Hải Phòng chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới: Những thách thức đặt ra: Kỳ 2 - Đổi mới phương pháp dạy - học, hướng đến học sinh

    19:45 26/10/2019

    Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 12-2018, chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). Bộ Giáo dục sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.

    Đổi mới nền giáo dục hướng đến học sinh

    Đổi mới từ cơ sở

    Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, năm học 2019-2020, cấp tiểu học sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới; chú trọng công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho nhà trường, nâng cao tỷ lệ học 2 buổi/ngày; tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục bậc tiểu học…

    Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) tuyển mới tổng số 48 lớp với 2.110 học sinh, tăng so với năm học trước 1 lớp, 15 học sinh. Cô giáo Phạm Thị Diện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này và năm học tiếp theo, trường bố trí đủ số phòng để học sinh lớp 1; 2 được học hai buổi/ ngày.

    Trước thềm thực hiện chương trình GDPT mới, nhà trường còn đối mặt với những khó khăn chung của giáo dục tiểu học khu vực nội thành, như: thiếu giáo viên dạy Thể dục và Tin học; số lớp đông, số phòng học hạn chế do vậy tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp...

    Hiện, nhà trường đã tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn chuẩn bị về nhân lực, vật lực để áp dụng chương trình sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2020- 2021. Về CSVC, trường tổ chức, rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, thực hiện sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện được chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1.

    Về nhân lực, trường rà soát hiện trạng, nhu cầu cán bộ quản lý, giáo viên ở từng lớp học, môn học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, từ đó phân công nhiệm vụ, bố trí sắp xếp có hiệu quả đội ngũ hiện có; đặc biệt có kế hoạch cử  cán bộ - giáo viên tham gia tập huấn chuẩn bị cho chương trình thay sách lớp 1 ở năm học 2020-2021 đảm bảo sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực và trình độ, tổ chức các buổi bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao tay nghề, hiểu biết những kiến thức về tự nhiên và xã hội cũng như các văn bản chỉ đạo về chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Còn ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Ngô Quyền), năm học 2019-2020 này, các học trò được học trong dãy phòng học mới vừa hoàn thành vào cuối tháng 8-2019, chấm dứt nhiều tháng trời thuê mượn phòng học trước đó.

    Thầy Trần Nguyên Lâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, với dãy phòng học 3 tầng vừa mới hoàn công và 1 phòng học đã được sửa chữa, nâng cấp, nhà trường sẽ có thêm 12 phòng học mới, đủ để đảm bảo 100% học sinh nhà trường được học 2 buổi/ngày, “đi trước đón đầu” việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ thực hiện từ năm học 2020-2021 tới đây.

    Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền Nguyễn Thị Hải Hạnh, UBND quận, Phòng GD-ĐT quận đã chỉ đạo các trường bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất trước thềm năm học mới 2019-2020.

    Cụ thể, toàn quận có 15 trường được sửa chữa, nâng cấp, xây mới một phần diện tích với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách chi 20 tỷ đồng, 10 tỷ đồng đến từ nguồn xã hội hóa. Ngoài việc dồn sức hoàn thiện các công trình cải tạo, sửa chữa trong hè, các trường cũng tập trung đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, như: bàn, ghế, bảng... để các em có môi trường học tập hiện đại, thân thiện và an toàn.

    Hội nghị tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hải Phòng

    Khẩn trương khắc phục khó khăn, đón chương trình mới

    Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã mời Tiến sỹ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trực tiếp tập huấn và trao đổi kinh nghiệm tại Hải Phòng.

    Tại hội nghị này, các  cán bộ quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã trao đổi nhiều tham luận, đóng góp ý kiến đến Vụ Tiểu học những thuận lợi và khó khăn khi tiếp nhận chương trình GDPT 2018.

    Từ góc độ quản lý, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cập nhật kiến thức về chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm để giáo viên nắm vững chương trình môn học, mục tiêu dạy học, tư tưởng của sách giáo khoa, từ đó có khả năng tự phát triển chương trình, nội dung dạy học.

    Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi, Hải Phòng hiện có gần 800 trường học với trên 13.000 lớp, gần 29.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các bậc học. Những năm gần đây, giáo dục Hải Phòng nhận được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố bằng những cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích phong trào dạy và học; định hướng Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm giáo dục của khu vực và có tính quốc tế trong tương lai gần.

    Riêng ở bậc tiểu học, những năm gần đây, quy mô giáo dục ngày càng phát triển, đòi hỏi đáp ứng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Số học sinh tuyển mới tăng hàng năm. Năm học này, Hải Phòng tiếp tục tuyển mới khoảng 40 ngàn học sinh vào lớp 1 (so với khoảng trên dưới 30 ngàn những năm học trước) cho thấy sức nóng về tăng quy mô trường lớp.

    Bên cạnh những thuận lợi lớn, giáo dục tiểu học nói riêng, giáo dục Hải Phòng nói chung còn đối mặt nhiếu thách thức, như: CSVC chưa đáp ứng việc bậc tiểu học được học 2 buổi/ ngày theo yêu cầu của chương trình GDPT mới, nhất là ở khu vực nội thành; tuyển mới giáo viên chưa kịp so với số lớp, số học sinh tăng (việc tuyển biên chế giáo viên bổ sung thường chậm so với thực tế, năm nay tuyển theo nhu cầu của năm học trước); đặc biệt là thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ… là những môn học bắt buộc của chương trình GDPT mới, vô cùng cần thiết đối với học sinh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0…

    “Để đáp ứng chương trình mới, ngành GD-ĐT Hải Phòng đề xuất thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, UBND các quận, huyện quan tâm và có kế hoạch thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa mới; tạo điều kiện tối đa để có đủ số phòng học, tuyển mới giáo viên đáp ứng khi số lượng học sinh tăng; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp ngành GD-ĐT trong tuyên truyền, phối hợp thực hiện lộ trình đón SGK mới…”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi nhấn mạnh.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông