08:10 07/05/2020 Ngày 5-4-1955, Thành uỷ triệu tập Hội nghị cán bộ toàn thành, nhằm quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy của Trung ương và bàn nhiệm vụ tiếp quản thành phố Hải Phòng. Hội nghị thảo luận kỹ mục tiêu của công tác tiếp quản: “ổn định lòng dân, ổn định trận tự, phục hồi nhanh chóng sinh hoạt bình thường của thành phố. Vùng ngoại thành chủ yếu ổn định trật tự an ninh, ngăn ngừa mọi hoạt động quấy rối phá hoại của tay sai địch".
Bộ đội ta tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955 (Ảnh tư liệu)
Cuối tháng 4-1955, Thành uỷ Hải Phòng tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ nhằm giúp cán bộ đảng viên nhận rõ tình hình nhiệm vụ cách mạng bước sang giai đoạn mới và nâng cao lập trường, tư tưởng đúng đắn trong mọi người.
Căn cứ vào danh sách các công sở, xí nghiệp, Thành uỷ bố trí đủ cán bộ vào nhận bàn giao. Nhiều anh em đã tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội cũng được Trung ương điều về tiếp quản Hải Phòng. Đội hành chính trật tự là người đại diện cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ra mắt trước quần chúng trong vùng tạm chiếm.
Những việc cần thiết trước mắt được hoàn tất gọn gàng, đối chiếu tài sản trên cơ sở tài liệu kiểm kê đã lập từ trước, ổn định tư tưởng nhân dân, cùng công nhân viên tại chỗ bảo quản giữ gìn tài sản, tài liệu.
Một khối lượng lớn hàng hoá cần thiết được chuẩn bị sẵn như gạo, chất đốt, tiền, đường… để phục vụ đời sống nhân dân ngay sau ngày tiếp thu thành phố. Hàng vạn tấn gạo, củi, than… từ các tỉnh, huyện bạn được vận chuyển về gần Hải Phòng. Nhân dân ven đô thành hăng hái chuẩn bị rau quả tươi chờ ngày giải phóng, góp phần ổn định thị trường.
Ngày 5-5-1955, hai đội hành chính - trật tự xuất phát từ Quỳnh Khê tiến vào nội thành và Tỉnh lỵ Kiến An. Nhân dân đứng chật hai bên hè phố hoan hô đoàn cán bộ hành chính và trật tự của Chính phủ xuất hiện công khai giữa thành phố sau 9 năm kháng chiến.
(Ảnh tư liệu)
Ở Hải Phòng, sau ngày đầu tiếp xúc giữa hai trưởng đoàn, những ngày tiếp theo thật sự là những ngày đấu tranh căng thẳng giữa ta và địch khi tiến hành kiểm kê bàn giao các công sở, xí nghiệp, cơ quan cảnh sát, trại giam…
Do công tác điều tra chuẩn bị tốt từ trước, được sự giúp đỡ nhiệt tình của công nhân, viên chức, ta đã nắm được những số liệu cần thiết, có đủ chứng cứ đấu tranh với địch. Chính đối phương cũng phải kinh ngạc khi thấy cán bộ Việt Nam đưa ra những tài liệu, hồ sơ thật chính xác của Cảng, Ty Công chính kiều lộ thành phố, Máy Đèn, Máy Điện, Máy Nước…
Trước thực tế không thể chối cãi, thực dân Pháp lại gây khó khăn trong khi bàn giao, hòng kéo dài thời gian, tìm mọi cách ngăn cản sự gặp gỡ, tiếp xúc giữa nhân dân với cán bộ và giữa cán bộ hành chính – trật tự với thành viên Uỷ ban quốc tế.
Ngày 8-5, các cán bộ hành chính kiên quyết phản đối thái độ trên của Pháp, đồng thời phản kháng lên Uỷ ban quốc tế. Nhân dân nội thành đã theo dõi và chứng kiến ngay từ đầu việc làm thực tế của những người đại diện chính quyền cách mạng. Họ thực sự tin tưởng và hết lòng giúp đỡ cán bộ làm nhiệm vụ, phát hiện nhiều tài liệu, tài sản địch cất giấu.
Theo đúng quy định của Hiệp định Geneve: Ngày 28-4 ta đã tiếp quản huyện An Dương; ngày 8-5 tiếp quản Hải An; ngày 10-5 tiếp quản tỉnh lỵ Kiến An; Ngày 13-5, tiếp quản thành phố Hải Phòng; ngày 14, 15-5 tiếp quản huyện Kiến Thụy và thị trấn Đồ Sơn; ngày 16-5 tiếp quản huyện đảo Cát Hải-Cát Bà, vị trí cuối cùng của thực dân Pháp ở miền Bắc Việt Nam.
Đêm 12-5, nhân dân Hải Phòng không ngủ, rạng sáng ngày 13-5-1955, đường phố đã chật kín người. Nhân dân nội thành xuống đường hoà cùng nhân dân ngoại thành đón mừng đội quân giải phóng tiến vào thành phố. Bộ đội tiến tới đâu, rừng cờ hoa nở ra tới đó. Nhà nhà mở tung cửa vẫn khép kín lâu nay.
Những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng (Ảnh tư liệu)
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ và những bộ quần áo đẹp, đón chào những người con thân yêu của mình, rạng rỡ trên gương mặt mỗi người là niềm vui vô tận mừng ngày giải phóng. Nhiều người sung sướng quá ùa vào giữa hàng quân, ôm chầm anh bộ đội, gửi gắm lòng tin yêu cảm phục vô bờ. Không ai để ý tới đội quân Pháp đang lầm lũi bước ra Cảng, xuống tầu. Lá cờ ba sắc bị kéo xuống, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân trên miền Bắc Việt Nam.
Chiều 13-5, người dân đất Cảng được chứng kiến cảnh tượng những tên lính Pháp xâm lược cuối cùng cuốn gói ra đi trên chiếc tàu đổ bộ. Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố Cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất Cảng, của dân tộc. Ngày 13-5-1955, mãi mãi khắc sâu vào trí nhớ người dân đất Cảng giờ phút vinh quang hào hùng của thành phố “Trung dũng-Quyết thăng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi ngày giải phóng Hải Phòng. Người xúc động viết: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân.
Hàng vạn đồng bào, già trẻ, gái trai, đủ các tầng lớp toả ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu đã kết quả vẻ vang. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Hải Phòng đã hoàn toàn giải phóng”.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024