Năm nào cũng vậy, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân tăng cao, các gia đình tất bật bắt tay vào công việc tổng vệ sinh nhà cửa để chào đón năm mới nên lượng rác thải trong những ngày này cũng tăng đột biến. Do đó, những ngày Tết, tập thể công nhân môi trường đều phải tăng ca và giờ làm. Ngay cả trong giờ phút chuẩn bị đón giao thừa thiêng liêng, khi mọi người dân đang quây quần bên gia đình, thắp hương khấn vái tổ tiên, chào đón năm mới thì những người công nhân môi trường vẫn cần mẫn đưa từng nhát chổi trên đường phố, để sớm mai một mùa xuân mới sẽ đem no ấm và hạnh phúc đến muôn nhà…
| Công nhân cần mẫn làm việc |
Sẵn sàng đảm bảo môi trường dịp Tết
Do lượng rác thải những ngày giáp Tết sẽ tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường, để phục vụ Tết cổ truyền Giáp Ngọ, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị đã lên kế hoạch rất chi tiết. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó giám đốc công ty cho biết: “Đến thời điểm này, công ty đã đang phối hợp với các quận giải quyết các điểm nóng tồn đọng về rác thải sinh hoạt, đặc biệt là vôi thầu, gạch vỡ. Các xí nghiệp thu gom, xử lý rác thải đã chủ động làm việc với quận, phường nhằm nắm chương trình tổng vệ sinh của địa phương để có biện pháp thu gom, xử lý dứt điểm giải quyết triệt để các vấn đề về rác thải, đảm bảo đường phố sạch sẽ, khang trang đón xuân.
Cụ thể, công ty sẽ động viên 100% nhân viên, huy động tối đa mọi phương tiện tham gia dọn vệ sinh trên tất cả các tuyến phố do công ty đảm nhiệm và các điểm tập kết rác trên địa bàn thành phố; bố trí, phân công bảo đảm ca trực thu dọn, vận chuyển và kịp thời xử lý hết khối lượng rác phát sinh hàng ngày; sẵn sàng lực lượng và phương tiện huy động tham gia khắc phục các sự cố gây mất vệ sinh môi trường. Trong những ngày giáp Tết, các khu chợ nội thành trở thành điểm nóng về rác thải. Bởi vậy, công ty sẽ phân công các xí nghiệp thành lập các tổ thu gom riêng đối với khu vực này. Bên cạnh đó, tại các khu dân cư đông đúc, lượng rác sẽ dồn ứ và tăng nhanh nên chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cho các tổ thu gom, đảm bảo thu gom kịp thời, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị kéo dài…”.
Các đợt cao điểm dọn vệ sinh trước, trong và sau tết được công ty tập trung với phương châm khi nào hết rác mới nghỉ làm. Những ngày cao điểm này, trên đường phố lúc nào cũng có trên 700-800 công nhân làm việc. Năm nay, công ty đặt ra chỉ tiêu dọn sạch sẽ đường phố vào 3h30 sáng ngày mồng 1 Tết.
Đón giao thừa trên phố
Cả năm mới có được mấy ngày Tết nên dù ai đi xa cũng cố gắng thu xếp công việc để trở về sum họp bên mái ấm gia đình. Thế nhưng, do đặc thù công việc nên được đón giao thừa ở nhà là chuyện quá xa xỉ đối với những người công nhân môi trường. Năm nào cũng vậy, khi kim đồng hồ báo hiệu thời khắc giao thừa, sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà, người người cùng nhau nâng ly, chúc nhau những lời tốt đẹp, nhưng trên đường phố, những công nhân môi trường vẫn hối hả làm việc. Họ lặng lẽ trên các con đường, tuyến phố, dọn hết lượng rác thải để trả lại môi trường sạch, đẹp cho thành phố vào xuân.
Bước sang xuân mới, mọi người tỉnh dậy, nhìn phố phường như vừa được gột rửa, khoác chiếc áo mới sạch sẽ, tinh tươm hơn
Anh Lê Quang Đề, Giám đốc Xí nghiệp Hồng Bàng (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hải Phòng), là người đã gắn bó với công ty hơn 20 năm cho biết: Hiện xí nghiệp có 80 công nhân, đảm nhận thu gom rác thải trên địa bàn 5 phường trung tâm thành phố. Cứ đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, anh lại tất bật triển khai công việc cho công nhân trong xí nghiệp, đảm bảo thu gom rác theo kế hoạch đề ra.
Anh nói rằng: “Rác quá tải nhất là vào 3 ngày cuối năm nên công nhân phải tăng cường độ làm việc gấp 2 lần so với ngày thường. Việc công nhân đón giao thừa trên đường phố là chuyện thường. Giờ khắc giao thừa trên đường, những tiếng cười nói rôm rả, rồi mọi người chúc tụng nhau vài câu cho may mắn, sau đó ai nấy đều trở lại công việc để đạt tiến độ và thời gian đề ra. Vậy nên, thời điểm giao thừa cũng là lúc bận nhất trong năm của công nhân. Tuy công việc vất vả là vậy nhưng tất cả đều có tinh thần làm việc hăng say, biết hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi tích tập thể lên trên...”.
Miệt mài đưa những nhát chổi trên đường, chị Phạm Thị Bích Hường, sinh 1970, ở phường Dư Hàng, Lê Chân, công nhân Xí nghiệp Hồng Bàng, làm nghề đã tròn 20 thì cũng ngần ấy năm chị đón giao thừa ngoài đường phố. Mặc dù không ở nhà cùng gia đình đón giây phút quan trọng nhất của năm nhưng chị Hường đã chuẩn bị mâm cỗ cúng trời đất, tổ tiên từ chiều 30, rồi “bàn giao” cho chồng con thắp hương. Đêm 30 tết năm nào chị Hường cũng phải làm việc ngoài đường và thường kết thúc việc thu gom rác vào lúc 3h sáng mồng 1 Tết. Thu dọn đồ nghề xong, chị trở về nhà lúc trời đã gần sáng. Chỉ kịp ngả lưng cho đỡ mỏi, chị lại tất bật lao vào lo cho bữa cơm sum họp gia đình đầu năm mới.
Tâm sự về công việc, chị Hường bộc bạch: “Những ngày giáp Tết, hầu hết anh chị em công nhân phải tăng ca, từ 1 ca lên 1,5 đến 2 ca/ngày. Vai trò của phụ nữ là tề gia nội trợ, đặc biệt là trong những ngày Tết. Để lo cho chồng con đón một cái Tết tươm tất, chị em trong xí nghiệp ai cũng lên kế hoạch từ trước Tết gần nửa tháng. Chị em đều nhận được sự chia sẻ của những người thân trong gia đình nên cũng yên tâm công tác”. Rồi chị cười và bảo: “Nếu công nhân môi trường ai cũng muốn được nghỉ để đón giao thừa thì có lẽ phố phường sẽ ngập trong “biển rác”.
Chị Phạm Thị Hòa, ở phường Vĩnh Niệm, Lê Chân, là công nhân Xí nghiệp Hồng Bàng, cũng đã 20 năm đón giao thừa trên đường phố. Cũng như bao công nhân khác, chị đón giao thừa bằng cái lạnh đến thấu xương. Vất vả là vậy nhưng chị không khi nào phàn nàn về công việc của mình. Chị chấp nhận nó như một điều tất yếu của cuộc sống. Lật chiếc khẩu trang cũ kỹ, chị Hòa chia sẻ: “Thôi thì công việc nó thế, chị em chúng tôi ai cũng vui vẻ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phút giao thừa trôi qua nhanh, anh chị em chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, rồi ai nấy lại bắt tay vào công việc, để lát nữa ra liên hoan cũng mọi người trong tổ cũng là vui lắm rồi…”.
Những giọt mồ hôi của những người công nhân ướt đẫm đổ xuống trong đêm giao thừa, để bước sang xuân mới, mọi người tỉnh dậy, nhìn phố phường như vừa được gột rửa, khoác chiếc áo mới sạch sẽ, tinh tươm hơn. Chúng tôi thầm nghĩ, nếu mọi người dân đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thì công việc của các chị lao công cũng sẽ đỡ vất vả hơn phần nào.
Hồng Hải |