15:12 25/10/2019 Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với học sinh lớp 1. Như vậy, chỉ còn một năm học 2019-2020 để chuẩn bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Tại Hải Phòng, công tác chuẩn bị đã được tiến hành tích cực, khẩn trương, song vẫn còn nhiều thách thức, nhất là về cơ sở vật chất tại các trường khu vực nội thành…
Do thiếu giáo viên, không ít lớp tiểu học quận Lê Chân phải mời… “thỉnh giảng”
Bức tranh từ quận Lê Chân
Trường Tiểu học Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) nằm trên địa bàn vùng ven, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ dẫn đến số lượng học sinh tăng nhanh. Do phường kế bên - phường Kênh Dương còn chưa có trường tiểu học, nên nhà trường phải “gánh” thêm số học sinh đến từ địa bàn này bên cạnh việc tiếp nhận số học sinh trên địa bàn.
Theo cô giáo Đỗ Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Niệm, nhà trường đang tích cực đón nhận chương trình GDPT 2018. Về tư tưởng, cán bộ quản lý và giáo viên đang mong chờ tính ưu việt của chương trình. Hiện, nhà trường đã chuyển toàn bộ tài liệu về chương trình GDPT 2018 đến từng giáo viên, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu về nội dung chương trình; đồng thời tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, nhân dân về việc chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018. Nhà trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chuẩn bị danh sách giáo viên đi tiên phong thực hiện chương trình GDPT 2018.
Trước thềm triển khai chương trình GDPT mới, nhà trường còn nhiều điều trăn trở. Trong những năm gần đây nhà trường được thành phố và quận quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ các hạng mục công trình, như: xây mới dãy phòng học khu nhà E, khu nhà D, khu vệ sinh học sinh, sửa chữa các dãy phòng học khu nhà A, B.
Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện đại: khu nhà C (xây dựng từ năm 1992, sửa chữa năm 2014) nay tường bong tróc sơn, bở lớp vữa trát, mái ngấm nước. Sân trường bị lún sụt, đọng nước, nhiều viên gạch block đã vỡ.
Cổng trường xuống cấp, mái đọng nước, tường đã vỡ, cánh cổng sắt bong tróc sơn, nhiều chỗ han gỉ. Tường bao nứt gãy, xuống cấp… Đặc biệt, số phòng học thiếu, không đảm bảo đủ 1 phòng/1 lớp.
Về đội ngũ, năm học 2019-2020, toàn trường có 40 giáo viên, trong đó 35 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên Thể dục, 2 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mĩ thuật, 1 giáo viên Tiếng Anh. Nhà trường chỉ có 28 lớp học 2 buổi/ngày, còn lại 6 lớp học 1 buổi/ngày. Như vậy, năm học này, trường cần 49 giáo viên, còn thiếu 9 giáo viên. Thiếu nhất, nhà trường chưa có giáo viên Tin học, thiếu 2 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Mĩ thuật và 5 giáo viên văn hóa.
Trong khi đó, địa bàn phường Vĩnh Niệm đang trên đà đô thị hóa nhanh, nhiều dự án nhà ở phát triển, dẫn đến tăng dân số cơ học nhanh. Số học sinh tăng, số lớp tăng nhưng số lượng giáo viên thiếu, giao biên chế chậm, cơ cấu giáo viên chưa phù hợp. Số phòng học, phòng chức năng mặc dù đã được xây mới, bổ sung song không vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học 2 buổi/ngày.
“Hiện nay, chưa có sách giáo khoa, nhà trường chưa thể triển khai tập huấn được Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên. Việc dạy 2 môn Tin học và Ngoại ngữ theo chương trình hiện hành là hai môn tự chọn, nhưng đến chương trình GDPT 2018 sẽ là 2 môn bắt buộc. Hiện nay chưa có giải pháp để thực hiện chương trình giảng dạy 2 môn này.
Việc chuyển đổi chương trình kéo theo việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, dù đã có sự chuẩn bị từ năm học 2017-2018, song giáo viên cũng sẽ lúng túng... là những băn khoăn không nhỏ của nhà trường khi đến năm học 2020-2021 chỉ còn vài tháng.
Vì vậy, việc tập huấn chuyên môn cần có lộ trình sớm. Về hai môn Tin học, Ngoại ngữ, nhà trường mong muốn có cơ chế để các nhà trường liên kết giảng dạy với các trung tâm đủ điều kiện (có thu phí), hoặc cho nhà trường hợp đồng giáo viên…”, cô Đỗ Thị Thanh Vân chia sẻ.
Ngay cả khi dãy phòng học mới này hoàn thành, trường Tiểu học Vĩnh Niệm vẫn chưa đủ 100% học 2 buổi/ngày
Khó để đáp ứng học 2 buổi/ ngày
Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Lê Chân Bùi Thị Ngọc Quyên cho biết, mặc dù số trường không nhiều, diện tích các trường không lớn nhưng số học sinh của Lê Chân cao nhất trong 7 quận nội thành, so với toàn thành phố số lượng học sinh của quận đứng thứ hai, sau huyện Thủy Nguyên.
Quận Lê Chân hiện có 60 trường mầm non, tiểu học, THCS, với tổng số trên 40 nghìn học sinh; trong đó có 12 trường tiểu học công lập và 2 trường liên cấp (tiểu học và THCS) ngoài công lập.
Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường của 3 bậc được thành phố giao là: 1.775 người trong đó bậc tiểu học có 691 người. 100% giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn trên 98%; là quận có tỉ lệ giáo viên đạt trên chuẩn cao và có nhiều Thạc sĩ nhất.
Trong những năm qua, chất lượng giáo dục của quận đã được duy trì ổn định và phát triển khá bền vững; phong trào chuyên môn của các trường tiểu học quận Lê Chân nghiêm túc, công tác quản lý đạt những kết quả nhất định, mạng lưới trường lớp phát triển, cơ sở vật chất trang thiết bị được tăng cường. Mặc dù quận còn khó khăn nhưng đã đầu tư phần lớn cho giáo dục.
Năm 2019 quận dành trên 90% kinh phí đầu tư công cho giáo dục, chủ yếu cho các trường tiểu học với kinh phí khoảng trên 100 tỉ đồng để xây dựng mới thêm phòng học, sửa chữa xây mới các công trình vệ sinh.
Kết quả, giáo dục của quận đã được đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong quận ghi nhận. Đặc biệt, bậc THCS của quận đã có 20 năm liên tiếp dẫn đầu thành phố về công tác phát hiện, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi. Và, để có kết quả này thì không thể không nói đến tiền đề tốt từ bậc tiểu học.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, số học sinh toàn quận tăng nhanh (mỗi năm tăng từ 700 đến hàng ngàn học sinh, chủ yếu tăng ở bậc tiểu học). Hiện nay, toàn quận có 20.369 học sinh tiểu học. Tuy nhiên, diện tích quận nhỏ (12km2), không còn đất để mở thêm trường. 4/15 phường trên địa bàn quận không có trường tiểu học. Diện tích các trường cũng nhỏ, không thể mở rộng. Vì vậy chỉ có thể nâng tầng nhưng cũng không thể quá 4 tầng.
Do đó, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia hạn chế vì không đảm bảo diện tích. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của quận thấp nhất thành phố (29%, trong đó TH có 3/12 trường). Số học sinh tăng nhanh, lớp học tăng, phòng học tăng rất ít (sắp tới không thể tăng vì không có chỗ để nâng tầng hay cơi nới, nên sĩ số học sinh/ lớp cao hơn nhiều so với quy định tại Điều lệ.
Đặc biệt, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp. Năm trước, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận là 43,5%, thấp nhất thành phố. Năm nay tăng thêm được hơn 30 phòng nên tỉ lệ HS TH học 2 buổi/ngày đạt được gần 50%. Tuy nhiên không phải trường nào cũng đạt 50%, có 3 trường chỉ đạt 30%. Đây là khó khăn rất lớn của Lê Chân khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Hiện nay, toàn quận thiếu thiếu 204 giáo viên, nhân viên, trong đó tiểu học thiếu 58 người, chưa kể trung bình mỗi trường có 3-7 giáo viên nghỉ đẻ hoặc nghỉ chữa bệnh nan y. Các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí sắp xếp đội ngũ, đặc biệt với các trường có quy mô nhỏ.
Do thiếu giáo viên không thể tăng số lớp học 2 buổi/ngày. Về số nhân viên thiếu, quận đã đề nghị thành phố cho phép tuyển nhân viên trường học nhưng chưa được phê duyệt. Đội ngũ nhân viên phần nhiều là hợp đồng, nhất là vị trí kế toán (vì đã quá lâu không được tuyển). Có trường phải lấy cả giáo viên kiêm nhiệm thêm các công việc khác.
Về tài chính, chi phí cho lớp 2 buổi/ngày gấp hơn 2 lần lớp học 1 buổi/ngày (trong khi điện, nước, vệ sinh, lao công, bảo vệ, hoạt động chuyên môn, cơ sở vật chất… chỉ được tính thêm từ 1,2 lên 1,5). Ngân sách chi cho giáo dục theo tỉ lệ 82 - 18 nhưng bao gồm cả sửa chữa, nên kinh phí cho hoạt động chuyên môn, chi thường xuyên rất khó khăn.
Hầu hết các trường phải yêu cầu giáo viên biên chế dạy vượt quá số tiết quy định nhưng không có hướng dẫn trả thêm giờ cho giáo viên. Vì thiếu giáo viên nên các trường không thực hiện quy đổi các hoạt động chuyên môn khác cho những giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn, đoàn đội, công tác viên thanh tra... theo Thông tư 28 (21/10/2009 của BGD quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông).
Về dạy Tin học, Ngoại ngữ, Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT khuyến khích tăng cường dạy hai môn học này tối đa khi cơ sở vật chất đáp ứng được. Với thành phố Hải Phòng, thành phố đô thị loại 1 và theo xu thế phát triển giáo dục hiện nay, việc học Tin học và Ngoại ngữ là vô cùng cần thiết.
Đây cũng là mong muốn của phụ huynh học sinh. Nhưng hiện nay, 12 trường học chỉ có 21 giáo viên biên chế. Thực tế năm học này, nếu triển khai dạy như đề nghị của trường cần 54 giáo viên (thiếu 33 giáo viên). Những năm trước, quận cho phép các trường thỏa thuận với phụ huynh học sinh, lựa chọn, hợp đồngvới giáo viên để giảng dạy.
Phụ huynh hỗ trợ nhà trường trả lương giáo viên. Đến nay, thành phố không cho phép hợp đồng với giáo viên ngoài định biên, nếu không có giải pháp, toàn quận sẽ chỉ có thể tổ chức dạy được cho học sinh lớp 4, 5. Môn Tin học hoàn toàn không có biên chế giáo viên nên không thể dạy nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh…
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024