Hải Phòng trong chuỗi phát triển dịch vụ logistics: Kỳ 1-Tiếp tục khẳng định vị thế

11:23 21/08/2019

Như tin đã đưa, vừa qua UBND TP Hải Phòng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị: “Phát triển dịch vụ Logistics Hải Phòng: nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng”. Sự kiện tiếp tục là sự khẳng định vị thế hết sức quan trọng của Hải Phòng, trong chuỗi phát triển liên kết các vùng kinh tế trong và ngoài nước.

Vận tải biển là thế mạnh của Hải Phòng

         

Vào tháng 1-2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề số 45-NQ/TW, về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó xác định: “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế…”.

Mục tiêu nêu trên của Nghị quyết 45 trên cơ sở tổng kết thành tựu 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, với việc đánh giá tổng thể những bài học thành công cũng như chưa thành công, hướng tới phát triển bền vững. Như vậy, Hải Phòng đã được đặt trong mối tương quan mang tầm vĩ mô, tiếp tục khẳng định tiềm năng, vị thế để cất cánh vào tương lai, mà logistics là một trong những trụ cột hết sức quan trọng.

 Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, những năm qua Hải Phòng không ngừng nỗ lực hoàn thiện, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, từng bước phát triển dịch vụ logistics và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển, vì vậy Hải Phòng đang tập trung cao với quy hoạch, kế hoạch cụ thể, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để sớm hoàn thành mục tiêu đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH, là trọng điểm trong phát triển dịch vụ logistics như tinh thần định hướng tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cần phải thấy rằng, những năm gần đây vùng duyên hải Bắc Bộ gồm 5 tỉnh thành: Quảng NinhHải PhòngThái BìnhNam Định và Ninh Bình, được coi là một khu vực phát triển hết sức năng động.

Với dân số khoảng 9 triệu người, theo Quyết định số 865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2008, vùng được định hướng trở thành vùng kinh tế tổng hợp tầm quốc gia và quốc tế, đồng thời là trung tâm văn hoá – lịch sử, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Nghĩa là như những gì đã được Trung ương định hướng, thì Hải Phòng là lõi của vùng trung tâm duyên hải Bắc Bộ.

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện nối liền nội địa với khu vực dịch vụ cảng

Cùng với định hướng trên, Nghị quyết 45 cũng đặt Hải Phòng cùng với Hà Nội và Quảng Ninh, tạo thành tam giác kinh tế năng động của khu vực đồng bằng sông Hồng. Một khu vực với tầm điều chỉnh tới hơn 20 triệu dân, phân bố trên diện tích thuộc 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc NinhHà NamHà NộiHải DươngHải PhòngHưng YênNam ĐịnhNinh BìnhThái Bình và Vĩnh Phúc.

Trong khu vực này, vị thế của Hải Phòng là rất lớn, nhất là trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Chỉ tính riêng sản xuất công nghiệp, khu vực đồng bằng sông Hồng có 61 khu công nghiệp, chiếm 26% về số lượng và trên 21% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Trong đó Hải Phòng có 12/17  khu công nghiệp được quy hoạch đã đi vào khai thác, chưa kể các cụm, điểm công nghiệp địa phương.

Về kinh tế đối ngoại, thương mại Hải Phòng xếp thứ 2 trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thị trường xuất khẩu mở rộng đến gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng hàng hóa qua các cảng do Cảng vụ hàng hải Hải Phòng quản lý chiếm 57,8% tổng lượng hàng hóa qua cảng cả miền Bắc.

Đồng thời trong chiến lược “hai vành đai – một hành lang kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hải Phòng còn được xác định là đầu mối quan trọng kết nối về phía Tây Bắc tới Côn Minh (Vân Nam – TQ) và về phía Đông Bắc tới Nam Ninh (Quảng Tây – TQ). 

Với vị thế đặc biệt quan trọng như vậy, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, Hải Phòng đã thu hút nguồn lực đầu tư lớn trên mọi hướng. Đáng kể nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ 5 dạng hình đã hình thành sự kết nối rõ nét với cả trong và ngoài nước, những công trình trọng điểm cấp quốc gia đã và đang được đưa vào khai thác như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nâng cấp quốc lộ 10, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống cầu – đường – cảng nước sâu Tân Vũ – Lạch Huyện…

Cũng trong thời gian 15 năm qua, trên địa bàn Hải Phòng đã có hơn 20 cây cầu vượt sông, vượt cạn, kết nối các tiểu khu vực được đầu tư, hầu hết đã đi vào sử dụng. Một điểm nhấn quan trọng nữa, đó là từ ý tưởng khởi xướng của Hải Phòng, lãnh đạo các địa phương đã ngồi lại, thống nhất đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ven biển, mở ra hướng kết nối thiết thực cho cả vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Trong đó, dịch vụ cảng biển vẫn xứng đáng với vai trò trung tâm,  từ bến “6 kho” của hơn 130 năm trước, đến nay cảng biển Hải Phòng đã là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, với 42 doanh nghiệp khai thác, 44 bến, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến hàng trăm DWT. Hệ thống xếp dỡ và kho bãi được đầu tư hiện đại, năng suất xếp dỡ bình quân đạt 50 đến 60 container/giờ/tàu đối với hàng nhập và 40 moves/giờ/tàu đối với hàng xuất khẩu. 

Trên thực tế, tính chất kết nối kinh tế qua dịch vụ cảng Hải Phòng đã bao trùm hầu như cả địa bàn khu vực phía Bắc, được thể hiện qua những con số như sản lượng hàng qua cảng tới trên 102 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân trên 20%/năm…theo số liệu năm 2019.

              Lê Minh Thắng (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông