21:36 10/03/2018 Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục và dự án đường bao biển nối TP Hạ Long và TP Cẩm Phả...
Hầm chui Cửa Lục sẽ gần cầu Bãi Cháy hiện nay
Giảm tải cho cầu đường bộ
Vịnh Cửa Lục là một vịnh biển nhỏ ở Hạ Long, rộng 18km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m. Cửa vịnh (còn gọi là eo Cửa Lục hoặc sông Cửa Lục) thông ra vịnh Hạ Long cũng chỉ rộng chừng 1km. Trước đây, việc đi lại qua hai bờ cửa vịnh phải phụ thuộc vào phà Bãi Cháy.
Từ cuối năm 2006, cầu Bãi Cháy được xây dựng xong tạo thuận lợi đáng kể cho việc qua lại hai bên bờ eo biển Cửa Lục. Tuy nhiên sự phát triển ngày càng nhanh chóng của Hạ Long cũng như Quảng Ninh sẽ khiến cho cầu Bãi Cháy sớm mãn tải, quá tải.
Gần đây mặt cầu đã phải sửa chữa duy tu lớn khi lượng phương tiện khổng lồ ngày ngày qua cầu tạo những bậc thang nguy hiểm. Ngoài ra, những lần mưa bão lớn, gió trên cầu thường đạt cấp 7, 8 và cao hơn, dẫn đến việc cấm cầu làm đình trệ các hoạt động giao thương kinh tế, chia cắt đôi bờ Hạ Long.
Với nỗ lực giảm tải cho tuyến đường bộ, việc quy hoạch và xây dựng hầm chui qua sông Cửa Lục được cho là cần thiết. Theo đó, để nối đôi bờ Hạ Long, hầm có thể bắt đầu từ đường Hạ Long (bờ Bãi Cháy) và nối với nút giao với đường Lê Thánh Tông (phía Hòn Gai) với tổng chiều dài khoảng 1.200m. Nằm dưới đáy sông cách mặt nước không quá 17m (đối với hầm Thủ Thiêm là 24 m), có từ 4 đến 6 làn xe (mặt cắt 3,5m 1 làn), hầm có thể đạt tốc độ xe lưu thông 60 km/giờ, chịu được động đất 6 độ Richter và có tuổi thọ lâu dài.
Hầm chui đường biển chưa nhiều tại Việt Nam
Phương án khả thi
Cho ý kiến về dự án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã đồng ý với chủ trương đầu tư đường hầm qua Vịnh Cửa Lục với quy mô 6 làn xe, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng tình với đề xuất của đơn vị tư vấn, đồng thời đề nghị cần khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và Ban điều hành dự án, xem xét các phương tiện ưu tiên lưu thông trong hầm...
Đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án quy hoạch, thiết kế dự án xây dựng hầm qua sông Cửa Lục (TP Hạ Long) gồm 6 phương án về hướng tuyến, cấu trúc, công nghệ xây lắp và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng tình với phương án 1, được nhiều chuyên gia khẳng định có ưu điểm vượt trội. Đó là đào đường hầm thẳng tuyến, dễ thi công, lại kết nối được 2 trục đường chính ở tả hữu đôi bờ sông Cửa Lục, là đường Hạ Long (Bãi Cháy) và đường Lê Thánh Tông (Hòn Gai).
Điểm bắt với đường Hạ Long (bờ Bãi Cháy), cửa đường hầm cách cổng vào công viên Sun World Hạ Long 50m, tức là cách ga cáp treo Nữ Hoàng khoảng 300m. Điểm bắt vào đường Lê Thánh Tông (bờ Hòn Gai), cách ngã 5 về phía trước nút giao thông kết nối với đường 25/4 khoảng 50m.
Đường hầm qua sông Cửa Lục là công trình xây dựng công trình ngầm cấp đặc biệt, với 6 làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị TCVN 104 - 2007. Tổng chiều dài 2.140m, khai toán mức đầu tư khoảng 8 ngàn tỷ đồng. Về lựa chọn phương án kết cấu hầm chính, đơn vị tư vấn đề nghị ưu tiên xem xét phương án hầm dìm cho kết cấu hầm chính qua vịnh Cửa Lục.
Phương án hầm dẫn, mở ở hai phía của hầm chính, chủ yếu nằm trên bờ hoặc vùng nước nông, kết nối vào các trục đường đô thị hiện có. Hầm dẫn gồm 2 phần, phần hầm hở đoạn vuốt nối trắc dọc từ hầm kín vào các đường hiện có ở đôi bờ. Phần hầm kín, kết nối với hầm chính và nằm ngầm hoàn toàn dưới đáy biển.
Dự kiến, hồ sơ dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào tháng 5-2018 trước khi được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 9-2018. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 9-2019, thời gian thi công khoảng 4 năm. Nếu đường hầm qua vịnh Hạ Long được đầu tư xây dựng thì sẽ là tuyến đường đô thị đi thấp, kết nối giao thông các tuyến đường ven biển của thành phố Hạ Long và không bị ảnh hưởng bởi gió bão.
HẢI HẬU