Gian lận vặt – văn hóa buồn trong kinh doanh (Kỳ 2-Khuyến mại ảo thời hiện đại)

21:16 14/03/2019

Ngỡ rằng thời gian khăn khó đã đi qua, trong thời đại văn minh những chuyện gian dối trong buôn bán làm ăn sẽ bị loại bỏ, chẳng bao giờ còn chỗ đứng, vậy nhưng không phải thế.

Hàng giả bị cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy

Trong lúc mảng kinh doanh truyền thống còn sa đà vào các phương thức bảo thủ, điển hình là nói thách giá trên trời, cân gian bán điêu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, thật giả lẫn lộn, chế độ hậu mãi kém… như đã đề cập ở kỳ trước, thì mô hình trung tâm thương mại hiện đại chính là nơi để người tiêu dùng đặt niềm tin. Nhờ vậy những năm gần đây, Hải Phòng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn, từ  bách hóa như BigC, Metro (nay là MM Mega Market), Co-op Mart, VinMart… đến chuyên doanh như Samnec, CPN, Hoàng Phát, VP, thegioididong.vn, MediaMart, HC, Trần Anh và mới nhất là Nguyễn Kim.

Có thể khẳng định, sự ra đời của mô hình trung tâm thương mại đã làm thay đổi bộ mặt thị trường, góp phần để người tiêu dùng tiếp cận ngày càng tốt hơn sự phát triển chung của thế giới. Cũng nhờ mô hình này, cán cân thương mại thành phố đã thay đổi, tạo môi trường cạnh tranh để khu vực kinh doanh truyền thống buộc phải cải cách. Điều quan trọng là người tiêu dùng được nâng cấp thành “thượng đế” thực sự, có nhiều hơn sự lựa chọn với vai trò là chủ nhân mua sắm. Nhưng qua thời gian, khoảng cách giữa mô hình này với chợ truyền thống cũng đang bị thu hẹp, việc tiêu thụ có lúc bão hòa, tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật cũng khiến nhiều sản phẩm nhanh chóng bị “lão hóa”. Đây là nguyên nhân khiến các dạng hình khuyến mại bùng nổ, nhưng đôi khi có động cơ lệch hướng.

Trong chiến lược Maketing, quảng bá là hình thức không thể thiếu nhằm tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên thời gian gần đây, xu hướng quảng bá “ảo”, có ý thức đánh lừa tâm lý người tiêu dùng đang hiện hữu ngày càng rõ nét, mà chỉ các trung tâm thương mại mới có nhiều điều kiện thực hiện. Ông Lê Văn D. ở đường Hàng Kênh kể, khi một siêu thị trên đường Lê Hồng Phong quảng cáo giảm giá 45% cho máy giặt, ông vội đến mua thì được nhân viên trả lời:  “Chỗ cháu chưa bao giờ có loại ấy…”. Ông D. chìa tờ quảng cáo ra, lại nhận được câu: “Đấy là tờ rơi của cả hệ thống chú ạ”, ông bèn đi dạo một vòng, mới thấy những mặt hàng được rao khuyến mại “khủng” thì hoặc đã “hết”, hoặc là hàng lỗi.

Còn chị H. ở đường Lạch Tray thì tâm sự, vì là chủ hiệu tạp hóa nên mỗi lần đi siêu thị, chị hay để ý giá bán của những mặt hàng chị đang kinh doanh. Điều lạ là lúc nào cũng thấy khuyến mại theo kiểu “giá cũ - giá mới”, trong đó phần ghi giá cũ đa phần là ảo, chị khẳng định chưa bao giờ được áp dụng, nhưng khiến người tiêu dùng ngộ tưởng là đang được mua hàng rẻ thật. Chị H. nói: “Khi hãng sản xuất có khuyến mại, đại lý chúng tôi cũng được hưởng, khuyến mại hay không tôi biết, cạnh tranh kiểu này là không lành mạnh”.

(Ảnh minh họa)

          Chung hoàn cảnh trên, chị N. ở ngõ Nam Pháp (Ngô Quyền) kể, vì là công nhân nên điều kiện thời gian và thu nhập hạn hẹp, gia đình chị thường xuyên sử dụng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, rẻ hơn so với hàng tươi sống. Mới đây khi vào một siêu thị, chị hí hửng vì thấy niêm yết giá “đùi tỏi gà” nhập khẩu chỉ có 35 nghìn/kg, nhưng khi thanh toán xong chị mới phát hiện cao hơn niêm yết gần 7 nghìn đồng/kg. Thắc mắc với nhân viên siêu thị, chị nhận được một lời “xin lỗi” do nhân viên sơ ý “in nhầm”, chị N. đem hóa đơn quay lại quầy hàng, hóa ra không chỉ đùi tỏi gà bị “in nhầm”, mà cả chân, cánh gà cũng bị như vậy, nhưng vì thiệt hại không nhiều nên chị cũng bỏ qua. Thêm nữa, một số siêu thị còn có biểu hiện trà trộn hàng tiêu chuẩn bán lẫn với hàng tồn kho, nếu khách hàng chót mua phải loại này, không những giá vẫn ngất ngưởng mà còn bị mất cả cơ chế bảo hành, vì là hàng “thanh lý”.

          Vẫn biết là trong điều kiện khó khăn, việc các siêu thị áp dụng nhiều phương thức khuyến mại để tăng  tiêu thụ là điều dễ hiểu, hơn nữa có thể những hành vi nêu trên cũng chưa thực sự gây thiệt hại lớn cho khách hàng. Nhưng rõ ràng sự thiếu minh bạch sẽ đem lại tâm lý khó chịu, hơn nữa vi phạm quy định của pháp luật về thương mại. Tại khoản 1 điều 4 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thương mại ghi rõ: “Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.”. Khoản 5 điều này thêm chi tiết: “Không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mại nhằm phục vụ cho mục đích riêng của bất kỳ thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân nào.”.

Điều đáng nói là, nhìn từ góc độ quản lý thì hiện có không ít cơ quan chuyên ngành đang đảm nhận chức năng làm “trong sạch thị trường”. Có thể kể là Cục quản lý thị trường Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng… Tuy nhiên, thực trạng những câu chuyện buồn về gian lận vặt trong thương mại vẫn chưa có hồi kết. Rất có thể do thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên hàng hóa vi phạm cũng xuất hiện nhiều chủng loại. Đồng thời hàng hóa vi phạm cũng ngày càng được sản xuất với công nghệ cao, không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà còn qua mặt cả các cơ quan chức năng với thủ đoạn tinh vi.

Nhưng thiết nghĩ, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cũng cần được nâng cao hơn, cần hơn tính thực chất và tránh bệnh hình thức. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần làm trong sạch giá trị đạo đức, xem ra đã đến lúc các cơ quan quản lý nên có động thái kiên quyết đối với gian lận vặt. Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những kiến thức mới, đề cao hơn vai trò làm chủ thị trường.

(Còn nữa)

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông