Giảm tai nạn giao thông đường bộ: Kiểm soát chặt “ma men” sau tay lái

18:02 13/09/2022

Từ đầu năm, Công an các đơn vị, địa phương của Hải Phòng đã siết chặt biện pháp nghiệp vụ, tổ chức TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn, ngăn chặn hiệu quả những vụ tai nạn nghiêm trọng do “lái xe điên” gây ra…
Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT đường bộ - đường sắt tổ chức kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Lê Hồng Phong

Các đợt cao điểm đạt hiệu quả cao

Ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc CATP đã tập trung cao cho các kế hoạch TTKS, xử lý nghiêm các vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” với thời gian thực hiện từ  1-3-2022 đến hết 31-12-2022.

Theo đó, lực lượng CSGT là lực lượng nòng cốt, Công an các đơn vị, địa phương tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí công cụ hỗ trợ để phối hợp triển khai chuyên đề này.

Đặc biệt, từ ngày 20-6, cùng với lực lượng Công an cả nước,   CATP Hải Phòng đồng loạt ra quân thực hiện  Kế hoạch số 299 ngày 13-6-2022 của Bộ Công an về đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT kéo dài 3 tháng (đến hết ngày 20-9).

Từ đợt cao điểm này, các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây mất ANTT gồm: (1) vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; (2) vi phạm tốc độ trên đường bộ; (3) vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ đã được công an các đơn vị, địa phương toàn thành phố xử lý quyết liệt. Đến nay, sau 2 tháng thực hiện, CATP đã phát hiện xử lý 2.187 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; ra quyết định phạt tiền theo lỗi 10, 86 tỷ đồng; tước GPLX 1.725 trường hợp; tạm giữ 309 xe ôtô,  1.877 xe môtô.

 

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở

  Theo Đội Tham mưu thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, để có được kết quả này, các đơn vị, đặc biệt là Công an các quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Giám đốc CATP; tổ chức điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; thống kê, rà soát kỹ các nhà hàng, quán bar, vũ trường, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải, bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô bốc xếp… trên tuyến vả địa bàn quản lý. 

Công an địa phương thực hiện nhiệm vụ kiểm soát vi phạm nồng đô cồn ban đêm

Từ đó, các đơn vị xác định rõ, chính xác các tuyến trọng điểm, khung giờ thường xảy ra vi phạm để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó là việc toàn lực lượng CATP tổ chức lực lượng TTKS, xử lý vi phạm triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và lái xe; đồng thời, phát hiện nhanh những tồn tại, bất cập để kiến nghị các biện pháp giải quyết.

Giảm sâu các chỉ số về TNGT

Theo Ban ATGT thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 15-12-2021 đến ngày 14-6-2022), trên địa bàn đã xảy ra 32 vụ TNGT đường bộ, đường sắt; làm chết 30 người, bị thương 4 người. So với 6 tháng đầu năm 2021, đã giảm được 5 vụ, tương ứng giảm 13,16 %; giảm 16 người bị thương, tương ứng giảm 80 %. Riêng chỉ số về người chết do TNGT chưa giảm.

 

Đội CSGT đường sắt - Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt tổ chức tuyên truyền về đợt thực hiện cao điểm xử lý vi phạm TTATGT kéo dài 3 tháng 

Còn trong 2 tháng tiếp theo (từ ngày 20-6-2022 đến ngày 20-8-2022), thực hiện kế hoạch về đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT kéo dài 3 tháng do Bộ Công an và Giám đốc CATP phát động, trên địa bàn chỉ xảy ra 5 vụ TNGT đường bộ; làm chết 3 người, bị thương 4 người.  So sánh với cùng kỳ năm 2021, giảm 3 vụ, tương ứng giảm 37,5%; giảm 2 người chết, tương ứng giảm 40% và giảm 3 người bị thương, tương ứng giảm 42,86%. Còn so với thời gian liền kề trước đó, giảm 2 vụ (giảm 37,5%); giảm 5 người chết (giảm 62,5%). Đặc biệt, hiệu quả rõ nét nhất trong việc kiểm soát chặt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đó là Hải Phòng đã phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra những vụ TNGT do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã sử dụng rượu, bia  “lái xe điên” gây ra.

Đây dù chưa phải là kết quả vẫn mong đợi nhưng theo đánh giá của Cơ quan CSGT tình hình TTATGT chuyển biến tích cực là do công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; cùng với đó là sự vào cuộc thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm của lực lượng chức năng suốt trong thời gian dài, không có gián đoạn. Lực lượng CSGT đã có những cách làm hay, biện pháp mới trong kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, lái xe chạy quá tốc độ cho phép, chở hàng hóa quá tải trọng, vi phạm “cơi nới” thành thùng xe… là những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Thể hiện rõ nét nhất trong thực hiện chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” là việc Giám đốc CATP đã nâng cấp độ cao hơn so với các đợt thực hiện trước đó, thông qua huy động các lực lượng cảnh sát khác, Công an cơ sở và trang thiết bị phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp với lực lượng CSGT thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lái xe sử dụng ma túy. Cùng với đó, lực lượng CSGT rà soát hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và tổng hợp lưu trữ làm cơ sở để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng.

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, Giám đốc Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông xây dựng kế hoạch kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe ô tô chở khách ngay tại các bến xe khách trên địa bàn thành phố kể từ thời điểm Chính phủ cho phép thực hiện phòng chống bệnh dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NĐ-CP.

 Hiện việc sử dụng rượu bia là một phong tục, tập quán  uống bia, rượu rất phổ biến, ăn sâu vào tiềm thức, diễn ra trong tất cả các bữa ăn hoặc liên hoan, gặp gỡ, cưới hỏi. Phần đông người dân biết rõ tác hại của việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng vẫn vi phạm vì chủ quan cho rằng vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái. 

Thực tiễn công tác kiểm soát TTATGT cho thấy có rất nhiều vụ TNGT có nguyên nhân xuất phát từ việc người điều khiển xe trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Việc tập trung xử lý đối với các hành vi này là hết sức cần thiết, có tác động mạnh mẽ và làm chuyển biến tích cực ý thức của người tham gia giao thông.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông