12:59 30/04/2020 Mặc dù dịch bệnh Covid – 19 khởi phát từ đầu năm nhưng nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch nên 4 tháng qua, Hải Phòng không chỉ là địa phương giữ được “an toàn” cho địa bàn với việc không xuất hiện ca dương tính mà kinh tế xã hội vẫn giữ được đà tăng trưởng và được đánh giá là một trong những điểm sáng của nền kinh tế cả nước.
Đảm bảo đồng thời “nhiệm vụ” kép
Bắt đầu từ thông tin về căn bệnh tại Trung Quốc cuối năm 2019 và ca dương tính đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam ngày 23-1-2020, ngay lập tức Hải Phòng đã chủ động triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch. Bởi Hải Phòng là địa phương có nguy cơ cao dịch bệnh xâm lấn do là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Bắc, cửa ngõ giao thương của đủ loại hình giao thông; có nhiều kiều bào, du học sinh, nhiều chuyên gia, công nhân người nước ngoài sinh sống tại vùng có dịch...
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 3 Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh; thông qua chủ trương để HĐND TP triệu tập kỳ họp thứ 13 (bất thường) ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid – 19, ổn định tình hình kinh tế - xã hội thành phố; bố trí ngân sách 1.000 tỷ đồng bảo đảm phục vụ các nhiệm vụ phòng chống dịch theo các giai đoạn, kể cả trong trường hợp dịch bệnh xâm nhập và lan rộng.
Hải Phòng chủ động quyết liệt triển khai công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu nên đã đạt được những kết quả rất tích cực
Hải Phòng là địa phương đầu tiên thành lập các tổ, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh từ thành phố cho đến các thôn, tổ dân phố. Từ ngày 1-3, thành phố thực hiện nghiêm việc tìm tất cả người từ nước ngoài về thành phố để đưa đi cách ly tập trung. Đồng thời chủ động bố trí 8 điểm cách ly tập trung được trang bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, lắp đặt wifi, cung cấp nhu yếu phẩm, phục vụ ăn uống miễn phí cho người cách ly, triển khai mua sắm 15 gói trang thiết bị y tế với tổng giá trị trên 167 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận là bên cạnh việc chủ động quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Hải Phòng vẫn song hành nhiệm vụ kép khi giữ được đà tăng trưởng về kinh tế. Trong khi nền kinh tế trong nước và trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì Hải Phòng chỉ bị ảnh hưởng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch (trong tháng 3, 4). Một số chỉ tiêu suy giảm như số lượng khách du lịch, dịch vụ lưu trú, sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Tuy nhiên về cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế xã hội vẫn bám sát chỉ tiêu kế hoạch năm đã được Thành ủy, HĐND TP đề ra.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP trong quý I tăng 14,9%; gấp 3,9 lần so với bình quân chung cả nước (3,82%), thấp hơn so với quý I năm 2019 (15,05%) nhưng là địa phương có mức tăng trưởng cao so với một số địa phương khác như Hà Nội tăng 3,42%, TP Hồ Chí Minh tăng 0,42%, Quảng Ninh tăng 7,1%...
Những lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như công nghiệp - xây dựng tăng 23,97% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng (21,45%) của quý I/2019 (21,45%), trong đó riêng ngành công nghiệp tăng 24,92%. Khu vực dịch vụ tăng 6,65% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của quý I/2019 (10,24%). Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đều có mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành bán buôn, bán lẻ tăng 8,51%; dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 6,83%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP quý I tăng 22,77% so với cùng kỳ năm 2019; 4 tháng đầu năm ước tăng 16,18% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2019 (23,01%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 30.662,9 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 4.051,1 triệu USD, tăng 15,62% so với cùng kỳ, mới đạt 21,41% kế hoạch năm.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng quý I đạt 24,62 triệu tấn; 4 tháng đầu năm đạt 35,22 triệu tấn, tăng 1,35% so với cùng kỳ, mới đạt 22,97% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm ước đạt 25.927,56 tỷ đồng. Số lượng khách du lịch 4 tháng đầu năm ước đạt 1,57 triệu lượt. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 236,14 triệu USD.
Không lơ là chủ quan, tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội
Tại cuộc họp Thành ủy lần thứ 24 thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung phân tích, đánh giá các kết quả đạt được cũng như xây dựng các kịch bản ứng phó thích hợp trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Hội nghị đã nhận định, với những kết quả tích cực đã đạt được trong 4 tháng đầu năm, dự báo dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục được kiểm soát tốt thì trong tháng 5 và 6 kinh tế - xã hội thành phố tuy vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 nhưng không lớn, các tháng còn lại sẽ lấy được lại đà tăng trưởng. Dự báo cả năm sẽ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch.
Hải Phòng đang đồng thời triển khai nhiệm vụ kép, vừa tích cực chống dịch, vừa tận dụng thời cơ phát triển kinh tế
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nhấn mạnh: Mặc dù thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ngay từ đầu và đạt được những kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm nhưng không được phép chủ quan, lơ là vì nguy cơ vẫn còn cao. Đến thời điểm này, trên cơ sở mục tiêu đề ra cho cả năm và tình hình thực tiễn, thành phố cần phải vừa phòng chống dịch bệnh thật tốt, vừa tận dụng thời cơ tập trung để phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Hải Phòng là địa phương có môi trường đầu tư cực kỳ thuận lợi với nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội và triển khai các dự án lớn. Đây chính là cơ hội để chúng ta bứt phá, tăng tốc bù vào thời gian chùng lại trong phát triển kinh tế và ảnh hưởng của dịch bệnh đã qua.
Để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020, cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân... để đẩy mạnh thu hút đầu tư toàn xã hội. Các sở ngành, địa phương cần rà soát, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, quyết liệt triển khai ngay trong đầu tháng 5 này.
Bên cạnh đó cần triển khai các đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị cho việc khánh thành các công trình lớn, trang hoàng khánh tiết các cửa ô, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng...
Để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp, chi phí, nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện với ngân sách nhà nước khi Chính phủ ban hành nghị quyết.
Thành phố miễn giảm một số loại phí như: phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng; các loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; lệ phí đăng ký kinh doanh, Lệ phí cấp phép xây dựng... Đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đang xuất khẩu; chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với các doanh nghiệp...
Bên cạnh đó thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư toàn xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thu ngân sách theo dự toán; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội...
Ngọc Oanh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão