Hải Phòng – Chuyện quanh “Những cái tên nghe chẳng thơ đâu…”

09:29 23/12/2022

Hải Phòng là vùng đất đậm chất “ăn sóng nói gió”. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đặc biệt là qua hơn một trăm năm hình thành và phát triển đô thị, nơi đây đã xuất hiện nhiều tên đường, tên ngõ mang đậm dấu ấn đặc trưng không lẫn với ở đâu khác. Và, quanh “những cái tên nghe chẳng thơ đâu…” ấy, có nhiều chuyện thật thú vị, xúc động không phải ai cũng biết…
Ngõ Gạo (ngõ 61 Lý Thường Kiệt) di tích lưu dấu truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng trong thời kỳ đầu thành lập và hoạt động
Phố Lý Thường Kiệt và phố Kỳ Đồng được gắn mã QR
Một góc đô thị Hải Phòng ngày nay văn minh, hiện đại

Những tên đường, ngõ phố riêng có

Chỉ dọc đường Lạch Tray thôi, chúng ta cũng đã có thể bắt gặp nhiều địa danh rất đỗi Hải Phòng, ví như ngõ Lý Phình, Lý Tiêm. Ngõ Lý Phình là con ngõ vốn mang tên một ông lý trưởng làng Hàng Kênh tên là Đặng Tước. Ông Lý Tước nhà ở trong ngõ này, có con cả tên là Phình nên người dân quen gọi là ngõ Lý Phình. Xưa, dân cư trong ngõ thưa thớt, phần lớn là nhà tranh vách đất, chỉ có một ngôi nhà xây của ông nên người ta quen gọi là ngõ Lý Phình. Ngõ này nay là ngõ 173 phố Hàng Kênh, trong có rất nhiều ngách và thông ra ngõ Lý Tiêm. Tương tự, ngõ Lý Tiêm là do trước kia nhà đầu ngõ là nhà của một lý trưởng tên là Tiêm. Nay con ngõ mang tên ngõ 46 phố Lạch Tray, giữa ngõ thông sang ngõ 173 Hàng Kênh. Nhiều người cứ nghĩ hai ông lý trưởng này có họ hàng, nhưng kỳ thực hai ông không có liên quan đến nhau, hoạ chăng nhà ở gần nhau.

Đi tiếp trên đường Lạch Tray, chắc hẳn ai cũng nghe đến hồ Quần Ngựa nhưng nhiều người không biết tại sao lại có tên gọi như vậy. Trước vốn là nơi cho ngựa uống nước và tắm, vào cuối thế kỉ XIX, người Pháp lập trường đua ngựa ở đây. Lối vào khán đài B của sân Lạch Tray ở phố Chu Văn An là phần còn lại của trường đua ngựa này. Gắn với trường đua ngựa là ngõ Tê-A. Ngõ này nay là phố Chu Văn An, thuộc địa phận phường Lê Lợi, trước thuộc xã An Biên cũ của khu Gia Viên. Ngõ có từ thời Pháp thuộc, khi mới mở được gọi là ngõ Tê-A (Ruelle Théard) do viên chủ Pháp chuyên mộ phu và cho thuê nhà ở tên là Ghê-ranh Tê-a (Guérin Théard) xây nhà để quản lý số phu tuyển được trước khi đưa đi Tân Thế Giới.

Ngoài đường Lạch Tray, đường Lê Lợi cũng có những tên ngõ rất Hải Phòng mà không nơi nào có. Ấy là ngõ Đồng Lùn nay là ngõ 239 phố Lê Lợi. Sở dĩ ngõ có tên Đồng Lùn là vì trong ngõ có một điện tư của cô Đồng Lùn rất nổi tiếng. Sau khi cô đồng mất, ngôi đền tàn tạ nhưng tên ngõ nay vẫn tồn tại. Hiện Đền Đồng Lùn đã được khôi phục lại và khá tấp nập.

Hải Phòng còn có một tên ngõ là ngõ Đặng Kim Nở nhưng lúc mới hình thành có tên là Đào Ký (hiện là ngõ 262 phố Hai Bà Trưng và 97 phố Nguyễn Đức Cảnh). Ngõ có tên gọi như vậy là do có một thầy ký họ Đào làm việc trong văn phòng công sở thời Pháp thuộc người có nhiều nhà cho thuê trong ngõ. Năm 1964 đến nay, ngõ đổi tên là ngõ Đặng Kim Nở, một chiến sĩ tự vệ nổi tiếng Hải Phòng đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Một con ngõ nghe tên rất mỹ miều nằm trên phố Lê Lai thông ra phố Đà Nẵng, đây trước kia vốn là lối vào rạp hát Lạc Xuân Đài. Xuân Đài là tên người chủ rạp hát này, đồng thời cũng là chủ rạp Văn Minh ca quán ở phố Hàng Kênh. Hiện nay ngõ đã đông dân cư hơn, ngõ cũng nhiều ngách hơn nhưng cái tên Lạc Xuân Đài vẫn có người gọi.

 LOại có một con ngõ là Di tích lịch sử Cách mạng của Hải Phòng mà không phải ai cũng biết. Đấy là ngõ Gạo nằm trên phố Lý Thường Kiệt (nay là ngõ 61) nguyên là một trạm giao thông liên lạc Quốc tế của Đảng trong đầu những năm 20 của thế kỷ trước, là nơi đầu tiên được nhận những cuốn “Đường kách mệnh” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết từ nước ngoài gửi về. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ), sau này là Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam là người đảm nhận việc chuyển sách này về Việt Nam. Cuốn  “Đường kách mệnh” do Bác Hồ viết ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1925 và Tổng bộ Thanh niên đã bí mật ấn hành để làm tài liệu huấn luyện chính trị cho cán bộ, Đảng viên lúc bấy giờ. Mùa thu năm 1927, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bí mật đem một số cuốn “Đường kách mệnh” qua đường biển bằng tàu “Song bô” từ Quảng Châu về Hải Phòng. Lúc đó, ông để số sách này tại nhà 14 ngõ Gạo, sau phân phát đi các nơi góp phần rất lớn vào quá trình vận động thành lập Đảng cộng sản Đông Dương 3/2/1930. Ngày 12-12-1986, nhà số 14 ngõ Gạo (nay là nhà 14 ngõ 61 Phố Lý Thường Kiệt) đã được Bộ Văn hóa ra quyết định số 535 VH/QĐ công nhận là Di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng.

          Đường phố Hải Phòng thời 4.0

 Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những tên đường, tên ngõ nghe “chẳng thơ đâu ấy” đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành niềm tự hào của mỗi người Hải Phòng. Sau những biến cố lịch sử và sự phát triển của đô thị hóa, Hải Phòng ngày nay đã và đang dần chuyển mình trở nên hiện đại hơn, hình hài các con ngõ, con phố cũng đang thay đổi diện mạo nhưng kí ức và những cái tên đậm chất Hải Phòng vẫn mãi còn đó.

 Vừa qua, thực hiện công tác chuyển đổi số, UBND thành phố có kế hoạch triển khai gắn mã QR lên biển đề tên đường phố, lên các công trình công cộng. Theo kế hoạch, thành phố đã và đang mã hóa, dán, gắn mã QR tại 450 tuyến đường, phố, công trình công cộng với khoảng 2.800 biển tại 14/15 quận, huyện trên địa bàn. Việc gắn mã QR được thực hiện theo từng đợt, chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 triển khai trong năm 2022, hoàn thành trước ngày 25/10/2022, thực hiện sưu tập, biên soạn thông tin về tiểu sử Danh nhân hoặc nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa tên đặt cho 450 tuyến đường, phố, công trình công cộng và chuyển thông tin sang mã QR, triển khai và dán mã QR. Giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2023-2025, tiếp tục triển khai cập nhật, bổ sung các thông tin tại mã QR về các tuyến đường, phố, công trình công cộng trên và các công trình được thành phố đặt tên trong thời gian tới.

Việc đặt mã QR trên các tuyến phố là minh chứng khẳng định Hải Phòng đang dần phát triển hiện đại hơn, tiên tiến và đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn cũng như khách du lịch. Nhưng bên cạnh đặt tên những tuyến phố thì những cái tên ngõ mang đậm dấu ấn của Hải Phòng cũng cần được lưu giữ và phát triển bởi chúng là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử thành phố Hải Phòng. Những tên đường, tên ngõ ấy mãi mãi là những “nhân chứng” cho một thời thăng trầm, lớn lên và sống cùng người dân nơi đây, đi sâu vào tiềm thức mỗi người.

Trong thời gian tới, người dân Hải Phòng rất mong có thêm thêm nhiều đường ngõ của Hải Phòng được gắn QR, nhất là những con ngõ, con phố mang những cái tên đặc trưng  mà chỉ ở Hải Phòng mới có. Hiện nay, mã QR đã được triển khai. Tuy nhiên, thông tin về các tuyến phố vẫn còn khá sơ sài, chưa nêu ra được những tên gọi đó tại sao gắn liền với Hải Phòng cũng như nguồn gốc, giá trị của tên gọi đó, cũng như cần có hình thức quảng bá thêm những món ăn ngon, những địa điểm vui chơi trên tuyến phố đó để khách du lịch cũng như người dân khám phá và hiểu hơn về Hải Phòng.

Lan Chinh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông