20:32 20/04/2020 Cùng với Thừa Thiên - Huế đã được đánh giá triển khai hiệu quả việc dạy học trên truyền hình, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức lựa chọn Hải Phòng là 1 trong số ít các địa phương có nhiều bài giảng được phát sóng trong chương trình dạy học chung cho học sinh cả nước trên sóng truyền hình quốc gia VTV7 mỗi ngày.
Một tiết học chủ đề kiến thức lớp 9 trên sóng THP
Triển khai đúng thời điểm
Đến trung tuần tháng 3-2020, học sinh Hải Phòng đã được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 khoảng gần 2 tháng. Bên cạnh việc tổ chức dạy học trực tuyến mới được triển khai chưa lâu, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo âu, nhất là đối với những gia đình có con chuẩn bị bước vào các kỳ thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi THPT quốc gia.
Thời điểm này, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc dạy học trên truyền hình đối với học sinh lớp 9 và lớp 12. Theo đó, các chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ được phát sóng trên kênh Truyền hình Hải Phòng (THP) trong thời gian học sinh nghỉ học. Đồng thời, UBND thành phố giao Đài PTTH Hải Phòng phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện phát sóng trên kênh truyền hình Hải Phòng các chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12.
Từ ngày 12-3 đến nay, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức phát sóng trên kênh truyền hình THP hàng chục chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 theo khung thời gian phát sóng đã thông báo cụ thể đến các nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Để giúp học sinh đảm bảo kiến thức cho kỳ thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia, chương trình học trên truyền hình của thành phố Hải Phòng được xây dựng cho học sinh khối 9 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; học sinh lớp 12 với 9 môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Thời lượng phát chương trình dạy học trên sóng truyền hình là 6 tiết/tuần đối với lớp 9; 18 tiết/tuần đối với lớp 12. Như vậy, mỗi môn học sẽ được dạy 2 tiết/tuần.
Với bước đi kịp thời này, Hải Phòng là một trong những địa phương chủ động xây dựng, tổ chức các chương trình ôn tập kiến thức và giảng bài cho học sinh lớp 9 và 12 trên kênh truyền hình địa phương. Tại thời điểm đó đã có các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long... cùng thực hiện phương pháp này.
Theo Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hải Phòng) Phạm Thị Thu Hà, các bài giảng được dạy trên truyền hình được xây dựng thành các chuyên đề để các em ôn tập tốt hơn. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, các phòng GD-ĐT chọn các cán bộ, giáo viên cốt cán để tham gia vào các chuyên đề dạy học trên truyền hình này.
Một tiết học chủ đề kiến thức lớp 12 trên sóng THP
Được chọn cung cấp bài giảng cho học sinh cả nước
Chiều 17-4, NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết, sau hơn một tháng triển khai, việc ôn tập kiến thức và tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 9 và khối 12 tại địa phương nhằm đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và tuyển sinh vào 10 năm học 2020-2021 được đông đảo người dân, phụ huynh học sinh đón nhận tích cực. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã chính thức chọn Hải Phòng là một trong số ít các địa phương cung cấp các bài giảng vào chương trình phát sóng dạy học chung cho toàn quốc trên sóng truyền hình quốc gia VTV7 mỗi ngày.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng chia sẻ thêm: “Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đòi hỏi ngành GD-ĐT cần có thêm những giải pháp phù hợp để học sinh có thể nắm bắt kiến thức trong thời gian tạm dừng đến trường. Trong nhiều giải pháp được đưa ra: dạy học online, dạy học qua truyền hình, hay là nghỉ để đợi hết dịch… đều được thành phố, ngành GD-ĐT Hải Phòng cân nhắc kỹ càng. Trong đó, mỗi giải pháp được đưa ra đều có những ưu và hạn chế. Nếu dạy online giáo viên sẽ dễ thực hiện hơn, học sinh được tương tác với thầy cô giáo nhiều hơn nhưng điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để tất cả các học sinh đều được học thì không thể. Nhiều em học sinh ở vùng khó khăn không có điều kiện để học. Ngành GD-ĐT quyết định chọn hình thức dạy học qua truyền hình với mong muốn tất cả các em học sinh được có cơ hội học tập, bởi lẽ đây là hình thức dạy học truyền thống, đơn giản và hiệu quả do đã thực hiện thành công trong các chương trình đào tạo từ xa”.
Với các bài giảng của các giáo viên đến từ các tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn để phát sóng trong các chương trình dạy học chung cho học sinh cả nước, Chương trình sẽ được chiếu trên kênh VTV7 của Đài truyền hình Việt Nam hàng ngày. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng kiến thức để học sinh cả nước chuẩn bị hành trang cho các kỳ thi sắp tới.
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024