15:20 30/10/2024 UBND tỉnh Hải Dương vừa quyết định thu hồi, chấm dự một số dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định và gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn. Việc xử lý các dự án chậm tiến độ này được tiến hành công tâm, minh bạch, trên cơ sở xem xét khả năng thực tế của từng doanh nghiệp, dự án, được dư luận đồng tình ủng hộ…
Dự án chợ đô thị phía đông TP Hải Dương của Công ty TNHH Việt Đức từng được kỳ vọng tạo ra điểm nhấn về dịch vụ, thương mại cho thành phố. Nhưng gần 20 năm qua, dự án vẫn bỏ ngỏ, thậm chí một phần diện tích thực hiện dự án được cho thuê lại, sử dụng không đúng mục đích gây dư luận bức xúc.
Theo hồ sơ, dự án chợ đô thị phía đông TP Hải Dương được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007, điều chỉnh lại vào năm 2016. Mục tiêu của dự án là xây dựng chợ dân sinh quy mô loại II trên diện tích hơn 7.000 m2 với tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng. Dự án phải hoàn thành và đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2016. Đến năm 2017, chủ đầu tư lại xin điều chỉnh, bổ sung mục tiêu xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại và căn hộ. Sau khi rà soát, cơ quan chuyên môn kết luận mục tiêu này không phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch liên quan. Đến tháng 9/2024, UBND tỉnh kiên quyết chấm dứt hoạt động.
Tương tự, một dự án khác chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí đất đai là Dự án Đầu tư xây dựng cảng nội địa Hải Dương của Công ty CP Giao nhận kho vận Hải Dương (TP Hải Dương) cũng vừa bị UBND tỉnh thống nhất chấm dứt hoạt động. Dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005. Qua 2 lần điều chỉnh vào năm 2016 và năm 2019, dự án có tổng mức đầu tư gần 352 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao, đầu tư 6 nhà kho, 1 nhà điều hành và một số công trình phụ trợ trên diện tích gần 8,9 ha. Còn lại 6,4 ha dù đã được tỉnh tạo điều kiện, gia hạn tiến độ thực hiện nhiều lần nhưng doanh nghiệp không phối hợp giải phóng mặt bằng.
Dự án nằm ở vị trí cửa ngõ TP Hải Dương nên việc không khai thác hết quỹ đất không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng đất mà còn ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố đã chủ động liên hệ nhà đầu tư xử lý vướng mắc liên quan tới diện tích đất chưa sử dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không tích cực phối hợp. Vì vậy, việc chấm dứt một phần dự án thể hiện thái độ dứt khoát của tỉnh khi doanh nghiệp chậm trễ trong đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương Lê Anh Dũng cho biết, từ năm 2023 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm đúng quy định. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, cơ quan tham mưu đã đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp. Trong đó, từ tháng 5/2024, Sở đã quyết định thành lập 3 tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra 131 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Qua kiểm tra xác định 117 dự án cần phân loại để xử lý vi phạm. Căn cứ việc xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến dự án chậm tiến độ, Sở tham mưu UBND tỉnh giao sở chủ trì xử lý vi phạm về đầu tư đối với 34 dự án, từ đó kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động của dự án. Đồng thời xử lý 4 dự án có phần diện tích đất công đủ điều kiện tách thành dự án độc lập.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương chủ trì, hướng dẫn nhà đầu tư của 64 dự án thực hiện ký quỹ và thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, xử lý vi phạm về đất đai đối với 15 dự án. Trên cơ sở đó kiến nghị UBND tỉnh gia hạn sử dụng đất hoặc thu hồi theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, bên cạnh những dự án phải dứt khoát thu hồi, xử lý vi phạm về đầu tư, đất đai thì tỉnh cũng xem xét, tạo điều kiện cho các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Điển hình như Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Nội-Hải Dương của Công ty CP Đầu tư và Phát triển y tế Thành Đông được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021 với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự án sử dụng gần 13 ha đất dọc tuyến đường trục Bắc-Nam qua địa bàn xã Hồng Đức (Ninh Giang). Mục tiêu của dự án là đầu tư bệnh viện đa khoa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân với quy mô 500 giường bệnh. Thời gian hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong vòng 36 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quá thời gian, dự án vẫn chưa triển khai. Đây là một trong số những dự án nằm trong danh sách kiểm tra, rà soát vào đầu năm 2024.
Sau khi kiểm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá dự án chậm tiến độ chủ yếu do nguyên nhân khách quan và một phần là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhà đầu tư đã hoàn thành việc thoả thuận giải phóng mặt bằng với các hộ dân có diện tích đất trong phạm vi thực hiện dự án. Hiện tại chỉ còn vướng mắc liên quan đến diện tích đất công điền do địa phương quản lý. Ngoài ra, thời điểm triển khai dự án đúng giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, các ngành chức năng đã xem xét, đề xuất gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Theo đánh giá, Hải Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư. Thực tế chứng minh tỉnh được không ít doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và quyết định đầu tư. Tuy vậy, bên cạnh những dự án đầu tư hiệu quả thì vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Có dự án chậm tiến độ kéo dài, lãng phí nguồn lực đất đai, trở thành "điểm nóng" khiến dư luận bức xúc. Theo lãnh đạo UBND Hải Dương, hiện Tỉnh ủy- UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch, rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp xử lý nghiêm. Quan điểm của tỉnh là xử lý dứt điểm các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, các trường hợp cố ý chây ì.
THỦY NGUYÊN