Hải Phòng thực hiện tốt việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

22:53 24/04/2024

Ngày 24-4, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Hải Phòng về việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì. Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo các Uỷ ban của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành…
 

                                 Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc giám sát 

Đón  tiếp và làm việc với đoàn về phía Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố; một số quận, huyện, đơn vị…

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng đón tiếp và làm việc với đoàn giám sát

          Báo cáo đoàn giám sát, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nêu rõ: đến hết năm 2023, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) của Hải Phòng là 815, gồm 638 đơn vị thuộc lĩnh giáo dục và đào tạo; 21 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; 36 đơn vị lĩnh vực y tế; 3 đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ; 26 đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao; 3 đơn vị thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; 4 đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; 84 đơn vị thuộc lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác. Số lượng ĐVSNCL năm 2023 so với năm 2015 giảm 193 đơn vị, đạt tỷ lệ 19,1% (193/1.008). Từ năm 2015 đến năm 2023 đã thực hiện giải thể 21 đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Nhìn chung, việc sắp xếp tổ chức lại các ĐVSNCL tại thành phố Hải Phòng đến nay đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra. Qua việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đã giảm đáng kể các đơn vị, từ đó khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL theo quy định.

Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố báo cáo đoàn giám sát

Cùng với đó, thành phố giảm 4.445 người so với số người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015, đạt tỷ lệ 11,83% (vượt tỷ lệ 1,83% so với Nghị quyết).Giai đoạn 2022-2026, thành phố tiếp tục thực hiện giảm 10% biên chế được giao so với năm 2021. Dự kiến tính đến năm 2026, số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước của thành phố là 29.819 biên chế, giảm 3.313 người (tương ứng giảm 10%) so với số được giao năm 2021, bình quân mỗi năm thành phố sẽ giảm 663 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thành phố đã giải quyết chế độ chính sách đối với 1.163 viên chức. 

Đến tháng 12- 2023, đã sắp xếp giảm 286 cấp phó của các ĐVSNCL. Tính đến hết năm 2023, thành phố Hải Phòng đã thực hiện việc chuyển tự chủ cho 561/815 đơn vị, trong đó (11 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; 58 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và 492 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên).

          Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND cũng nêu rõ một số khó khăn trong sắp xếp, đổi mới ĐVSNCL thuộc ngành GDĐT; một số Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành hoặc chậm ban hành các khung pháp lý đối với ĐVSNCL theo chỉ đạo Chính phủ; chưa có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện sắp xếp thống nhất trên toàn quốc đối với một số ngành, lĩnh vực như: sắp xếp các trạm, trại thuộc ngành nông nghiệp, các đoàn nghệ thuật trực thuộc ngành văn hóa - thể thao...

Quang cảnh cuộc làm việc

          Từ đó, Hải Phòng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, quy định cụ thể việc giao vốn, giao tài sản cho ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, để các đơn vị thực hiện quản lý theo mô hình doanh nghiệp.

Đồng thời đề nghị Bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 60 năm 2021 của Chính phủ; sớm ban hành hoặc hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng và ban hành định mức - kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công.

Hải Phòng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sớm báo cáo cấp thẩm quyền hướng dẫn cơ chế riêng trong thực hiện tinh giản biên chế đối với khối giáo dục, y tế do dân số ngày càng tăng, nhu cầu về giáo dục mầm non, phổ thông và dịch vụ y tế ngày càng nhiều, trong khi biên chế sự nghiệp cào bằng giảm 10%, điều đó rất khó thực hiện đối với khối giáo dục và y tế. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn cách tính định mức số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, làm cơ sở để các ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và địa phương triển khai thực hiện và thẩm định định mức thống nhất.

Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Hải Phòng thực hiện tốt, hiệu quả nghị quyết 19 Trung ương (khoá 12) 

          Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Hải Phòng thực hiện tốt, hiệu quả nghị quyết 19 Trung ương (khoá 12) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, các kết quả đều nằm trong top đầu cả nước, một số chỉ tiêu dẫn đầu.

Đây là kết quả thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý Hải Phòng chú trọng giảm số lượng ĐVSNCL gắn với nâng cao chất lượng; đổi mới tổ chức nhưng cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị, quản lý; sắp xếp ĐVSNCL gắn với thành lập đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và đẩy mạnh xã hội hoá. Đồng thời tập trung nhiều hơn cho việc sắp xếp, đổi mới và tháo gỡ khó khăn cho ngành GDĐT, vì ngành này chiếm gần 80% ĐVSNCL, làm tốt cho ngành GDĐT sẽ thành công. 

           Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị; ủng hộ các đề xuất của Hải Phòng theo hướng đẩy mạnh hơn nữa phân cấp các lĩnh vực thuộc thẩm quyền thành phố. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc của Hải Phòng. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp chung báo cáo Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng cần chủ động tháo gỡ cho các ngành, địa phương, đơn vị để thực hiện tốt hơn nghị quyết 19.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát

           Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng trân trọng cảm ơn sự quan tâm và những ý kiến nhận xét, đánh giá tốt đẹp của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các thành viên đoàn giám sát. Qua trao đổi, thảo luận, Hải Phòng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, rút ra các bài học sâu sắc, nảy sinh nhiều phương pháp, cách làm mới để thực hiện tốt hơn nghị quyết 19. Thành phố Hải Phòng tiếp thu đầy đủ các ý kiến, gợi ý của đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội và thành viên đoàn giám sát, hoàn thiện, bổ sung báo cáo gửi đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.

          *  Trước đó, sáng 24-4, đoàn giám sát chia thành 2 tổ trực tiếp giám sát tại quận Lê Chân và Sở Giáo dục Đào tạo./.

                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích