Hải Phòng chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân

18:34 16/03/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch Codvid – 19 đang đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân toàn cầu, làm rối loạn nền kinh tế thế giới, vấn đề an ninh lương thực đã trở thành đề tài “nóng” được đưa ra bàn luận trên khắp các diễn đàn trong nước cũng như toàn thế giới. Vậy tại Hải Phòng, nguồn lương thực, thực phẩm có đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố trong mọi tình huống có thể phát sinh thời gian tới?! Xung quanh vấn đề này, Báo ANHP có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Văn Thép – Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố.

PV: Xin ông cho biết những nét chính về tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản của thành phố trong giai đoạn hiện nay?

Ông Phạm Văn Thép: Hiện toàn thành phố đã hoàn thành gieo cây 31 nghìn ha lúa Xuân; diện tích trồng rau màu các loại đạt gần 3,8 nghìn ha. Diện tích lúa, rau màu đang sinh trưởng phát triển tốt, nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, đàn gia súc, thủy sản của thành phố tiếp tục duy trì, phát triển ổn định; không phát hiện gia súc, thủy cầm ốm chết, tiêu hủy do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra. Cụ thể, trong khi tổng đàn gia súc có giảm so với cùng kỳ năm 2019 như: tổng đàn bò ước đạt 10.850 con (giảm 12,53% ), đàn trâu ước đạt  4.610 con (giảm 7,06% ), nhất là đàn lợn ước đạt 121.130 con (giảm 69,17%) thì tổng đàn gia cầm ước đạt 8,6 triệu con, tăng 6,73%. Nhờ đó, sự chênh lệnh về tổng sản lượng thịt hơi các loại không quá lớn, 2 tháng qua đạt 19.721,46 tấn (giảm 3,19% so với cùng kỳ).

Mặc dù dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện trên đàn vịt, gà tại huyện Kiến Thụy. Đến ngày 29-2, số gia cầm buộc phải tiêu hủy do dịch là 11.046 con nhưng công tác khoanh vùng, phòng chống, khống chế dịch không để lây lan ra diện rộng đang được các địa phương quyết liệt triển khai, cho kết quả khả quan. Công tác tái đàn lợn được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của TW, thành phố. Hiện toàn thành phố có 1.956 cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn, đạt 84.717 con.

Gia cầm là nguồn thay thế sự thiếu hụt của thịt lợn trong thời gian qua, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi thủy sản trong tháng 2 ước đạt 6.700 ha, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Hiện bà con nông dân đang tập trung thu hoạch diện tích ao nuôi thương phẩm, cải tạo ao đầm chuẩn bị vụ nuôi mới. Sản lượng cho thu hoạch ước đạt 6.200 tấn, tăng 1,1%. Đáng chú ý, sản xuất con giống thủy sản trong tháng ước đạt 373,0 triệu con, tăng 11,2 %. Riêng lĩnh vực khai thác, trong tháng, tổng sản lượng khai thác thủy sản của thành phố ước đạt 7.500 tấn (tăng 6,2%) nâng tổng sản lương khai thác 2 tháng đầu năm ước đạt 15.100 tấn, tăng 4,9%.

PV: Với những tín hiệu khả quan từ thực trạng sản xuất, chăn nuôi kể trên, ông có dự báo gì về khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Đặc biệt đặt trong tình huống giả sử khi dịch Covid – 19 phát sinh trên địa bàn Hải Phòng, là ngành trực tiếp sản xuất, cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm cho thị trường, đơn vị đã xây dựng phương án ứng phó cụ thể như thế nào để đảm bảo an ninh lương thực địa phương?

Ông Phạm Văn Thép: Vụ Mùa năm 2019, tổng sản lượng thóc của thành phố ước đạt 186.148 tấn, tương đương 131.000 tấn gạo. Đến nay, người dân đã sử dụng khoảng 75.600 tấn gạo, lượng gạo trong dân còn lại khoảng 55.400 tấn. Trong đó, gạo đang được các doanh nghiệp lưu trữ, bảo quản 3.253,2 tấn. Ngoài nguồn thóc, gạo kể trên, tại Cục dự trữ khu vực Đông Bắc đang dự trữ khoảng 10.000 tấn thóc và 10.000 tấn gạo các loại. Nguồn lương thực có sẵn này sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ, dồi dào lượng thóc, gạo cho nhân dân thành phố sử dụng trong 90 ngày tới. Tiếp đó là đến mùa thu hoạch lúa vụ Xuân 2020.

Nông dân thu hoạch lúa

Đối với thị trường rau, củ, quả các loại với gần 3,8 nghìn ha rau màu (bắp cải, cải, bầu, bí, su su, dưa, đậu đỗ, khoai các loại...) đang cho thu hoạch từ nay đến hết tháng 5-2020: Năng suất bình quân ước đạt 22,5 tấn/ha; sản lượng ước đạt 88,5 nghìn tấn; tương đương một ngày có khả năng cung cấp trên 1 nghìn tấn rau các loại cho thị trường. Trong khi đó nhu cầu rau trên địa bàn thành phố 1 ngày cần 690 tấn, như vậy Hải Phòng dư sức đảm bảo cung ứng đẩy đủ, phong phú các loại rau, củ, quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đáng chú ý, đối với mặt hàng thịt hơi, đông lạnh, tháng 3, tổng sản lượng thịt các loại cung ứng ra thị trường chỉ đạt  6.450 tấn/7.767 tấn nhu cầu của toàn thành. Nhưng bù vào 17% lượng thịt thiếu hụt đó là lượng trứng gia cầm các loại dư khoảng 11.039 nghìn quả có khả năng bù đắp sự sụt giảm sản lượng thịt lợn, thịt trâu, bò các loại, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn thủy sản đáp ứng vượt nhu cầu của thị trường trong giai đoạn hiện nay

Đặc biệt, trong khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản của thành phố trung bình 1 tháng là 5.178 tấn thì thực tế sản lượng thủy sản (nuôi trồng, khai thác, đông lạnh) các loại có trong tháng của thành phố có thể cung ứng cho thị trường đạt đến 27.620 tấn, cao gấp 5,3 lần so với nhu cầu tiêu dùng.

Có thể nói căn cứ vào tình hình sản xuất hiện nay, ngành nông nghiệp Hải Phòng hoàn toàn có đủ điều kiện cung ứng đầy đủ nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.

Thành phố có nguồn rau, củ, quả dồi dào đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân

Trong trường hợp có tình huống dịch Covid – 19 phát sinh để chủ động hơn nữa nguồn hàng cung cấp cho thị trường, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT đã phố hợp với các Sở: Công Thương, Tài Chính tiến hành rà soát, kiểm tra thực trạng, khả năng cung ứng cũng như hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm của các đơn vị trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát hiện sớm, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, khống chế, ngăn chặn và nhanh chóng dập tắt các ổ dịch...

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã xây dựng kịch bản cụ thể trong tình huống thành phố chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 phải cách ly từ 10 nghìn đến 1 triệu người trong 1 tháng thì nguồn lương thực, thực phẩm cần thiết (gạo, thịt, cá, ra, quả các loại) cần cung ứng cho khu vực cách ly là bao nhiêu theo 5 cấp độ khác nhau để chủ động nguồn cung.

Sự thiếu hụt nguồn thịt lợn đã được thay thế bằng thịt và trứng gia cầm

Ngoài ra, ngày 15-3, nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân khi xảy ra dịch bệnh Covid – 19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình KT-XH thành phố; dưới sự chủ trì của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đã tham gia cùng các Sở: Tài Chính, KH&ĐT họp bàn, đi đến thống nhất nội dung dự thảo kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Hiện, dự thảo kế hoạch này được Sở Công Thương trình UBND TP xem xét, quyết định.

Theo đó, về nguồn hàng, kịch bản đảm bảo hàng hóa, phương thức vận chuyển, phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch nói chung, phục vụ nhân dân khu vực cách ly (có dịch) nói riêng đều được các Sở ngành bàn bạc kỹ, xây dựng cụ thể, chi tiết trong bản dự thảo kế hoạch; phân công trách nhiệm đến từng Sở, ngành, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội, UBND các quận, huyện; các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Như vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm trong mọi tình huống phát sinh, thành phố đều chủ động cung cấp đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông