08:50 26/11/2019 Những ngày này tại thành phố cảng Busan (Hàn Quốc), hàng loạt sự kiện quốc tế quan trọng đang diễn ra, với sự tham gia của Việt Nam cùng các các quốc gia Đông Nam Á minh chứng cho thấy Hàn Quốc thực sự nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN bằng “Chính sách hướng Nam mới”.
Trong hai ngày 25 và 26/11, Hội nghị cấp cao đặc biệt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hàn Quốc lần thứ ba diễn ra tại thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên, cùng với Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất diễn ngay sau đó được giới chức cũng như người dân Hàn Quốc chuẩn bị hết sức chu đáo và tỉ mỉ cho thấy Hàn Quốc thực sự quyết tâm và nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN bằng “Chính sách hướng Nam mới” với mục tiêu hiện thực hóa “một cộng đồng ASEAN-Hàn Quốc cùng phát triển, thịnh vượng và hòa bình cho người dân”.
Không chỉ hợp tác về ngoại giao và kinh tế, “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc còn bao gồm những kế hoạch hợp tác thực chất tạo ra sự cân bằng với các quốc gia ASEAN.
Đối với Hàn Quốc, chính sách hướng Nam không chỉ giúp họ mở rộng hợp tác với các đối tác mới và tăng cường tầm ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn, mà còn giúp giảm lệ thuộc vào 4 đối tác lâu nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Đây là chiến lược đúng đắn, lâu dài trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hay việc Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu những mặt hàng quan trọng đối với ngành công nghiệp của Hàn Quốc cũng như những khó khăn mà châu Âu đang phải đương đầu khi họ còn quá nhiều những vấn dề nội bộ đang phải giải quyết.
Trong khi đó, các nước ASEAN đều đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, sẵn sàng đón nhận “chính sách hướng Nam mới“ của Hàn Quốc, bởi từ lâu, Hàn Quốc đã là cường quốc công nghệ, có nền kinh tế phát triển vững chắc, qua đó đưa Hàn Quốc trở thành đối tác gần gũi và quan trọng hàng đầu của ASEAN.
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc năm nay đánh giá lại những thành tựu đạt được trong hợp tác hai bên trong 30 năm qua và đưa ra những phương hướng hợp tác trong 30 năm tới. Hàn Quốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai thực hiện “Chính sách hướng Nam Mới”, vì vậy hội nghị cấp cao lần này là nơi Tổng thống Moon Jae-in công bố giai đoạn thứ hai, trong đó có những chương trình hợp tác mới.
Trong khi đó, tại Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần đầu tiên, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ công bố những đóng góp to lớn hơn cho các nước trong tiểu vùng sông Mekong và sẽ thúc đẩy để hội nghị cấp cao này thành một sự kiện thường niên. Hai bên sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực giáo dục bậc cao và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa-du lịch như bảo tồn, phục hồi di sản văn hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi chính sách, thúc đẩy hợp tác kinh tế như ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa các tập đoàn, doanh nghiệp các nước sông Mekong-Hàn Quốc...
“Chính sách hướng Nam mới” được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra năm 2017 ngay sau khi ông đắc cử. Có thể nói trong 2 năm thực hiện chính sách này, quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN nói chung cũng như giữa Hàn Quốc và từng nước thành viên ASEAN nói riêng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.
Rất nhiều lần, Tổng thống và các quan chức Hàn Quốc khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng hàng đầu trong ASEAN, do đó để phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN, Việt Nam sẽ vẫn giữ vai trò chủ chốt, đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam đảm đương Chủ tịch ASEAN đồng thời là nước điều phối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước tiểu vùng sông Mekong. Việt Nam được ghi nhận đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển quan hệ Hàn Quốc-ASEAN trên cơ sở các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Trần Hoàng tổng hợp