Hải Phòng 300 ngày lịch sử (Kỳ 1): Gấp rút cho ngày giải phóng

08:03 06/05/2020

Vào những ngày này 65 năm trước, trong không khí khẩn trương và không kém phần căng thẳng, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Hải Phòng – Kiến An (dưới đây gọi chung là Hải Phòng – PV) thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng, chuẩn bị tiếp quản giải phóng thành phố. Ngày 13-5-1955 đã đi vào lịch sử dân tộc, chứng kiến sự kiện Hải Phòng cũng như cả miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, chấm dứt gần một trăm năm đô hộ của người Pháp.

Bộ đội ta tiếp quản LCB JUDO từ tay lính Pháp (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 đã tạo những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Geneve. Ngày 20-7-1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, quân Pháp ở phía Nam giới tuyến. Với vị trí chiến lược đặc biệt, có hệ thống cảng biển, các sân bay Cát Bi, Kiến An và Đồ Sơn, Hải Phòng được lựa chọn là nơi tập kết 300 ngày, trước khi quân Pháp và tay sai rút về phía Nam.

Trong thời gian này, các cơ quan dân sự, quân sự, chính trị, quân đội, các đảng phái và tổ chức tay sai của Pháp đến chủ nhà băng, nhà máy, nhà buôn, lũ lượt dồn về Hải Phòng chờ ngày xuống tàu. Lực lượng quân sự của địch trên địa bàn Hải Phòng có nhiều thay đổi, chúng rút quân từ các vị trí lẻ về tăng cường các trọng điểm bảo vệ Hải Phòng.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Hải Phòng đã chuyển sang giai đoạn mới. Trước đây Pháp tăng cường cố thủ Hải Phòng, ta tìm mọi cách phá, nay chúng ra sức phá hoại, ta kiên quyết giữ. 300 ngày đóng quân cuối cùng của thực dân Pháp ở cũng là 300 ngày đấu tranh gay go quyết liệt nhưng vô cùng sôi động của nhân dân thành phố, đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve và bảo vệ thành quả cách mạng.

Ủy ban Quốc tế giám sát việc thực thi Hiệp định Geneve tại Hải Phòng (Ảnh tư liệu)

Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của nhân dân thành phố lúc này là: Chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, chống cưỡng ép di cư, chống di chuyển phá hoại tài sản, chống bắt lính và vận động binh sĩ ngụy trở về gia đình quê hương…

Để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ trên, Đảng bộ Hải Phòng gấp rút xây dựng phát triển cơ sở, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tăng cường nhiều cán bộ chỉ đạo nội thành. Ngành quân sự xúc tiến củng cố Ban chỉ huy Thành đội, Tỉnh đội và các ban chuyên môn, hướng dẫn xây dựng đội tự vệ khu phố, xí nghiệp, kiện toàn các đội dân quân du kích huyện ngoại thành.

Khó khăn lớn nhất là thực hiện nhiệm vụ mới trong điều kiện đội ngũ cán bộ, tổ chức cơ sở còn rất thiếu và yếu do bị địch khủng bố ác liệt những năm trước. Khắc phục nhược điểm đó, những lớp huấn luyện ngắn ngày về công tác tiếp quản được mở liên tiếp. gắn liền với thực tế của địa phương. Qua học tập, đội ngũ cán bộ hiểu rõ tình hình mới, nắm vững phương hướng, chủ trương chính sách mới của Đảng và Chính phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng thắng lợi Hội nghị Geneve đã mang đến niềm vui trong toàn dân, dù còn sống trong sự o ép của kẻ thù thêm 300 ngày, nhưng nhân dân ở khắp nơi vẫn náo nức chuẩn bị mọi mặt chờ ngày giải phóng. Các ngành, các đoàn thể có điều kiện thuận lợi phát triển cơ sở nhanh trong các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là trong các nhà máy công sở.

Với phương châm "Kiên trì, thận trọng, chủ động, linh hoạt, phổ biến kịp thời" cán bộ vừa xây dựng cơ sở vừa tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân lao động, công nhân, trí thức, tiểu tư sản, đồng bào công giáo và người Hoa… Truyền đơn, báo chí của Đảng được bí mật đưa vào nội thành. Báo Cứu quốc, Nhân dân, Quân đội, Lao động và tờ Tin Hải Phòng với số lượng lớn, nội dung phong phú, kịp thời đến với nhân dân.

Đồng thời, Đảng bộ Hải Phòng triển khai sâu rộng, mạnh mẽ công tác địch vận, vận động binh sĩ ngụy bỏ hàng ngũ trở về quê hương. Bằng nhiều hình thức phong phú thích hợp, chị em hội phụ nữ phát huy khả năng vốn có của mình, đến từng gia đình gặp binh sĩ trao đổi động viên, khơi gợi tình cảm gia đình, tình làng xóm quê hương.

Hằng ngày, từng đoàn người dẫn đầu là các mẹ các chị kéo lên đồn bốt gọi chồng con, anh em trở về, nhiều chị em dù không có người thân đi lính cũng gia nhập đoàn. Phong trào địch vận mở ra rầm rộ, sôi nổi và đạt nhiều thắng lợi lớn. Ở các địa phương, ngụy binh bỏ ngũ tập thể ngày càng đông, chỉ một tháng sau hội nghị Geneve, Hải Phòng đã có 3.481 binh sĩ và 23 đại đội ngụy bỏ ngũ.

Ở Thuỷ Nguyên cả đại đội quân dũng bỏ đơn vị, tiểu đoàn pháo Núi Đèo cũng tan vỡ, 100 lính thuộc các đồn Trịnh Xá, Kiền Bái đem súng trở về với nhân dân. Huyện đảo Cát Hải những ngày cuối năm 1954, nhân dân kéo lên đồn đòi chồng con làm tan rã đại đội lính địa phương. Binh sĩ thuộc tiểu đoàn 22 da đen, 120 lính Marốc ở Khinh Giao, 453 lính Âu-Phi ở Rế và Đồng Giới, tiểu đoàn 14 trại pháo thủ… đấu tranh với chỉ huy đòi hồi hương. Họ được về nước trước thời hạn. Ngoài ra còn nhiều lính chạy trốn sang vùng giải phóng.

Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông