Hải Phòng xem xét, quyết định chính sách đặc thù phòng chống dịch Covid-19 và xây dựng Chính quyền số

10:37 04/11/2021

Sáng 4-11, tại kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố xem xét, quyết định 2 nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền gồm: chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025...

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trình bày về Dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố

* Hơn 1.000 tỷ đồng trong chính sách đặc thù phòng chống dịch Covid-19

Báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020 và 2021 tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam khẳng định, dưới sự chỉ đạo của TW, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các ngành, cấp, địa phương và toàn thệ thống chính trị Hải Phòng đã đoàn kết, đồng lòng, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, cơ bản ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào thành phố, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Nổi bật, Hải Phòng là địa phương đầu tiên thành lập các tổ, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh tự thành phố đến các thôn, tổ dân phố nhằm tạo ra nhiều lớp chống dịch.

Những sáng tạo của thành phố về tổ chức bộ máy, lực lượng tham gia, phương thức vận hành và hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chốt kiểm soát chính là một chìa khóa thành công của công tác phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn vừa qua đã được TW ghi nhận, đánh giá cao, được nhiều địa phương quan tâm, tìm hiểu tham khảo.

Về nguồn lực phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong năm 2020, tổng kinh phí phân bổ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 là hơn 720 tỷ đồng; năm 2021 (tính đến ngày 31-10-2021) là hơn 843 tỷ đồng.

Đại biểu dự kỳ họp

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, ngày 8-2-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về chi trả cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, quá trình triển khai phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, một số chế độ chi mang tính đặc thù của thành phố chưa được HĐND thành phố thông qua, chưa có trong quy định của TW. Do đó, để chủ động thực hiện các biện pháp trong công tác phòng chống dịch Covid-19, việc ban hành quy định chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hải Phòng là cần thiết.

Cụ thể, chính sách đặc thù gồm 4 nội dung: Chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 (ngoài tiền lương, chế độ phụ cấp đối tượng được hưởng theo quy định); Chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm diện rộng sàng lọc Sars- Cov-2; Chính sách hỗ trợ chi phí thực hiện hỏa táng; Chính sách hỗ trợ chi phí lưu trú.

Về nguồn lực đảm bảo, dự kiến kinh phí phát sinh từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 31-12-2021 trong trường hợp các chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19 được HĐND thành phố thông qua là 1.074 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách và nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố.

* Xây dựng Chính quyền số

Về dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết, dự án thuộc nhóm B, do Sở Thông tin và Truyền thông là Chủ đầu tư với kinh phí thực hiện hơn 308 tỷ đồng bằng vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện 2021-2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Anh Quân trình bày Dự thảo Nghị quyết về xây dựng Chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025

Mục tiêu của dự án nhằm hình thành hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ, dịch vụ dùng chung phục vụ xây dựng và phát triển Chính quyền số; đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, phục vụ điều hành, quản lý tổng thể của chính quyền, cung cấp dịch vụ dùng chung phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, dự án nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính đồng bộ trong tổng thể chính quyền số của thành phố; đáp ứng yêu cầu lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế-xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính quyền số; Cung cấp dịch vụ dùng chung người dân và tổ chức, giúp công dân, tổ chức quản lý, lưu trú dữ liệu điện tử của mình, cung cấp chia sẻ với các cơ quan nhà nước.

Đại biểu dự kỳ họp

Việc xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung Chính quyền số thành phố Hải Phòng là hạt nhân, nền móng xây dựng và phát triển Chính quyền số nói riêng và dẫn dắt Chuyển đổi số nói chung; thay đổi đột phá xếp hạng Chính quyền số thành phố.

Các chỉ tiêu nổi bật của dự án như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ TW đến địa phương; 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế xã hội số.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích