Giảm áp lực khi xăng dầu, gas tăng giá

15:48 07/10/2019

Như tin đã đưa, vào ngày 1-10 vừa quá giá xăng dầu và gas trong nước có đợt điều chỉnh theo hướng tăng. Mặc dù mức tăng chưa phải là lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới đang biến động mạnh, giá xăng dầu-gas đang tạo áp lực không nhỏ đến các nhóm hàng hóa khác.

                                                                                

Diễn biến giá xăng dầu và gas trên thế giới đang gây áp lực cho thị trường trong nước.

          Bình tĩnh trước tác động

Theo nhiều ý kiến phân tích, cuộc tấn công vào các kho dự trữ dầu của Arab Saudi vào ngày 14-9 được coi là tác động mạnh mẽ nhất, khiến lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường thế giới giảm tới 5%.

Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang ở Trung Đông – nơi nắm quyền chi phối nguồn xăng dầu toàn cầu cũng đang là chất xúc tác, đẩy giá xăng dầu thế giới tăng cao trong thời gian qua. Tại thị trường Singapore, nơi cung ứng chính xăng dầu thành phẩm cho Việt Nam, giá xăng các loại tăng tới 14% so với chu kỳ trước.

          Trước tình hình này, ngành Công thương phối hợp với các bộ, ngành khác đã có những động thái cần thiết, và cam kết không tăng sốc giá xăng dầu, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sinh hoạt của người dân.

Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong đợt điều chỉnh 1-10, khi giá xăng dầu dù tăng ở mức khá cao nhưng chưa phải là “sốc” như những dự báo trước đó. Cụ thể xăng Ron 92 tăng 666 đồng/lít, xăng Ron 95 tăng 923 đồng/lít, dầu diesel tăng 438 đồng/lít, dầu hỏa tăng 424 đồng/lít và dầu mazut tăng 829 đồng/kg... Trong khi đó ở một diễn biến khác, cùng thời điểm giá gas có đợt tăng mạnh với mức bình quân 2.000 đồng/kg.

          Điều quan trọng là, dù ở cường độ nào thì việc giá xăng dầu –gas tăng đều mang đến những dấu hiệu không tốt, trong thời điểm nhạy cảm. Có quan điểm cho rằng, diễn biến của giá xăng và gas như trên đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, nhất là trong lúc các khu vực đầu mối đang tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Trong đó xăng dầu tăng sẽ kích hoạt chi phí vận chuyển tăng theo, bởi trong cấu thành giá sản phẩm đến khâu lưu thông thì chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ rất lớn. Cùng với đó, giá gas tăng cũng ảnh hưởng tới cơ cấu sinh hoạt của mỗi gia đình, làm giảm nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa khác, đồng thời làm đội giá dịch vụ ăn uống tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn…

Tuy nhiên nhìn tổng thể, so sánh giá hiện nay của xăng và gas với những năm trước. Ví dụ cách đây 5 năm, xăng từng giữ giá gần 25 nghìn đồng/lít trong thời gian dài, còn gas thời điểm cao nhất năm 2014 là 520 nghìn đồng/bình 12kg, cao hơn nhiều so với hiện nay.

Chưa kể riêng giá xăng các trong hai tháng qua đã có tới 4 đợt giảm với tổng mức giảm 1.057 đồng/lít, tương tự giá gas cũng có nhiều lần giảm. Mặt khác, việc điều chỉnh đều được thực hiện đúng lộ trình, nên tác động của việc tăng giá nhóm hàng hóa này không còn nặng nề như trước kia nữa.   

Cần chủ động các giải pháp bình ổn

Những năm gần đây, bên cạnh vị thế là đầu mối của khu vực duyên hải Bắc bộ, Hải Phòng có sự phát triển đột phá về hạ tầng thương mại và giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ thương mại nội địa.

Tính trong 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành đạt khoảng 97.329,87 tỷ đồng, tăng 14,80%, trong đó tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 75.870,93 tỷ đồng, tăng 14,94% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn lại thị trường tết những năm qua, hệ thống các trung tâm thương mại, nhất là các siêu thị bách hóa như BigC, MM Mega Market, Co-opMart… giữ vai trò khá tốt trong tích trữ và phân phối hàng hóa.

Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị trên địa bàn thành phố đều hoạt động theo chuỗi toàn quốc, nên các giải pháp kích cầu tiêu dùng của Hải Phòng khó tác động vào hoạt động của họ. Chưa kể, hầu hết các siêu thị bách hóa hiện nay đều vắng bóng sản phẩm mang thương hiệu Hải Phòng, vì vậy vai trò quản lý nhà nước mang tính tập trung đầu mối từ sản xuất đến lưu thông bộc lộ không ít bất cập.

Hơn nữa, năm 2019 thành phố rất thiếu những sự kiện thương mại lớn, ngoại trừ một số hội chợ dạng nhỏ lẻ, các hoạt động đưa hàng về nông thôn, hải đảo với quy mô nhỏ.

Trở lại với việc tăng giá xăng dầu và gas thời gian qua, yếu tố tâm lý là thủ phạm gây tác động vào thị trường hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Các ý kiến tham khảo đều cho rằng, cứ khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, là không ít đơn vị vận tải lại mượn cớ đòi tăng giá cước, tạo áp lực vào giá thành sản phẩm hàng hóa.

Như đã nói, nếu không có các giải pháp tích cực, xuất phát từ thực tiễn thị trường thành phố, thì nỗi lo tiềm ẩn về bất ổn thị trường cuối năm không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ quý 4 là thời điểm rất nhạy cảm, khi mà các nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng… mang tính thiết yếu cho dịp tết đã được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt và tích trữ. 

Chính vì thế các hoạt động kích cầu tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng để giải tỏa điều này. Cùng với việc tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, thì động thái chuẩn bị đối phó với các kịch bản thị trường cũng cần phải được dự trù. Người tiêu dùng thành phố đang chờ đợi sự chủ động của các ngành liên quan, mà chủ đạo là Sở Công thương và Cục quản lý thị trường.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích