiện có rất nhiều độc giả muốn được hiểu rõ Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đang được triển khai ở Hải Phòng như thế nào?

BS CKII Nguyễn Duy Hùng: Căn cứ Quyết định số 5074/QĐ-BYT ngày 04/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; Quyết định số 842/QĐ-BYT ngày 29/01/2021 của Bộ Y tế về Hướng dẫn triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện;

BS CKII Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.
BS CKII Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH- UBND ngày 25/3/2021 về việc triển khai Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện năm 2021-2022. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị ngày 05/4/2021 vừa qua Cục phòng chống  HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế Hải Phòng đã tổ chức sự kiện "Khởi động chương trình Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày" tại Trung tâm PC HIV/AIDS và đồng loạt cấp thuốc tại 05 cơ sở điều trị MMT trên địa bàn thành phố với sự tham gia của các Sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân tham gia, nhằm đưa tin và quảng bá tạo sự hưởng ứng, ủng hộ của cộng đồng.

          Thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai Đề án từ đầu tháng 4/2021, địa điểm triển khai tại 05 cơ sở điều trị Methadone gồm Lê Chân, Ngô Quyền, Thủy Nguyên, Hồng Bàng và Kiến An. Với mô hình triển khai cụ thể đó là triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại các cơ sở đang điều trị bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn được mang thuốc về nhà nhiều ngày theo quy định của Bộ Y tế;  Nhân lực sử dụng nhân lực sẵn có tại các cơ sở điều trị, cán bộ Y tế cơ sở, nhân viên hỗ trợ tại cộng đồng trong việc giám sát tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Tất cả các nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, nhân viên tư vấn) đã được tham gia lớp tập huấn do Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn; Các cơ sở triển khai sẽ sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có tại các cơ sở điều trị Methadone và được bổ sung về trang thiết bị để đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế.

Lộ trình triển khai Đề án mang thuốc Methadone về nhà, thành phố triển khai cho 440 bệnh nhân vào năm 2021 và 530 bệnh  nhân vào năm 2022 tại 05 cơ sở điều trị Methadone.

          Trong ngày tổ chức sự kiện (5-4) đã có 25 bệnh nhân của 05 cơ sở điều trị Methadone thành phố Hải Phòng được cấp thuốc mang về; Căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát có thể tăng số lượng bệnh nhân được mang thuốc Methadone về nhà theo tiêu chuẩn Bộ Y tế và Kế hoạch số 81/KH- UBND ngày 25/3/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố.

          PV: Vậy, người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày cần đáp ứng nhữngyêu cầu cụ thể gì, thưa ông?

          BS CKII Nguyễn Duy Hùng: Người có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được cân nhắc cho mang thuốc về sử dụng: Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên; Không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong 2 tháng gần đây; Không bỏ liều điều trị Methadone nào trong 2 tháng gần đây mà không có xin phép hoặc báo cáo với cơ sở điều trị; Không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone, không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác trong 12 tháng gần đây.

Nếu có 1 trong các điểm sau, người bệnh sẽ không được cấp phát thuốc về: Trong quá trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã từng xảy ra ngộ độc do quá liều với bất cứ chất gây nghiện nào; Người bệnh hiện có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định; Bản thân người bệnh không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa…).

          PV: Vậy làm thế nào để theo dõi, đánh giá sự tuân thủ của người bệnh khi sử dụng thuốc, thưa ông?

BS CKII Nguyễn Duy Hùng: Sự tuân thủ của người bệnh trong việc sử dụng và bảo quản thuốc Methadone cấp nhiều ngày là một trong những vấn đề rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của Đề án cũng như tương lai có thể tiếp tục thực hiện triển khai rộng được hay không. Chính vì vậy việc theo dõi, đánh giá là vô cùng cần thiêt.

Ngoài việc lựa chọn bệnh nhân theo đúng tiêu chí, chúng ta cần phải có kế hoạch giám sát thật cụ thể và phối kêt hợp giữa cơ sở điều trị và các cơ quan tổ chức tại địa phương như: Trạm Y tế phường, Công an khu vực, các tổ dân phố, đặc biệt là gia đình người bệnh và ý thức của mỗi bệnh nhân.

Việc giám sát người bệnh sử dụng thuốc Methadone mang về thực hiện bắt buộc theo các phương thức cụ thể, cán bộ y tế (Y tế xã, Y tế thôn bản hoặc cán bộ y tế cơ sở điều trị/cấp phát thuốc Methadone) được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc sử dụng thuốc mang về của người bệnh, với tần suất giám sát trong 2 tháng đầu tiên (tối thiểu 1 tháng/lần);  từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 (tối thiểu 02 tháng/1 lần); từ trên 6 tháng trở lên (03 tháng/1 lần).

Trong đó, nội dung giám sát gồm điều kiện bảo quản thuốc của người bệnh; Kiểm tra số lượng thuốc tồn và vỏ chai đựng thuốc thực tế so với sổ theo dõi uống thuốc Methadone.

Ngoài ra, còn giám sát qua việc yêu cầu người bệnh mang thuốc chưa sử dụng và vỏ chai thuốc đã qua sử dụng về cơ sở điều trị để kiểm tra đột xuất. Ngoài giám sát bắt buộc đã đề cập trên, tùy theo thực tế cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc có thể tổ chức giám sát hỗ trợ người bệnh tuân thủ điều trị theo các phương thức như: Người bệnh và người nhà của người bệnh tự giám sát. Người bệnh và gia đình người bệnh có trách nhiệm tự bảo quản, kiểm tra; Sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát

          Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng tích hợp với phần mềm quản lý người bệnh sử dụng Methadone cụ thể, người bệnh nhận tin nhắn từ hệ thống nhắc nhở việc uống thuốc và có trách nhiệm phản hồi việc đã uống thuốc bằng tin nhắn trả lời; Gửi thông báo bằng tin nhắn và phản hồi về lịch hẹn khám, tư vấn và xét nghiệm của người bệnh; Sử dụng các phần mềm công nghệ như Zalo, Viber, mạng xã hội với người bệnh có sử dụng điện thoại thông minh và có cài đặt các phần mềm như Zalo, Viber hay Facebook để thực hiện kiểm tra đột xuất về số lượng thuốc tồn và nơi bảo quản thuốc bằng cách thực hiện các cuộc gọi có hình ảnh;  Nhắc nhở người bệnh uống thuốc và phản hồi uống thuốc bằng tin nhắn miễn phí; Đặt lịch hẹn khám, tư vấn và xét nghiệm qua hệ thống tin nhắn miễn phí hoặc cuộc gọi miễn phí; Nếu cơ sở điều trị Methadone có thể kiểm tra, giám sát người bệnh qua các cuộc gọi hình ảnh và người bệnh tuân thủ tốt, bác sĩ điều trị có thể quyết định giảm tần suất giám sát trực tiếp của cán bộ y tế hoặc giảm số lần yêu cầu người bệnh mang thuốc trở lại cơ sở y tế.

Dựa vào tình hình thực tế, các địa phương có thể sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng, mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng để tham gia giám sát hỗ trợ tuân thủ điều trị của người bệnh trong quá trình người bệnh được cấp thuốc nhiều ngày.

PV: Ông có thể cho biết thêm cachsnaof để theo dõi, đánh giasuwj tuân thủ của người bệnh?

BS CKII Nguyễn Duy Hùng: Sau hơn 12 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã bộc lộ một số hạn chế đó là tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực, tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị khá cao. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Một số người bỏ trị do đặc thù công việc như là công nhân nên không có thời gian đi uống thuốc hàng ngày trong giờ hành chính; hoặc lái xe, ngư dân phải đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hàng ngày; hoặc một số người bệnh không thể tuân thủ điều trị do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất…

Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone. Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID 19 - nó ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng nên việc triển khai cần đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng. Do vậy cần thiết phải triển khai thí điểm sau đó tiến hành triển khai đánh giá đề án thí điểm này, hy vọng có đủ bằng chứng để mở rộng việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày ra tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước.

PV: Xin cảm ơn Giám đốc!

Vũ Duyên (Thực hiện)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông